Bộ Y tế: SARS-CoV-2 thường xuyên biến đổi tạo nên các biến chủng lây lan nhanh hơn
Bộ Y tế: SARS-CoV-2 thường xuyên biến đổi tạo nên các biến chủng lây lan nhanh hơn
Bộ Y tế cho biết, SARS-CoV-2 thường xuyên biến đổi. Tại Việt Nam đã ghi nhận 7 biến chủng của SARS-CoV-2, trong đó, chủng Delta có khả năng lây lan mạnh.
Vi rút thường xuyên biến đổi
Bộ Y tế vừa ban hành “Hướng dẫn tạm thời giám sát và phòng, chống Covid-19” (Ban hành kèm theo Quyết định số 3638/QĐ-BYT ngày 30.7).
Hướng dẫn tạm thời này có các nội dung về quy trình, xử lý ổ dịch, lấy mẫu bệnh phẩm, chuyển điều trị, cách ly y tế, theo dõi sức khỏe với các trường là F0, F1, F2,… được xây dựng cập nhật qua hoạt động thực tiễn với các nội dung giám sát và các hoạt động phòng, chống phù hợp với tình hình dịch bệnh hiện tại.
Đây cũng là cơ sở để các tỉnh, thành phố, đơn vị y tế và các đơn vị liên quan căn cứ áp dụng, tổ chức triển khai theo thực tế tại địa phương, đơn vị.
Theo Bộ Y tế, Covid-19 là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm A, do SARS-CoV-2 gây ra. Vi rút này thường xuyên biến đổi tạo nên các biến chủng với khả năng lây lan nhanh hơn.
Đến tháng 7.2021, tại Việt Nam đã ghi nhận 7 biến chủng của SARS-CoV-2 gồm các chủng phổ biến tại châu Âu, châu Phi, Anh và Ấn Độ.
Riêng trong đợt dịch từ ngày 27.4 đến nay, nước ta đã ghi nhận 2 biến chủng là Delta (B.1.617.2, lần đầu tiên phát hiện tại Ấn Độ) và Alpha (B.1.1.7, lần đầu tiên phát hiện tại Anh).
Trong đó, biến chủng Delta được đánh giá là có khả năng lây lan mạnh, được WHO xếp vào nhóm “biến chủng gây quan ngại” có khả năng lây truyền cao hơn 50% so với biến chủng Alpha.
Bệnh Covid-19 lây truyền từ người sang người qua đường hô hấp. Thời gian ủ bệnh trong khoảng 14 ngày. Phần lớn (hơn 60%) người nhiễm SARS-CoV-2 không có biểu hiện lâm sàng.
Đối với người mắc bệnh có triệu chứng thì biểu hiện lâm sàng rất đa dạng, có thể từ nhẹ đến nặng như: sốt, ho, đau họng, người mệt mỏi, đau người, giảm hoặc mất vị giác hoặc khứu giác, khó thở, có thể có viêm phổi nặng, suy hô hấp cấp và tử vong, đặc biệt ở những người có bệnh lý nền, người có bệnh lý mạn tính, người cao tuổi.
Đến nay, bệnh đã có vắc xin phòng bệnh nhưng chưa có thuốc điều trị đặc hiệu.
Thực hiện “5K” và tiêm vắc xin để phòng bệnh
Hướng dẫn được xây dựng cập nhật qua hoạt động thực tiễn với các nội dung giám sát và các hoạt động phòng, chống phù hợp với tình hình dịch bệnh hiện tại để các tỉnh, thành phố, đơn vị y tế và các đơn vị liên quan căn cứ áp dụng, tổ chức triển khai theo thực tế tại địa phương, đơn vị.
Theo hướng dẫn, biện pháp phòng bệnh không đặc hiệu cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh sau: không đến các vùng có dịch bệnh; thực hiện “5K”; hạn chế tiếp xúc trực tiếp với người bị bệnh đường hô hấp cấp tính (sốt, ho, khó thở); khi cần thiết tiếp xúc phải đeo khẩu trang y tế đúng cách và giữ khoảng cách ít nhất 2 m khi tiếp xúc.
|
Người có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh phải thông báo ngay cho cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, khám, điều trị kịp thời.
Học sinh, sinh viên, người lao động khi có biểu hiện nghi ngờ mắc bệnh phải nghỉ học, nghỉ làm và thông báo ngay cho cơ quan y tế.
Vệ sinh cá nhân, tăng cường thông khí khu vực nhà ở, nơi làm việc bằng cách mở các cửa ra vào và cửa sổ, hạn chế sử dụng điều hòa. Thường xuyên vệ sinh nơi ở, cơ quan, trường học, xí nghiệp nhà máy…; vệ sinh, khử trùng phương tiện giao thông: tàu bay, tàu hỏa, tàu thủy, xe ô tô,
Biện pháp phòng bệnh đặc hiệu: tiêm vắc xin phòng Covid-19 theo đúng chỉ định và đúng hướng dẫn để phòng bệnh theo quy định.
LIÊN CHÂU
TNO