Cuộc ứng phó Covid-19 đối mặt thách thức mới
CNBCB hôm qua (9.8) dẫn lời bác sĩ Larry Brilliant (người Mỹ), thành viên của lực lượng thuộc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) giúp xóa sổ bệnh đậu mùa trên thế giới, nhận định rằng biến thể Delta của SARS-CoV-2 “có lẽ là chủng vi rút dễ lây lan nhất” mà nhân loại phải đối mặt.
“Trừ khi chúng ta tiêm chủng cho tất cả mọi người tại hơn 200 quốc gia, nếu không sẽ vẫn xuất hiện những biến thể mới (gây bệnh Covid-19)”, ông cảnh báo.
Diễn biến quan ngại
Cùng ngày 9.8, Trung Quốc phát hiện 125 ca mắc mới trong vòng 24 giờ, tăng so với 96 ca một ngày trước đó. Trong số này có 94 ca cộng đồng, tăng so với 81 của ngày hôm trước, đa số tập trung ở TP.Trịnh Châu (tỉnh Hà Nam) và TP.Dương Châu (tỉnh Giang Tô). Trước tình trạng dịch tiếp tục lan rộng và bắt nguồn từ biến thể Delta, một số thành phố tiếp tục các đợt xét nghiệm mới nhằm tìm ra nguồn lây trong cộng đồng. Theo Reuters, Dương Châu bắt đầu xét nghiệm đợt thứ 5 cho toàn thành phố, trong khi Trịnh Châu bước vào đợt thứ ba.
Tại Đông Nam Á, gần 20% số bệnh viện ở Philippines gần hết giường trống vì số người bệnh nặng cần nhập viện do biến thể Delta gia tăng. Số ca Covid-19 mới ở nước này đang tăng với tốc độ khoảng 8.000 – 10.000 ca nhiễm mới/ngày. Đối với Campuchia, số ca mới theo ngày giảm nhưng số ca do biến thể Delta vẫn tiếp tục được ghi nhận, theo tờ Khmer Times. Trong số 58 ca Delta mới phát hiện trong ngày 9.8, có đến 47 trường hợp là ca cộng đồng. Tại Indonesia, Tổng thống nước này Joko Widodo cân nhắc siết chặt các biện pháp phòng dịch ở một số khu vực vì số ca mới tiếp tục tăng do biến thể Delta.
Lo ngại cho trẻ em
Trong khi đó, Đài ABC News ngày 8.8 dẫn lời tiến sĩ Francis Collins, Giám đốc Viện Y tế quốc gia Mỹ (NIH), cảnh báo nước này đang “thất bại” trong cuộc chiến chống dịch Covid-19. Cùng ngày, Mỹ ghi nhận số ca mới lên đến 118.000 trong vòng 24 giờ, mức cao nhất kể từ tháng 2, trong khi số ca tử vong tăng 89% trong 2 tuần qua. “Lẽ ra chúng ta đã không lâm vào tình cảnh hiện nay trước đà tấn công của biến thể Delta nếu thành công trong chiến dịch thúc đẩy tiêm chủng toàn dân. Giờ đây chúng ta đang trả giá vô cùng đắt vì điều đó”, ông Collins thừa nhận.
Ông Collins cũng nêu lên thực tế đáng quan ngại: số trẻ em mắc Covid-19 đang ngày càng gia tăng tại Mỹ. Hiện Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) chưa phê chuẩn vắc xin cho trẻ em từ 12 tuổi trở xuống. Tính đến hôm qua, 1.450 trẻ em mắc Covid-19 đang được điều trị tại bệnh viện, con số cao nhất kể từ khi dịch bệnh lan đến Mỹ. Bên cạnh đó, nhiều trẻ em bệnh nặng hơn so với các làn sóng dịch trước đó, gây lo ngại trong giới bác sĩ nhi khoa.
Tiêm chủng 90% mới miễn dịch cộng đồng
Tương tự Mỹ, nhiều nước đã cân nhắc tiêm vắc xin cho trẻ em. Trong đó, Campuchia từ ngày 1.8 bắt đầu tiêm vắc xin cho độ tuổi từ 12-17. Anh và Úc triển khai tiêm vắc xin cho độ tuổi 16-17, trong khi chỉ tiêm vắc xin Pfizer/BioNTech cho những trẻ từ 12-15 tuổi nếu chúng đối mặt nguy cơ bệnh nặng. Từ tháng 5, Mỹ đã tiêm vắc xin Pfizer/BioNTech cho trẻ từ 12 tuổi trở lên và chiến dịch này đang được tăng tốc nhằm đuổi kịp thời gian tựu trường vào tháng 9. Tại Liên minh Châu Âu (EU), vắc xin Pfizer/BioNTech và Moderna cũng được phê chuẩn bổ sung cho độ tuổi từ 12-17, sau khi kết quả thử nghiệm cho thấy hiệu quả 100% ngừa Covid-19 ở nhóm này, theo Đài DW.
Trước đà tấn công của biến thể Delta, Hiệp hội Bệnh truyền nhiễm Mỹ vừa thay đổi ngưỡng tiêm phòng để đạt đến miễn dịch cộng đồng. Theo đó, kết quả nghiên cứu cho thấy cần phải tiêm đến 90% tổng dân số của một quốc gia nếu muốn đạt đến ngưỡng này, tăng mạnh so với ngưỡng 60-70% trước đây.
Thử nghiệm vắc xin cho trẻ em
Tờ The Guardian hôm qua dẫn thông tin từ Hãng Moderna cho biết đang lên kế hoạch thử nghiệm vắc xin Covid-19 cho trẻ độ tuổi từ 6 tháng đến 12 tuổi. Hãng dự kiến triển khai cuộc thử nghiệm ở Mỹ và Úc hoặc Canada hoặc cả hai, với tổng cộng 6.000 trẻ sẽ tham gia. Theo kế hoạch, cuộc thử nghiệm sẽ kéo dài đến giữa năm 2023, tập trung vào ba nhóm tuổi lần lượt là từ 6-12 tuổi, từ 2-6 tuổi, và từ 6 tháng đến 2 tuổi.
THUỴ MIÊN
TNO