13/11/2024

WHO cảnh báo thành quả chống dịch có thể mất dần

WHO cảnh báo thành quả chống dịch có thể mất dần

Cuối tháng 7.2021, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các tỉnh, thành đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 thực hiện ngay các biện pháp hỗ trợ cần thiết về đời sống, y tế để người dân an tâm ‘ai ở đâu ở đấy’.
Lực lượng chức năng phát quà cho người dân ở hẻm 25 Chuyên Dùng 9 (P.Phú Mỹ, Q.7, TP.HCM) /// Ảnh: Trác Rin
Lực lượng chức năng phát quà cho người dân ở hẻm 25 Chuyên Dùng 9 (P.Phú Mỹ, Q.7, TP.HCM)  ẢNH: TRÁC RIN
 Vậy các tỉnh, thành này thực hiện như thế nào?

Trao quà cho những hộ heo hút nhất

Để giúp người dân, nhất là những người tạm trú, không phải thiếu cái ăn trong những ngày TP.HCM giãn cách theo Chỉ thị 16, sáng qua 4.8, nhóm tiếp ứng thực phẩm tận nhà cho người dân gồm các cán bộ Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Q.7, phối hợp cùng cán bộ Ban Chỉ huy quân sự Q.7, đến từng nhà dân trong các khu phong tỏa để tiếp tế hàng hóa, lương thực thực phẩm. Đặc biệt, những người dân đang sống trong các căn nhà tạm bợ, heo hút trên địa bàn Q.7 đều được tổ công tác trao tận nơi.
Theo ông Võ Khắc Bình, Chủ tịch LĐLĐ Q.7, trong lúc TP.HCM thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16, đơn vị nhận thấy còn nhiều gia đình, công nhân, người lao động (NLĐ) đang gặp khó khăn trong tiếp cận nguồn lương thực, thực phẩm. Đơn vị này phối hợp với Ban Chỉ huy quân sự Q.7 lập tức ứng cứu, giúp người dân không phải thiếu cái ăn trong lúc chờ chính sách của TP.HCM. Trung bình mỗi ngày, tổ công tác phát trực tiếp 500 phần quà/phường vào mỗi buổi sáng. Ngoài ra, đơn vị này còn rà soát thông tin trên các trang Facebook, nếu phát hiện các hộ dân, công nhân, NLĐ có hoàn cảnh khó khăn bị giảm thu nhập và tạm ngưng công việc do ảnh hưởng dịch Covid-19 trên địa bàn Q.7, thì sẽ xác minh, sau đó đi trao quà ngay ngày hôm sau. Mỗi phần quà trị giá 150.000 đồng.
Lãnh đạo UBND Q.Gò Vấp cho biết đã giao các phường rà soát, lập danh sách các trường hợp có hoàn cảnh khó khăn sinh sống trong các khu nhà trọ, người lao động tự do (NLĐTD), sinh viên, NLĐ từ các tỉnh đang mất việc làm… ước tính khoảng vài chục ngàn người. Những gia đình khó khăn, người yếu thế thì phường chăm lo bằng các nguồn vận động tại chỗ để người dân không thiếu đói; đồng thời vận động người dân không về quê. Các phường đều có đường dây nóng, người dân nào gặp khó khăn thì gọi để nhận hỗ trợ; bên cạnh đó các tổ tư vấn cộng đồng, tổ bảo vệ vùng xanh, tổ dân phố đều nắm được danh sách. Ngoài ra, quận cũng nhận nhiều thông tin từ Tổng đài 1022 – kênh 2 về các trường hợp khó khăn cần hỗ trợ, qua xác minh đã giúp đỡ kịp thời được nhiều người.
Ngoài triển khai các chính sách chung, Sở LĐ-TB-XH TP.Hà Nội cũng đề xuất UBND TP phê duyệt kinh phí hỗ trợ hộ nghèo không có người tham gia thị trường lao động, không là NLĐTD, gia đình gặp khó khăn do bị ảnh hưởng của dịch Covid-19. Dự kiến, Hà Nội có khoảng hơn 3.000 hộ được hỗ trợ với mức hỗ trợ tối thiểu 1 triệu đồng/hộ. Sở LĐ-TB-XH Hà Nội cho hay, đến thời điểm này, toàn thành phố đã hỗ trợ tổng số hơn 54 tỉ đồng cho NLĐ, người sử dụng lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Ngày 4.8, theo ông Hoàng Sơn Trà, Chủ tịch UBND Q.Sơn Trà (TP.Đà Nẵng), 5 phường hiện phải thực hiện cách ly y tế của quận gồm Nại Hiên Đông, Phước Mỹ, An Hải Bắc, Mân Thái, Thọ Quang đang thực hiện các thủ tục để chi hỗ trợ cho khoảng 127.000 người dân (khoảng 31.000 hộ). Theo kế hoạch, trong ngày 4.8, người dân được nhận tiền hỗ trợ đợt 1 (khi đến lấy mẫu xét nghiệm cộng đồng lần 2). Tuy nhiên, do dịch bệnh đang diễn biến phức tạp việc kết hợp vừa xét nghiệm vừa hỗ trợ tiền không đảm bảo một số biện pháp phòng chống dịch, nên người dân đã nộp lại giấy đăng ký, khai báo nhân khẩu…; dự kiến ngày 6.8 sẽ được cán bộ địa phương, Tổ Covid-19 cộng đồng phát tiền đến từng hộ gia đình.
Cụ thể, mức hỗ trợ là 40.000 đồng/nhân khẩu/ngày, tức 200.000 đồng/người/đợt (5 ngày). Đáng chú ý, theo ông Hoàng Sơn Trà, người dân ở các phường bị phong tỏa không kể là người có hộ khẩu hay tạm trú, người bị kẹt lại vùng phong tỏa, người dân khó khăn hay công chức, cán bộ… tất cả sẽ được nhận mức hỗ trợ chung để yên tâm ở nhà chống dịch.
Tương tự, chiều 4.8, ông Nguyễn Văn Lộc, Chủ tịch Ủy ban MTTQ VN tỉnh Bình Dương, thông tin qua thống kê sơ bộ, có khoảng 500.000 công nhân (CN), NLĐ ở lại Bình Dương sẽ được nhận hỗ trợ bằng tiền. Về việc hỗ trợ tiền nhà trọ, tiền điện nước, chỉ chờ HĐND tỉnh thông qua, dự kiến trong một vài ngày tới tỉnh Bình Dương sẽ duyệt chi. Đến nay, Sở LĐ-TB-XH và LĐLĐ tỉnh Bình Dương đã chi tiền hỗ trợ cho trên 25.000 người bị ảnh hưởng bởi dịch với tổng số tiền trên 36 tỉ đồng.
Theo Sở LĐ-TB-XH tỉnh Đồng Nai, toàn tỉnh có khoảng 30.000 NLĐTD được nhận hỗ trợ với số tiền khoảng 45 tỉ đồng. Hiện UBND tỉnh Đồng Nai đã phê duyệt danh sách NLĐTD được hỗ trợ của nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh và các địa phương đang triển khai kế hoạch hỗ trợ.

