23/12/2024

Diễn biến Covid-19 đáng quan ngại ở Trung Quốc

Diễn biến Covid-19 đáng quan ngại ở Trung Quốc

Tình hình Covid-19 ở Trung Quốc gần đây có thể gây quan ngại khi đợt bùng phát mới nhất đã lây lan sang hơn 20 thành phố.
Cảnh lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 ở TP.Trịnh Châu /// AFP
Cảnh lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 ở TP.Trịnh Châu AFP
Ủy ban Y tế quốc gia (NHC) của Trung Quốc hôm qua (1.8) thông báo có 53 ca nhiễm cộng đồng mới được ghi nhận ở 8 tỉnh và khu tự trị trong ngày 31.7, tăng so với số ca nhiễm cộng đồng mới được ghi nhận ngày trước đó là 30 ca.
Trong đó, tỉnh Giang Tô ghi nhận số ca nhiễm cao nhất là 30 ca, nâng tổng số ca nhiễm cộng đồng ở tỉnh này trong đợt bùng phát mới từ ngày 20.7 lên 184, theo Reuters. Ngày 30.7, giới chức Trung Quốc cho hay các ca nhiễm đầu tiên trong ổ dịch ở TP.Nam Kinh, thủ phủ tỉnh Giang Tô, có liên quan một nhóm nhân viên tại sân bay quốc tế Lộc Khẩu – Nam Kinh. Các nhân viên này đã khử khuẩn một máy bay đến từ Nga có một hành khách bị nhiễm và họ được xác nhận mắc biến thể Delta.
Đợt bùng phát mới có nguồn gốc từ sân bay quốc tế Lộc Khẩu – Nam Kinh đã lây sang hơn 20 thành phố, gây ảnh hưởng cho hơn 200 người. Hải Khẩu, thủ phủ tỉnh Hải Nam, trở thành thành phố mới nhất ghi nhận một ca nhiễm cộng đồng hôm 31.7, theo tờ South China Morning Post (SCMP). Trong khi đó, TP.Trịnh Châu, thủ phủ tỉnh Hà Nam, hôm 31.7 phát hiện 12 ca nhiễm cộng đồng được xác nhận sau khi ghi nhận ca nhiễm không có triệu chứng đầu tiên hôm 30.7, theo SCMP. Giới chức Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Trịnh Châu tối 31.7 cho hay dịch bệnh lây lan nhanh và những người bị ảnh hưởng là nhân viên vệ sinh, nhân viên y tế tại Bệnh viện Nhân dân số 6, vốn lâu nay được dùng để điều trị các ca nhập cảnh. Giới chức đã cho tạm dừng hoạt động tại bệnh viện này và một quan chức thuộc Ủy ban Y tế Trịnh Châu cùng một quan chức bệnh viện đã bị cách chức.
Ổ dịch ở Nam Kinh và Trịnh Châu nằm trong số ổ dịch có số ca nhiễm cộng đồng cao đáng chú ý trong thời gian gần đây ở Trung Quốc. Hai đợt bùng phát trước đó xảy ra tại tỉnh Quảng Đông, với số ca nhiễm mới/ngày cao nhất là 20 ca được ghi nhận ngày 30.5, và ở TP.Thụy Lệ thuộc tỉnh Vân Nam giáp với Myanmar, với số ca nhiễm mới/ngày cao nhất là 15 ca được ghi nhận ngày 4.4, theo NHC. Mỗi khi phát hiện có ca nhiễm cộng đồng mới tăng, giới chức ở các thành phố Trung Quốc đều tiến hành xét nghiệm trên diện rộng và đẩy mạnh tiêm xắc xin nên có thể dập tắt nhanh các ổ dịch.
Tính đến ngày 31.7, tổng số ca nhiễm Covid-19 được xác nhận ở Trung Quốc tăng lên hơn 93.005, với số ca tử vong không đổi là 4.636, trong đó ca tử vong gần nhất được công bố vào ngày 14.1, sau 8 tháng tình hình dịch tạm yên.
Thái Lan mở rộng biện pháp chống dịch
Tình hình Covid-19 ở Thái Lan đang diễn biến phức tạp. Theo Bangkok Post, nước này ghi nhận thêm 18.027 ca mắc Covid-19 và 133 người tử vong vào ngày 1.8. Tính từ đầu dịch, Thái Lan có 615.314 trường hợp mắc Covid-19 và 4.990 người chết. Trong đó, 586.451 ca bệnh và 4.896 người chết được ghi nhận từ ngày 1.4 đến nay. Theo Reuters, Thái Lan cũng quyết định gia hạn biện pháp chống dịch ở thủ đô Bangkok và các tỉnh có nguy cơ cao đến cuối tháng 8. Các biện pháp được mở rộng cho 29 tỉnh, thay vì 13 tỉnh như trước đó.
Campuchia ngày 1.8 có thêm 671 ca nhiễm mới, nâng tổng số người mắc Covid-19 tại đây lên 77.914, theo tờ Khmer Times. Quốc gia này cũng bắt đầu tiêm nhắc lại cho 500.000 – 1.000.000 nhân viên tuyến đầu bằng vắc xin AstraZeneca với người đã tiêm xong 2 mũi Sinopharm hoặc Sinovac. Ngược lại, người đã tiêm 2 liều AstraZeneca sẽ được tiêm thêm một liều Sinovac.
Đông A
VĂN KHOA
TNO