26/12/2024

Năm học mới sẽ ra sao?

Năm học mới sẽ ra sao?

Chỉ còn hơn 1 tháng nữa là đến ngày 5-9, thường là ngày rộn ràng của lễ khai giảng năm học mới. Năm nay dịch COVID-19 bùng phát khiến nhiều tỉnh thành chưa thể xác định được ngày tựu trường. Trong khi đó, Bộ GD-ĐT vẫn im ắng.

 

Năm học mới sẽ ra sao? - Ảnh 1.

Học sinh dự lễ khai giảng năm học 2020 tại Trường THPT Lê Quý Đôn (Q.3, TP.HCM) – Ảnh: DUYÊN PHAN

Nhiều phụ huynh, giáo viên đề xuất lùi thời gian khai giảng nhưng cũng có nhà trường sẵn sàng bắt đầu năm học mới với hình thức khai giảng và dạy học trực tuyến.

Thắc thỏm ngày tựu trường

“Con tôi về quê với ông bà trước khi dịch bùng phát. Hà Nội đang thực hiện giãn cách, người dân không được ra khỏi thành phố nên bố mẹ không thể về đón con ra được. Việc quyết định thời điểm học sinh bước vào năm học mới cần sớm hơn để phụ huynh chủ động lo liệu.

Trường hợp học sinh phải học trực tuyến cũng cần có sự chuẩn bị” – chị Hằng Nga, có con học ở Trường tiểu học Nghĩa Tân (Cầu Giấy, Hà Nội), cho biết.

Ngược lại, một phụ huynh khác ở Ninh Bình cho hay con chị đang bị “mắc kẹt” ở Hà Nội, trong khi Ninh Bình là một trong hơn 30 tỉnh thành tới nay vẫn giữ nguyên lịch tựu trường theo khung được Bộ GD-ĐT ban hành trong quyết định 2084, tức là tựu trường vào ngày 1-9 và khai giảng vào ngày 5-9.

Nhiều phụ huynh ở TP.HCM lo lắng khi thành phố đang phong tỏa vì dịch mà ngày tựu trường đang đến gần.

“Tình hình dịch đang rất phức tạp, việc cho học sinh đến trường vào đầu tháng 9 là không khả thi. Tôi đề nghị nếu học sinh tiểu học không thể đến trường, Bộ và Sở GD-ĐT cần tính toán để có phương án phù hợp chứ không thể bắt học sinh lớp 1, 2 phải học trực tuyến, rất vất vả cho phụ huynh mà lại không hiệu quả” – bà Phạm Phương Lan, phụ huynh có con sắp bước vào lớp 2 ở quận 7, TP.HCM, chia sẻ.

Bà Lan kể: “Năm học trước con tôi đã có khoảng thời gian ngắn học từ xa. Bé còn nhỏ nên tôi cứ phải ngồi kế bên mỗi khi con học. Mà học từ xa các bé hay lơ đễnh lắm. Học xong, cháu không nhớ được gì cả”.

Tương tự, bà Nguyễn Ánh Hồng, nhà ở phường Đa Kao, quận 1, TP.HCM, cũng nêu ý kiến: “Nếu dịch bệnh chưa kiểm soát được thì chưa bắt đầu năm học mới. Tôi phản đối việc cho học sinh lớp 1 học trực tuyến, nhất là giai đoạn đầu năm học.

Các bé mới tốt nghiệp mầm non, chỉ quen với việc vui chơi chứ đâu đã quen với việc học của học sinh tiểu học. Vì vậy, học sinh lớp 1 phải được học trực tiếp để được thầy cô giáo rèn nề nếp học tập, cách cầm bút, cách viết chữ”.

Năm học mới sẽ ra sao? - Ảnh 2.

Học sinh lớp 1 Trường tiểu học Nguyễn Huệ, quận 1, TP.HCM trong ngày khai giảng năm học 2020-2021 – Ảnh: THANH BÙI

Lùi ngày khai giảng được không?

