‘Trú ẩn’ vào vàng có an toàn?
‘Trú ẩn’ vào vàng có an toàn?
Hội đồng vàng thế giới (WGC) mới công bố báo cáo nhu cầu tiêu dùng vàng ở Việt Nam quý 2/2021 tăng mạnh so với năm ngoái gây không ít bất ngờ cho thị trường vàng trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát.
Thế nhưng, thực tế thì nhu cầu vàng ở Việt Nam đã giảm liên tục trong 10 năm trở lại đây.
Nhu cầu vàng giảm liên tục
Theo WGC, nhu cầu tiêu dùng vàng Việt Nam (VN) quý 2/2021 tăng 85% so với cùng kỳ năm 2020, đạt 12,6 tấn, trong đó vàng nữ trang là 3,5 tấn, tăng 120% so với cùng kỳ năm ngoái, 9,1 tấn thanh và tiền xu – một loại sản phẩm vàng vật chất được các nhà đầu tư bán lẻ mua áp đảo, tăng 75% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tuy nhiên, nếu so với mức tăng của quý 1, nhu cầu tiêu thụ vàng nữ trang quý 2 năm nay giảm 1,6 tấn và vàng thanh, tiền xu giảm 4,4 tấn. Thống kê từ 10 năm trở lại đây tại thị trường VN, nhu cầu tiêu thụ vàng nữ trang cũng như vàng miếng liên tục giảm. Năm 2020, nhu cầu tiêu thụ vàng có mức sụt giảm mạnh nhất trong vòng 10 năm, cụ thể nữ trang còn 10,7 tấn, vàng miếng còn 29,1 tấn; trong khi năm 2019 ở mức 17,3 tấn và 39,1 tấn, năm 2018 là 18,2 tấn và 41,3 tấn…
Là người công tác lâu năm trong Hội đồng vàng thế giới (WGC), ông Huỳnh Trung Khánh, Phó chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng VN, cho biết các con số báo cáo hằng quý, hằng năm của WGC được các công ty nghiên cứu thị trường toàn cầu thực hiện và họ có phương pháp luận tổng thể thị trường vàng các nước trong khu vực cũng như dựa trên số liệu thu thập được từ các đơn vị kinh doanh vàng trong và ngoài nước. Thị trường vàng VN với hơn 10.000 doanh nghiệp hoạt động thì việc xác định con số tiêu thụ hằng quý, hằng năm không phải là chuyện đơn giản. Hiệp hội kinh doanh vàng trong nước đến thời điểm hiện nay cũng chưa có số liệu chính xác về doanh số hoạt động kinh doanh ngành vàng.
Lý giải về số vàng tiêu thụ quý 2/2021 tăng hơn nhiều lần so với cùng kỳ năm trước, ông Huỳnh Trung Khánh cho hay thời điềm tháng 4.2020, dịch Covid-19 bùng phát, các hoạt động kinh doanh vàng của các đơn vị đóng cửa đã ảnh hưởng đến sức tiêu thụ lớn. Dịch Covid-19 quay trở lại vào cuối quý 2/2021, nên chưa ảnh hưởng đến số liệu nhiều, tình hình qua quý 3, sức tiêu thụ vàng trên thị trường sẽ phản ánh rõ hơn.
Mức tăng tiêu thụ vàng trong nước phần nào sát với tình hình hoạt động kinh doanh của một số đơn vị kinh doanh trong nước. Là đơn vị kinh doanh vàng duy nhất niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán, Công ty CP vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) mới đây công bố kết quả kinh doanh quý 2 đạt doanh thu thuần hợp nhất tăng 62,32% so với cùng kỳ năm ngoái, với hơn 4.455 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 223,67 tỉ đồng, tăng 606,48%. Riêng báo cáo tài chính riêng lẻ, doanh thu thuần tăng lên 108,36%, đạt 5.135 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế tăng 321%, lên hơn 180,79 tỉ đồng.