Đăng ký tiêm vắc xin ở đâu?

Về việc đăng ký tiêm vắc xin, lãnh đạo Sở TT-TT TP.HCM thông tin, người dân có thể đăng ký tiêm vắc xin thông qua ứng dụng Sổ Sức khỏe điện tử của Bộ Y tế hoặc Cổng thông tin tiêm chủng Covid-19 quốc gia. Khi có đầy đủ dữ liệu đăng ký, các địa phương lập kế hoạch tiêm, nhắn tin mời tiêm đến các điểm tiêm cố định, điểm tiêm cộng đồng. Đối với các đội tiêm lưu động, quận, huyện áp dụng các giải pháp công nghệ thông dụng như nhắn tin, thông qua các tổ dân phố trao đổi, mời người dân thông qua các nhóm Zalo. Ông Nguyễn Khả Chính, Chủ tịch UBND P.10 (Q.Gò Vấp), cho hay dựa trên hướng dẫn của TP.HCM về độ tuổi tiêm vắc xin, phường triển khai xuống các khu phố lập danh sách người dân từ 18 đến 64 tuổi và chưa được tiêm mũi nào.
Ngày 4.8, bác sĩ Nguyễn Hoài Nam, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho biết hiện quan điểm của TP.HCM là ai ở trên địa bàn TP.HCM thì được tiêm vắc xin hết. Bộ Y tế đang phân bổ vắc xin liên tục cho TP.HCM. Về những người tạm trú, yếu thế thì nên đăng ký qua địa phương đang tạm trú; sinh viên thì đăng ký tại trường để lập danh sách. Về việc một số người phản ánh đăng ký qua mạng đã lâu nhưng chưa tiêm được, theo bác sĩ Nam thì hy vọng có đủ vắc xin theo cam kết của Bộ để TP tiêm hết trong tháng 8.
Sở Y tế Hà Nội cho biết, TP đã được phân bổ 959.820 liều vắc xin. Riêng đợt 6, đợt 7, Hà Nội tiếp nhận 626.320 liều, kết quả đã tiêm được 66.0149 liều (105%). Cộng dồn các đợt tiêm đến nay đã tiêm là 871.555 mũi cho 812.100 người. Trong đợt đầu chiến dịch tiêm vắc xin diện rộng của TP.Hà Nội, Q.Đống Đa được phân bổ 25.000 liều. Quận đã trưng dụng phòng khám tư nhân, trung tâm tiêm chủng dịch vụ, viện tư nhân, cả Nhà thi đấu Trịnh Hoài Đức để đẩy nhanh tốc độ, số lượng tiêm.
Trước đó, Tỉnh ủy Bình Dương đã có văn bản chỉ đạo, yêu cầu các sở ngành, đoàn thể và các cấp huyện thị thực hiện ngay việc đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin cho công nhân. Đến nay, Bình Dương đã được Bộ Y tế phân bổ 311.000 liều vắc xin Covid-19 các loại nhưng mới chỉ triển khai tiêm được 88.500 liều.

