Gà chỉ còn 5.000 đồng/kg, ‘bán 1 con không mua được quả bí đỏ’
Gà chỉ còn 5.000 đồng/kg, ‘bán 1 con không mua được quả bí đỏ’
Ngày 2-8, giá gà công nghiệp tại khu vực phía Nam giảm xuống còn 5.000 đồng/kg (gà quá trọng lượng) và 7.000-9.000 đồng/kg (gà đúng trọng lượng). Đây được coi là mức giá thấp nhất trong lịch sử ngành chăn nuôi của Việt Nam.
Theo các công ty chăn nuôi, giá thành nuôi gà công nghiệp hiện nay ở mức 27.000-28.000 đồng/kg, mỗi ký bán ra (loại thường) người nuôi lỗ 20.000 đồng. Một con gà đạt chuẩn xuất chuồng (2,5kg/con) sẽ lỗ 50.000 đồng. Trong khi gà quá ngày tuổi thì lỗ nặng hơn nhiều do thời gian nuôi thêm vẫn phải tốn chi phí thức ăn, chuồng trại, hao hụt mà giá lại giảm.
Ông Lê Văn Quyết, chủ nhiệm HTX chăn nuôi công nghệ cao Long Thành Phát (Đồng Nai), cho biết không chỉ giá thua lỗ cao nhất trong lịch sử, người nuôi gà còn gặp khó khăn vì bán không có người mua do nhu cầu giảm, các cơ sở giết mổ công nghiệp đóng cửa vì COVID-19.
Theo ông Nguyễn Đình Xuân – giám đốc Sở NN&PTNT Tây Ninh, tỉnh này còn 1 triệu con gà chưa tiêu thụ được do vận chuyển và tiêu thụ khó khăn. Giá gà công nghiệp hiện giảm còn 7.000 đồng/kg. Với một con gà 2,5kg bán ra người chăn nuôi thu được chưa tới 20.000 đồng. “Giá bán một con gà không bằng một quả bí đỏ”, ông Xuân cho biết.
Do không kịp tiêu thụ gà đến ngày xuất chuồng và khó khăn trong vận chuyển thức ăn chăn nuôi, con giống nên tiến độ tái đàn bị chậm, nguy cơ thiếu nghiêm trọng trong các tháng tới. Trong thời gian qua, các công ty chăn nuôi lớn đã phải đốt bỏ hàng triệu gà con do không có chuồng trại để thả mới.
Trong khi đó, do nhu cầu từ TP.HCM giảm mạnh cùng với khó khăn do lưu thông, heo hơi trong chuồng trại ở nhiều địa phương đang dồn ứ, trong khi thành phố có nguy cơ thiếu thịt.
Theo phân tích của các công ty chăn nuôi, thị trường tiêu thụ chính về thịt heo ở phía Nam là tại TP.HCM với khoảng 10.000 con/ngày trong điều kiện bình thường. Trong đó, lượng heo được giao dịch qua các chợ đầu mối rồi về chợ lẻ chiếm khoảng 60-70%, hệ thống siêu thị, cửa hàng thực phẩm chiếm phần còn lại.
Nhưng thời gian qua chợ đầu mối tại TP.HCM và một số cơ sở giết mổ gia súc lớn tại TP.HCM bị đóng cửa liên quan đến dịch bệnh, các tiểu thương tại chợ đầu mối cũng nghỉ làm do các biện pháp giãn cách, cách ly dẫn tới tiêu thụ thịt tại thành phố giảm mạnh.
Ông Nguyễn Xuân Huy, phó tổng giám đốc Công ty CP, cho biết tình hình tiêu thụ heo, gà đang cực kỳ khó khăn khi các nguồn tiêu thụ chính là thương lái và chợ đầu mối tại TP.HCM tạm ngưng hoạt động.
Theo ghi nhận, một số công ty thực phẩm lớn đã tăng công suất chế biến nhưng vẫn không thể thay thế được lượng hàng phân phối theo kênh các chợ truyền thống. Cụ thể, CP tăng lượng tiêu thụ mỗi ngày lên 500 con, nhà máy Masan tại Long An tăng từ 250 con/ngày lên 650 con/ngày so với trước dịch.
Giá heo hơi tại trại hiện ở mức 56.000-57.000 đồng/kg. “Vấn đề không chỉ là giá giảm sâu mà là giảm nhưng vẫn khó tiêu thụ được do nhu cầu giảm sút mạnh trong thời gian qua”, ông Huy cho biết.