Năm học 2021-2022 sẽ là năm đầu tiên các trường tiểu học, THCS trên cả nước thực hiện chương trình lớp 2, lớp 6 mới; là năm thứ hai các trường tiểu học thực hiện chương trình lớp 1 mới. Đây chính là nguyên nhân khiến phụ huynh và cả giáo viên dè dặt khi nói về phương án học trực tuyến.

“Tôi cho rằng năm học mới vẫn có thể bắt đầu từ tháng 9 đối với các lớp 7, 8, 9, 11, 12 vì các em đã lớn, ý thức học tập cao. Riêng học sinh TP.HCM cũng đã quen với phương pháp học tập từ xa.

Tuy nhiên, các lớp đầu cấp như lớp 1, lớp 6, lớp 10 mà bắt học trực tuyến ngay từ đầu năm thì rất dễ làm cho học sinh “hụt hơi” bởi các em chưa được làm quen với trường, với lớp, với thầy cô giáo, chưa được hướng dẫn phương pháp học tập hoàn toàn mới của cấp học.

Ngay cả giáo viên cũng mong được đến trường trực tiếp trao đổi với đồng nghiệp, họp tổ chuyên môn và thống nhất kế hoạch bài dạy. Sau đó là trực tiếp giảng dạy, dự giờ của nhau để rút kinh nghiệm chứ nếu dạy – học trực tuyến thì sẽ rất khó” – một giáo viên môn hóa ở quận Phú Nhuận, TP.HCM – bộc bạch.

Ông Từ Quốc Tuấn – hiệu trưởng Trường tiểu học Lương Định Của, quận 3, TP.HCM – nêu ý kiến: “Tôi đề nghị lùi ngày khai giảng năm học mới đến tháng 10 hoặc tháng 11-2021. Việc lùi thời gian năm học cho bậc tiểu học không ảnh hưởng gì đến kế hoạch năm học.

Bởi vì học sinh tiểu học không bị ràng buộc bởi kỳ thi tốt nghiệp THPT cùng với các tỉnh thành khác như học sinh lớp 12. Nếu năm học bắt đầu trễ thì sẽ kết thúc trễ”.

Ông Tuấn thừa nhận việc dạy trực tuyến cho học sinh lớp 1, lớp 2 là không hiệu quả và gặp rất nhiều khó khăn vì gần như giao phó cho phụ huynh. Nhưng trên thực tế không phải phụ huynh nào cũng có kỹ năng sư phạm và sự am hiểu về chương trình.

Lùi thì đến bao giờ?

Nhiều hiệu trưởng ở Hà Nội lại có góc nhìn khác. Theo cô Nguyễn Thị Nhiếp – hiệu trưởng Trường THPT Yên Hòa (Hà Nội), trừ những nơi ảnh hưởng quá nặng, khó khăn cả về nhân lực và điều kiện dạy học trực tuyến, còn những địa phương khác bao gồm cả Hà Nội không nên lùi thời gian năm học mới. Thay vào đó, có thể tính đến phương án khai giảng online, dạy học trực tuyến.

“Học sinh được đến trường vẫn là hiện thực tốt hơn cả nhưng tình hình dịch bệnh hiện nay vẫn căng. Và cả khi dịch lùi thì cũng không chắc chắn trong năm học lại có những thời điểm gián đoạn, học sinh không đến trường.

Nếu lùi thời gian năm học mới thì lùi đến bao giờ, khi không thể lường được tình hình dịch bệnh? Chuẩn bị tốt cả phương án dạy học trực tiếp và trực tuyến là cách tốt nhất để chủ động trong việc thực hiện kế hoạch năm học ở bối cảnh dịch bệnh” – cô Nhiếp bày tỏ.

Cô Nhiếp cùng thừa nhận việc học sinh mới chưa có một buổi nào được đến trường mà phải học trực tuyến sẽ có những khó khăn. Trở ngại lớn nhất là phải giúp học sinh làm quen với thầy cô, với môi trường học mới, yêu cầu học tập trực tuyến.

Nhưng nếu tính thời điểm học sinh tựu trường khoảng sau 20-8 thì nhà trường có thể dành 1-2 tuần cho việc tập huấn cho học sinh, rèn nề nếp, thậm chí tổ chức các hoạt động khác nhau cho học sinh bằng hình thức trực tuyến để các em có hứng khởi, giảm bớt những bỡ ngỡ của buổi đầu tiên.