Chăm lo bằng tất cả khả năng

Về công tác cung cấp lương thực thực phẩm, sáng 4.8, Ủy ban MTTQ VN TP.HCM tiếp nhận và phân phối Quỹ phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM có buổi làm việc với các siêu thị, trung tâm thương mại, các nhà cung ứng nhằm bàn giải pháp cung cấp lương thực thực phẩm đến người dân TP.HCM trong thời gian TP thực hiện giãn cách đến ngày 16.8.
Theo đó, để kịp thời hỗ trợ các hộ dân khi thực hiện giãn cách xã hội, Ủy ban MTTQ VN TP.HCM tiếp nhận và phân phối Quỹ phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM đề nghị Ủy ban MTTQ các quận, huyện và TP.Thủ Đức phối hợp chính quyền rà soát thống kê số lượng và lập danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn, hộ cần hỗ trợ khẩn cấp do bị ảnh hưởng dịch để báo về Ủy ban MTTQ VN TP.HCM trước ngày 6.8. Trước mắt, dự kiến có hơn 250.000 phần quà (trị giá 500.000 đồng/phần, mỗi hộ 1 phần gồm các loại nhu yếu phẩm thiết yếu) từ nguồn vận động doanh nghiệp sẽ được trao cho đối tượng khó khăn, giúp họ có thể trang trải trong một tuần. Đồng thời, các phần nhu yếu phẩm trên sẽ phân phối cho người dân khó khăn mà không phân biệt đối tượng, nhóm ngành nghề hay yêu cầu gì về điều kiện cư trú. Từ ngày 3 – 4.8, Ủy ban MTTQ VN TP.HCM đã tổ chức chuyển 5.400 phần quà đến các hộ dân thông qua hệ thống MTTQ các quận huyện và TP.Thủ Đức, dự kiến tuần đầu tiên triển khai sẽ chuyển về các địa phương 150.000 phần.
Người yếu thế, khó khăn có thể liên hệ Ủy ban MTTQ VN cấp phường, xã, thị trấn; Tổng đài 1022; các đường dây nóng của Ủy ban MTTQ VN TP.HCM cung cấp… để được hỗ trợ. Đồng thời, chỉ cần người dân khó khăn là được hỗ trợ nhu yếu phẩm ngay, không cần bất cứ thủ tục, giấy tờ nào; thời gian giải quyết có thể tùy vào từng địa phương, nhất là việc địa phương có đủ người thực hiện hay không khi có nhiều cán bộ đang trong các khu cách ly, phong tỏa…
Ngày 3.8, Sở LĐ-TB-XH TP.HCM có công văn gửi UBND TP.HCM đề xuất hỗ trợ đợt 2 cho hơn 334.000 NLĐ không có giao kết hợp đồng lao động (NLĐTD) thuộc diện thụ hưởng theo Nghị quyết 09/2021 của HĐND TP.HCM. Dự toán kinh phí hơn 501 tỉ đồng (1,5 triệu đồng/người). Ngoài ra, sở này cũng đề xuất hỗ trợ 1 triệu đồng/hộ cho hơn 90.000 hộ nghèo, cận nghèo và khoảng 170.000 hộ lao động nghèo sống trong nhà trọ, xóm lao động nghèo, khu vực lao động nghèo, khu vực bị phong tỏa trên địa bàn TP.
Về trình tự, thủ tục, ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở LĐ-TB-XH TP.HCM, đề nghị giao chủ tịch UBND các quận huyện và TP.Thủ Đức; xã, phường, thị trấn chịu trách nhiệm rà soát, xác định số người lao động nghèo sống trong nhà trọ, trong xóm lao động nghèo, khu vực lao động nghèo, khu vực bị phong tỏa gặp khó khăn do dịch Covid-19 trên địa bàn quản lý và cử các lực lượng như Đoàn thanh niên, dân quân tự vệ, cán bộ phường, xã… trực tiếp đến từng nhà hỗ trợ cho mỗi hộ 1 triệu đồng theo kinh phí được giao cho từng địa phương.
