23/12/2024

Nghịch lý học phí tăng mà trường xuống cấp

Nghịch lý học phí tăng mà trường xuống cấp

13 trường mầm non bán công, dân lập ở Bình Định chuyển sang loại hình trường hoạt động theo cơ chế tự chủ hoàn toàn về tài chính được  tăng học phí đang gặp khó khăn như: số trẻ giảm dần, cơ sở vật chất xuống cấp…
Một trường mầm non hoạt động theo mô hình tự chủ tài chính ở tỉnh Bình Định /// HOÀNG TRỌNG
Một trường mầm non hoạt động theo mô hình tự chủ tài chính ở tỉnh Bình Định HOÀNG TRỌNG

Tăng học phí là học sinh nghỉ

Năm 2012, tỉnh Bình Định thực hiện đề án chuyển đổi 122/189 trường mầm non bán công, dân lập sang loại hình trường mầm non công lập và công lập hoạt động theo cơ chế tự chủ tài chính theo Nghị quyết 27/2011/NQ-HĐND (Nghị quyết 27) ngày 18.8.2011 của HĐND tỉnh Bình Định.
Đến nay, 84 trường chuyển sang công lập và 25 trường chuyển sang công lập tự chủ một phần về tài chính đã hoàn thành theo đúng lộ trình nghị quyết đề ra. Còn lại 13 trường chuyển sang công lập tự chủ hoàn toàn về tài chính vẫn chưa hoàn thành do nhiều vướng mắc, đặc biệt là tình trạng thu không đủ chỉ tiêu dẫn đến việc dạy học, trang trải các khoản chi thường xuyên rất khó khăn.
Theo Nghị quyết 27, trong năm 2012 phải chuyển hết 13 trường mầm non nói trên sang tự chủ hoàn toàn về tài chính. Tuy nhiên, hết năm 2012 vẫn chưa trường nào chuyển được. Nguyên nhân chính là học phí của các trường này quá cao so với các trường trên cùng địa bàn. Sau đó, HĐND tỉnh Bình Định thống nhất điều chỉnh thời gian thực hiện chuyển đổi 13 trường mầm non nói trên. Theo đó, từ năm 2013 đến hết năm 2018, 13 trường này hoạt động theo cơ chế tự chủ một phần về tài chính (mức thu học phí các trường theo hướng tăng dần và kinh phí ngân sách nhà nước hỗ trợ giảm dần từng năm học), từ năm 2019 trở đi hoạt động theo cơ chế tự chủ hoàn toàn về tài chính.
Theo lãnh đạo các trường mầm non tự chủ hoàn toàn về tài chính, số trẻ giảm mạnh sau mỗi lần nhà trường tăng học phí. Trong 2 năm học 2019 – 2020 và 2020 – 2021, tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng thu nhập của người dân nên việc tăng mức học phí theo lộ trình của các trường tự chủ về tài chính gặp rất nhiều khó khăn. Một số trường chậm triển khai thực hiện thu học phí theo lộ trình nên khi học phí tăng cao đột biến càng khiến phụ huynh không chấp nhận.

Cần thay đổi cơ chế hoạt động

Theo ông Đào Đức Tuấn, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Bình Định, năm 2011, lúc làm đề án chuyển đổi loại hình trường thì 13 trường được chuyển sang tự chủ hoàn toàn về tài chính là: trường có cơ sở vật chất tốt nhất, nằm ở trung tâm thành phố, thị trấn và là trường duy nhất của địa phương tổ chức dạy bán trú. Sau khi được chuyển đổi, một số UBND cấp huyện đầu tư chưa kịp thời dẫn đến xuống cấp, thiếu đồng bộ, chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ… chưa tương xứng với mức thu học phí ngày càng tăng nên phụ huynh đã chọn trường khác.
“13 trường mầm non chỉ được giao tự chủ về tài chính, còn cơ cấu tổ chức, nhân sự, kế hoạch giáo dục… đều hoạt động theo cơ chế trường công lập nên rất khó khăn trong việc thực hiện. Còn các trường mầm non tư thục đã đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất trường lớp, mua sắm trang thiết bị phục vụ dạy học mới được tự quyết định về cơ cấu tổ chức, nhân sự, linh hoạt trong điều hành, đáp ứng được nhu cầu của phụ huynh nhưng mức thu học phí thấp hơn nên đã thu hút được trẻ”, ông Đào Đức Tuấn nói.
Hiện 9/13 trường mầm non công lập hoạt động theo cơ chế tự chủ hoàn toàn về tài chính đang có quy mô dưới 9 nhóm, lớp nên không đủ điều kiện quy mô tối thiểu của 1 trường mầm non và hầu hết các trường đều không đủ điều kiện để xây dựng trường mầm non đạt chuẩn quốc gia.
“Để giải quyết tình trạng này, Sở GD-ĐT tỉnh Bình Định kiến nghị UBND tỉnh chuyển 13 trường mầm non công lập hoạt động theo cơ chế tự chủ hoàn toàn về tài chính sang đơn vị sự nghiệp công tự đảm bảo một phần chi thường xuyên. Đồng thời, UBND tỉnh chỉ đạo UBND cấp huyện xem xét, quyết định mức tự chủ chi thường xuyên cho phù hợp với điều kiện cụ thể từng trường, từng địa phương”, ông Đào Đức Tuấn cho biết.
Quy mô giảm đáng kể
Ông Đào Đức Tuấn, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Bình Định, cho biết: “So với năm học 2012 – 2013, quy mô mạng lưới trường, lớp năm học 2020 – 2021 của 13 trường mầm non tự chủ hoàn toàn về tài chính giảm đáng kể. Cụ thể là giảm 28 nhóm lớp với 1.763 trẻ. Trong đó, các trường mầm non có số trẻ giảm nhiều như: An Nhơn giảm 254 trẻ (còn 60 trẻ), Tây Sơn giảm 153 (còn 31), TT.Phù Mỹ giảm 177 (còn 98), 19/5 (H.Phù Cát) giảm 156 (còn 304), Quy Nhơn giảm 150 (còn 363), H.Tuy Phước giảm 122 (còn 198), 2/9 giảm 115 (còn 275)… Mỗi lần các trường tăng học phí là học sinh lại nghỉ”.
HOÀNG TRỌNG
TNO