Thầy Hà Xuân Nhâm, hiệu trưởng Trường THPT Phan Huy Chú (Hà Nội), cũng cho rằng “không nên lùi” vì sẽ bị thụ động, lệ thuộc vào tình hình dịch, kéo theo nhiều hệ lụy.

Thầy Nhâm cũng cho rằng ngay đầu năm học mới triển khai dạy học trực tuyến ngay sẽ có những khó khăn vì học sinh mới chưa làm quen với giáo viên, nội quy, các yêu cầu về học trực tuyến của nhà trường.

Để vào nề nếp cần tổ chức tập huấn cho giáo viên, cho học sinh, cần họp phụ huynh để kêu gọi cha mẹ đồng hành cùng nhà trường trong việc hỗ trợ con hòa nhập với môi trường học mới bằng hình thức trực tuyến.

Tuy nhiên, dù là cách thức nào thì vẫn phải chờ quyết định về thời gian năm học cụ thể. Về điều này, nhiều hiệu trưởng trường công lập ở Hà Nội cho biết rất mong có quyết định, hướng dẫn sớm để đỡ cập rập.

Hiện tại một số trường tư ở Hà Nội như THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm, THCS&THPT Lương Thế Vinh đã bắt đầu cho học sinh “tựu trường” bằng hình thức trực tuyến. Một số trường công lập tự chủ tại Hà Nội cũng đang dự kiến thời gian từ ngày 10 đến 15-8, học sinh trở lại học bằng hình thức trực tuyến.

Năm học mới sẽ ra sao? - Ảnh 3.

Giáo viên Trường tiểu học Kim Đồng (Hà Nội) trong một giờ dạy trực tuyến của năm học vừa qua – Ảnh: Đ.THUẬN

Có thể linh hoạt khung thời gian năm học?

Quyết định 2084/QĐ-BGDĐT quy định ngày tựu trường sớm nhất là 1-9, khai giảng vào ngày 5-9. Riêng các trường tư chịu quy định ở một văn bản khác, được phép cho học sinh tựu trường sớm hơn quy định chung tối đa 4 tuần.

Dự kiến trong nửa đầu tháng 8-2021, Bộ GD-ĐT sẽ ban hành khung thời gian năm học 2021-2022. Theo ý kiến một số nhà quản lý giáo dục, có nhiều lý do để Bộ GD-ĐT cần cân nhắc điều chỉnh quy định này so với nội dung ở văn bản 2084.

– Thứ nhất, nhà trường của các tỉnh thành kết thúc năm học muộn. Hiện có tỉnh còn chưa hoàn tất việc tuyển sinh đầu cấp.

– Thứ hai, tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp chưa từng có, nhiều địa phương như TP.HCM và các tỉnh phía Nam bị ảnh hưởng nặng nề.

– Thứ ba, ngành GD-ĐT đang thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới theo hình thức cuốn chiếu, rất cần có thời gian để chuẩn bị kỹ, trong đó có việc tập huấn giáo viên, thời gian để học sinh đầu cấp, nhất là lớp 1, lớp 2 làm quen với nề nếp, với chương trình mới.

Nói về khung thời gian năm học, lãnh đạo Bộ GD-ĐT từng cho biết bộ chỉ quy định khung, trong đó đã để mở cho các địa phương chủ động, linh hoạt quyết định thời gian năm học cụ thể tùy theo điều kiện thực tế.

Ngoài ra, trong quy định thời lượng chương trình cũng đã tính dôi dư khoảng 2 tuần dự phòng để các địa phương sử dụng trong các tình huống cụ thể cần điều chỉnh.

Tuy nhiên ở tình huống cụ thể của năm nay, nhiều sở GD-ĐT đều cho rằng bộ cần ban hành khung thời gian năm học sớm hơn. Nếu cho phép linh hoạt thì cũng cần có hướng dẫn cụ thể.

