23/11/2024

Tư vấn bệnh nhân COVID-19 ở Việt Nam, phát hiện ‘triệu chứng hoảng loạn’

Tư vấn bệnh nhân COVID-19 ở Việt Nam, phát hiện ‘triệu chứng hoảng loạn’

Hoạt động qua một tuần lễ, hơn 2.000 y, bác sĩ trong mạng lưới ‘Thầy thuốc đồng hành’ đã gọi điện thoại cho trên 49.000 bệnh nhân COVID-19. Sự đồng hành của họ đã góp phần giảm tải cho các đồng nghiệp đang ở tuyến đầu.

 

 

Tư vấn bệnh nhân COVID-19 ở Việt Nam, phát hiện triệu chứng hoảng loạn - Ảnh 1.

Hình ảnh một người lính biên phòng Đà Nẵng bế cụ bà dương tính với SARS-CoV-2 ra xe để đưa đi điều trị ở bệnh viện đang lay động cộng đồng mạng – Ảnh: NGUYỄN TỐNG KHIÊM

Bác sĩ Lê Tuấn Thành, phó chủ tịch Hội Thầy thuốc trẻ Hà Nội, cho hay mạng lưới “Thầy thuốc đồng hành” được thiết lập khoảng 1 tuần qua, quy tụ y bác sĩ và tình nguyện viên từ các miền đất nước hỗ trợ bệnh nhân TP.HCM.

Hiện mạng lưới đã chia thành 22 nhóm theo các quận huyện của TP. Ba ngày qua, mạng lưới này đã gọi điện thoại cho trên 49.000 F0 (cả F0 đang cách ly điều trị tập trung và F0 đang ở nhà), sàng lọc ghi nhận 500 bệnh nhân đã có triệu chứng và đang ở nhà, trong đó có 300 bệnh nhân chuyển nặng. Nhóm đã báo y tế địa phương cấp cứu và chuyển bệnh nhân tới bệnh viện.

Khi trao đổi với bệnh nhân để đánh giá nguy cơ và phát hiện trường hợp nguy cơ cao, bác sĩ khởi động quy trình tương ứng là phối hợp với y tế địa phương, ưu tiên ca nặng liên lạc với cấp cứu trước…

“Chúng tôi nhận thấy sau khi có kết quả test dương tính, bệnh nhân hoang mang gọi liên tục 115 dẫn đến quá tải ảo, có bệnh nhân khóc trong quá trình tư vấn, có ca bệnh mà nhóm chỉ gọi được cho người con trai nhưng con trai của bệnh nhân cũng khóc.

Nhiều ca bệnh nhân hoảng loạn do triệu chứng nặng cần cấp cứu, hoặc có người không có triệu chứng nào nhưng họ vẫn có triệu chứng hoảng loạn” – bác sĩ Thành cho biết.

Chiều 4-8, bác sĩ trong nhóm gặp một trường hợp bệnh nhi 18 tháng tuổi có test nhanh dương tính, có khó thở, li bì, cha mẹ cháu rất lo lắng, sợ hãi. Rất may bác sĩ đồng hành là bác sĩ của Bệnh viện Nhi trung ương đã hướng dẫn cha mẹ chăm sóc cháu bé. Tình huống cháu bé trở nặng hơn bác sĩ sẽ hỗ trợ.

“Trong lúc bệnh nhân rất đông, họ hiểu ngành y tế vất vả quá rồi nhưng khi có bệnh nhân nặng, gia đình bệnh nhân rất lo lắng tìm trợ giúp, vì vậy những cuộc gọi tư vấn từ mạng lưới Thầy thuốc đồng hành được coi như một cánh tay hỗ trợ cho bệnh nhân.

Mục tiêu của mạng lưới Thầy thuốc đồng hành là tìm bệnh nhân nặng, phối hợp điều phối đưa bệnh nhân đến bệnh viện và không để ca bệnh F0 tử vong tại cộng đồng” – bác sĩ Đỗ Tiến Sơn, thành viên mạng lưới Thầy thuốc đồng hành, cho biết.

“Vấn đề hay gặp nhất là bệnh nhân thiếu kiến thức, lo lắng nên khó kiềm chế cảm xúc. Phần lớn người dân đã hiểu biện pháp phòng dịch (ví dụ như 5K), nhưng khi thực hành thì không hiểu rõ từng biện pháp” – bác sĩ Sơn nói.

Bác sĩ Lê Tuấn Thành cho biết Sở Y tế TP.HCM đã đưa thông tin của mạng lưới cho 60 bệnh viện điều trị bệnh nhân COVID-19, khi mạng lưới sàng lọc và ghi nhận ca bệnh cần cấp cứu, chuyển viện, tổ điều phối cấp cứu trong mạng lưới sẽ điều phối chuyển bệnh viện nào còn chỗ trống, không để bệnh nhân nặng ở nhà và tử vong tại cộng đồng.

Bệnh nhân và người cần thông tin về COVID-19 tại khu vực TP.HCM có thể gọi số 1022, ấn phím 3 để được y bác sĩ trong mạng lưới Thầy thuốc đồng hành hỗ trợ và tư vấn theo ca bệnh.

LAN ANH
TTO