Biến chủng Delta là thách thức quá lớn cho miễn dịch cộng đồng?
Biến chủng Delta là thách thức quá lớn cho miễn dịch cộng đồng?
Giáo sư hàng đầu của Anh về vắc xin cảnh báo biến chủng Delta của virus gây Covid-19 đang khiến khả năng đạt miễn dịch cộng đồng trở nên bất khả thi.
Giáo sư Andrew Pollard, Giám đốc Nhóm vắc xin Oxford thuộc Đại học Oxford (Anh), Chủ tịch Ủy ban chung về tiêm chủng – cố vấn cho chính phủ Anh, ngày 10.8 cảnh báo với các nghị sĩ rằng các vắc xin Covid-19 hiện nay không ngăn chặn Covid-19 lây lan, do đó để đạt miễn dịch cộng đồng là điều “tưởng tượng”, theo tờ The Guardian.
“Vấn đề là virus này không phải như virus gây bệnh sởi. Nếu 95% dân số được tiêm vắc xin sởi, virus không thể lây nhiễm trong cộng đồng. Biến chủng Delta vẫn sẽ lây sang người đã tiêm vắc xin. Điều đó đồng nghĩa bất kỳ ai chưa tiêm vắc xin vào thời điểm nào đó sẽ gặp virus. Chúng ta không có thứ gì để ngăn chặn hoàn toàn sự lây nhiễm đó”, ông Pollard nói.
Tuy các vắc xin hiện nay rất hiệu quả trong việc ngăn chặn triệu chứng nặng và tử vong, vẫn có trường hợp người đã tiêm vắc xin nhiễm virus, khiến cho việc miễn dịch cộng đồng trở nên bất khả thi. Ông Pollard dự báo sắp tới có thể sẽ xuất hiện biến thể lây lan mạnh hơn trong những người đã tiêm và kêu gọi không nên xây dựng chương trình vắc xin xung quanh ý tưởng miễn dịch cộng đồng.
Mặt khác, ông Pollard tỏ ý rằng việc tiêm nhắc là chưa cần thiết. Vị chuyên gia nói rằng việc tiêm nhắc chỉ cần thiết nếu có bằng chứng cho thấy tỷ lệ nhập viện, tử vong gia tăng trong số những người đã tiêm vắc xin. “Chúng tôi chưa thấy điều đó vào thời điểm này”, ông Pollard nói.
Vị chuyên gia cũng giải thích rằng ngay cả khi lượng kháng thể do vắc xin Covid-19 tạo ra giảm dần, hệ miễn dịch cũng ghi nhớ trong vài chục năm và giúp ngăn chặn virus ở mức độ nào đó. “Không có lý do gì phải hoảng loạn vào lúc này. Chúng tôi chưa thấy vấn đề nào với các ca bệnh nặng ở người tiêm vắc xin”, ông Pollard thông báo.
VI TRÂN
TNO