Chờ hướng dẫn của bộ

Sở GD-ĐT TP.HCM đang xây dựng kế hoạch năm học 2021-2022. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn đang chờ quyết định và hướng dẫn của Bộ GD-ĐT rồi mới tham mưu UBND TP.HCM chính thức ban hành kế hoạch năm học 2021-2022 cho TP.HCM.

Trước tình hình dịch bệnh như hiện tại, chúng tôi cũng mong muốn bắt đầu năm học muộn hơn so với mọi năm. Trong đó, có thể sử dụng các tuần dự phòng, giảm thời gian nghỉ Tết nguyên đán…

Năm nay cũng là năm học đầu tiên các trường tiểu học, THCS thực hiện giảng dạy chương trình lớp 2, lớp 6 mới nên Sở GD-ĐT TP cũng mong muốn có sự chuẩn bị kỹ lưỡng.

(Một lãnh đạo Sở GD-ĐT TP.HCM)

“Đóng, mở” tùy diễn biến dịch

Tại Thái Lan, năm học mới đã bắt đầu từ giữa tháng 5-2021 và dự kiến kết thúc học kỳ I vào tháng 10-2021. Hiện tại, việc mở cửa trường vẫn phụ thuộc vào diễn biến dịch bệnh ở các địa phương và nhận định cấp độ nguy hiểm của cơ quan chức năng.

Những nơi nằm trong vùng nguy cơ cao buộc phải dừng dạy trực tiếp và chuyển sang học từ xa. Tại những nơi nguy cơ ở mức trung bình, một số trường được cho phép đón tối đa 50% học sinh một lúc, đồng thời các môn học sẽ được kết hợp cả online và offline.

Bà Ketthip Supavanich, người phát ngôn Bộ Giáo dục Thái Lan, cho biết các địa phương đang nỗ lực để tất cả học sinh trở lại trường sớm nhất vào học kỳ II năm nay, khoảng cuối tháng 10-2021. Dù vậy, bộ cũng không loại trừ trường hợp có nơi sẽ học online suốt cả 2 học kỳ của năm học này.

Ở Singapore, hơn 5.200 phụ huynh vừa ký tên vào đơn thỉnh cầu cho học sinh dưới 18 tuổi được phép lựa chọn học tại nhà với sự trợ giúp của thầy cô. Theo họ, số trẻ trong nước được tiêm vắc xin, đặc biệt những em dưới 12, còn rất thấp vì vậy vẫn có nguy cơ lây nhiễm khi học tại trường.

Trái lại, ông Lawrence Wong – bộ trưởng Bộ Giáo dục Singapore – cho biết các trường học ở nước này vẫn an toàn khi hầu như không ghi nhận các chuỗi lây nhiễm mới. Ông Wong cũng cho rằng việc đóng cửa trường quá lâu sẽ để lại không ít hệ lụy sau này cho chính trẻ em và nền giáo dục Singapore, vì việc duy trì trường học càng lâu càng tốt là điều cần thiết.

Tại Campuchia, trường học đã đóng cửa từ ngày 20-3 đến nay, tức đã hơn 200 ngày. Suốt khoảng thời gian này, việc học, thi cử hay nhập học năm học mới đều diễn ra online. Đầu tháng 8, Thủ tướng Hun Sen cho biết hệ thống trường học ở Campuchia có thể mở cửa trở lại vào tháng 9 hoặc 10 nhờ vào khả năng kiểm soát dịch bệnh của nước này.

Tại Malaysia, dù năm học mới bắt đầu từ khoảng nửa cuối tháng 1-2021 nhưng đến cuối tháng 3 và đầu tháng 4-2021, lần lượt học sinh tiểu học và trung học mới trở lại trường học. Nhưng không lâu sau, các lớp học một lần nữa buộc phải chuyển sang hình thức online từ tháng 5-2021 sau khi dịch bùng phát ở nhiều địa phương trên cả nước.

Mới đây Bộ Giáo dục Malaysia thông tin nếu tình hình không có gì thay đổi, các lớp trực tuyến sẽ duy trì đến cuối tháng 8-2021. Bắt đầu từ tháng 9-2021, học sinh cả nước sẽ trở lại trường học trực tiếp.

TRỌNG NHÂN

VĨNH HÀ – HOÀNG HƯƠNG
TTO