Trong 2 ngày qua, Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM tổ chức 24 đoàn đi thăm, động viên, trao tặng quà cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn đang sinh sống trong “vùng xanh”, các hộ gia đình có ca F0, F1 đang cách ly tại nhà, CN, NLĐ tự do, sinh viên… có hoàn cảnh khó khăn. Tổng cộng có 2.400 túi an sinh xã hội gồm một số lương thực, thực phẩm thiết yếu. Hiện TP.HCM mong muốn người dân hạn chế tiếp xúc để tránh lây lan dịch bệnh với tinh thần “ai ở đâu nên ở yên đó”, kể cả người dân ở các tỉnh đang rất muốn được về quê khi không thể tiếp tục sản xuất, lao động. Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Phan Nguyễn Như Khuê cho rằng, TP luôn trân trọng và tri ân NLĐ từ các tỉnh đã sinh sống, làm việc tại TP thời gian qua bởi “từng giọt mồ hôi đó đã góp phần vào sự tăng trưởng GRDP”. TP.HCM đang là tâm điểm của dịch bệnh nên không phân biệt hộ khẩu mà coi mọi người đều là người dân TP để chăm lo bằng tất cả khả năng, điều kiện hiện có nhằm ổn định cuộc sống, tổ chức tiêm chủng vắc xin cho mọi người dân đủ điều kiện.
Liên quan đến chính sách an sinh xã hội, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức cho biết TP đã cơ bản hoàn tất chi gói hỗ trợ 868 tỉ đồng theo Nghị quyết 09/2021 của HĐND TP.HCM về một số chế độ, chính sách đặc thù phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19; hỗ trợ người dân bị tác động bởi dịch trên địa bàn và đang tiếp tục thực hiện các gói hỗ trợ khác. Bên cạnh đó, TP còn nhận được hỗ trợ từ các nguồn lực xã hội khác với tổng số tiền hơn 2.143 tỉ đồng dùng để mua trang thiết bị y tế, hỗ trợ các hộ dân, lực lượng tuyến đầu…
Trong nỗ lực chung tay hỗ trợ những người gặp khó khăn vì dịch Covid-19 diễn biến phức tạp tại TP.HCM, vừa qua Đoàn cơ sở Báo Thanh Niên đã thực hiện nhiều hoạt động thiết thực và ý nghĩa. Chương trình “Hỗ trợ sinh viên gặp khó khăn vì dịch Covid-19” do Đoàn cơ sở Báo Thanh Niên phối hợp cùng T.Ư Hội Sinh viên VN, Trung tâm công tác xã hội thanh thiếu niên (thuộc T.Ư Hội LHTN VN) tổ chức từ ngày 19.7 đã kịp thời trao 1.000 suất quà nhu yếu phẩm cho sinh viên ở trọ gặp khó khăn, đặc biệt là sinh viên trong các khu phong tỏa, cách ly trên địa bàn TP.HCM. Tiếp đó ngày 29.7, Đoàn cơ sở Báo Thanh Niên đồng hành cùng đơn vị tài trợ và tình nguyện viên đã trao tặng quà là thực phẩm, nhu yếu phẩm thiết yếu cho 11 mái ấm tại nhiều quận, huyện ở TP.HCM – nơi đang cưu mang hơn 1.000 mảnh đời là các cụ già neo đơn, trẻ bị bỏ rơi, người yếu thế.
Ngọc Mai
THANH NIÊN
TNO