28/12/2024

Tìm lối thoát cho thế giới giữa đại dịch

Tìm lối thoát cho thế giới giữa đại dịch

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) kêu gọi giải quyết tình trạng phân phối vắc xin Covid-19 bất bình đẳng trên toàn cầu, giữa lúc biến thể Delta đang đe dọa nỗ lực chống dịch ở khắp nơi.
Tiêm vắc xin Covid-19 tại Libya /// AFP
Tiêm vắc xin Covid-19 tại Libya  AFP
Tính đến nay, hơn 4,5 tỉ liều vắc xin Covid-19 đã được tiêm trên toàn thế giới, nhưng tỷ lệ chủng ngừa vô cùng chênh lệch. Ở những quốc gia có thu nhập cao theo xếp loại của Ngân hàng Thế giới, cứ 104 liều được tiêm cho 100 người; trong khi ở 29 nước có thu nhập thấp nhất, cứ 100 người chỉ có 2 liều được tiêm.

WHO kêu gọi 20 nhân vật đóng góp

Chuyên gia Bruce Aylward của WHO phụ trách đánh giá các công cụ chống dịch, hôm qua kêu gọi 20 người có ảnh hưởng trên thế giới đóng vai trò thiết yếu trong việc giải quyết vấn đề phân phối vắc xin bất bình đẳng như trên. “Họ lãnh đạo các công ty lớn phụ trách việc này; họ dẫn đầu các quốc gia ký kết phần lớn các hợp đồng vắc xin của thế giới và họ đứng đầu những quốc gia sản xuất các loại vắc xin. Chúng ta cần 20 nhân vật đó tuyên bố sẽ giải quyết vấn đề này trước cuối tháng 9 để đảm bảo 10% dân số của mỗi quốc gia được tiêm vắc xin”, ông Aylward nói.
Theo AFP, trước tình hình đại dịch diễn biến phức tạp, WHO đề ra mục tiêu mong muốn là mỗi quốc gia có ít nhất 10% dân số được tiêm vắc xin Covid-19 trước cuối tháng 9, ít nhất 40% được tiêm vào cuối năm nay và 70% giữa năm 2022. Tuy nhiên, chưa có ai đảm bảo được mục tiêu này, khi các nước phát triển đang tính việc tiêm mũi bổ sung do biến chủng mới nguy hiểm, còn các nước nghèo vẫn khó tiếp cận. Chương trình chia sẻ vắc xin toàn cầu COVAX đang thiếu trầm trọng nguồn cung để thực hiện mục tiêu cung cấp 2 tỉ liều vắc xin Covid-19 cho các quốc gia có thu nhập trung bình và thấp trước cuối năm 2021. Tính đến nay, COVAX mới chỉ phân phối được 186,2 triệu liều vắc xin cho 138 quốc gia và vùng lãnh thổ, theo Reuters dẫn dữ liệu từ Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF).

Diễn biến báo động ở nhiều nơi

Những cảnh báo trên được đưa ra trong bối cảnh biến chủng Delta làm gia tăng số ca nhiễm Covid-19 ở nhiều nước. Đông Nam Á hiện là điểm nóng dịch bệnh khi các nước trong khu vực đều phải chống chọi làn sóng Covid-19 nghiêm trọng. Hàn Quốc hôm qua ghi nhận số ca nhiễm Covid-19 mới/ngày cao kỷ lục là 2.223 dù Thủ tướng Hàn Quốc Kwon Deok-cheol thừa nhận đã áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội nghiêm ngặt nhất trong hơn một tháng qua.
Trung Quốc đang ra sức khống chế khi liên tục ghi nhận số ca nhiễm mới trong cộng đồng cao nhất từ đầu năm đến nay, theo Reuters. Biến chủng Delta cũng đang đẩy số ca mắc mới và nhập viện ở Mỹ lên mức cao nhất trong vòng 6 tháng qua.
Thêm một dấu hiệu đáng lo khác được báo động tại Ấn Độ – nơi đầu tiên phát hiện biến chủng Delta và vừa trải qua đợt “sóng thần” Covid-19 kinh hoàng hồi tháng 4 và tháng 5. Tờ The Straits Times hôm qua dẫn lời bác sĩ Samiran Panda, chuyên gia dịch tễ học đứng đầu Hội đồng Nghiên cứu y khoa Ấn Độ (ICMR) cho hay nước này đã xuất hiện các dấu hiệu về làn sóng thứ ba khi ít nhất 10 bang ghi nhận chỉ số lây nhiễm tăng trở lại.
Facebook chặn chiến dịch đưa tin giả về vắc xin
AFP đưa tin Facebook ngày 10.8 tuyên bố đã ngăn chặn chiến dịch phát tán thông tin giả về vắc xin ngừa Covid-19 trên mạng xã hội. Chiến dịch đã tạo ra các bài báo và kiến nghị gây hiểu lầm về vắc xin, rồi lừa những người có sức ảnh hưởng (KOL) chia sẻ thông tin đó. Facebook cho rằng chiến dịch này do Công ty tiếp thị Fazze ở Nga thực hiện. Mạng xã hội này cho biết đã xóa 65 tài khoản Facebook và 243 tài khoản Instagram có liên quan đến chiến dịch vào tháng 7, đồng thời cấm Fazze trên nền tảng của mình. Theo Facebook, mục tiêu chủ yếu của chiến dịch là Ấn Độ và Mỹ Latin, đồng thời cũng nhắm tới Mỹ.
Đông A
VĂN KHOA
TNO