Giải trình của PNJ thì doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế quý 2/2021 tăng là do trong quý 2/2020, PNJ bị ảnh hưởng do phần lớn các cửa hàng kinh doanh bị đóng cửa trong tháng 4.2020 để thực hiện cách ly xã hội phòng ngừa dịch Covid-19. Gần đây, PNJ triển khai thành công các mô hình kinh doanh mới mang lại hiệu quả, đầu tư nguồn nhân lực và số hóa công nghệ tăng sức cạnh tranh, chỉ trong tháng 6 doanh thu qua kênh online tăng 317% so với cùng kỳ. Trong các tháng quý 2, doanh thu từ mảng vàng miếng có tốc độ tăng trưởng khá tốt.
Rủi ro thường trực
Trong báo cáo nghiên cứu về đầu tư vàng cá nhân tại VN do WGC công bố mới đây, ông Andrew Naylor, Trưởng bộ phận ASEAN – WGC, nhận xét VN là quốc gia đóng vai trò lớn trên thị trường vàng toàn cầu. Năm 2019, nhu cầu tiêu dùng trong nước đạt 56,4 tấn, biến VN trở thành thị trường tiêu thụ vàng lớn đứng thứ 7 thế giới và đứng đầu tại Đông Nam Á. Kết quả khảo sát hơn 2.000 người VN cho thấy 72% đã đầu tư vào vàng trong 12 tháng qua và còn rất nhiều tiềm năng để thị trường phát triển bởi nhu cầu hiện tại chỉ mới dừng lại ở việc mua bán trang sức, vàng cây, vàng nhẫn.
Ông Trần Thanh Hải, Chủ tịch HĐQT Công ty vàng bạc đá quý SJC Phú Thọ, cũng cho rằng nhu cầu tiêu thụ vàng quý 1 hằng năm tăng do vào mùa vụ, còn qua quý 2 thì thường không phải thời điểm tốt mua vàng. Nhưng năm nay lại có một số yếu tố mới khiến nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước tăng mua vàng để bảo toàn vốn.
Cụ thể, nếu tháng 8.2020, vàng tăng lên mức kỷ lục hơn 2.060 USD/ounce khi Mỹ tung gói hỗ trợ kích thích kinh tế trị giá 2.000 tỉ USD. Tuy nhiên, lần này Mỹ chuẩn bị ra gói 3.000 tỉ USD, nhưng giá vàng vẫn không lay chuyển.
Giá vàng SJC cao hơn thế giới 6,6 triệu đồng/lượng
Ngày 30.7, giá vàng miếng SJC tăng 50.000 đồng mỗi lượng, Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn – SJC mua vào với giá 56,7 triệu đồng/lượng và bán ra 57,4 triệu đồng/lượng. Chênh lệch giữa giá mua và bán vàng miếng SJC tăng lên 700.000 đồng/lượng. Tuy nhiên, mức tăng giá của SJC chậm hơn đã kéo khoảng cách cao hơn thế giới còn 6,6 triệu đồng mỗi lượng. Kim loại quý trên thị trường quốc tế tăng 5 USD/ounce, lên 1.827 USD/ounce.
Trong khi đó, thế giới đang đối mặt với vấn đề lạm phát tăng cao, VN không ngoại lệ; thêm vào đó thị trường chứng khoán quốc tế và VN sau khi đạt mức tăng kỷ lục có dấu hiệu đảo chiều… Tất cả yếu tố này khiến nhiều người muốn nắm giữ vàng để bảo toàn vốn. Theo ông Hải, từ nay đến cuối năm, dịch Covid-19 vẫn biến động khó lường cả trong và ngoài nước, khả năng vàng trong nước chỉ dao động quanh mức 57 triệu đồng mỗi lượng. Chuyên gia này cũng cảnh báo rủi ro khi đầu tư vào vàng bởi giá vàng trong nước đang cao hơn khoảng 7 triệu đồng/lượng so với thế giới. Chưa kể khoảng cách giữa giá mua, giá bán cũng được các công ty vàng điều chỉnh tùy vào nhu cầu, nhưng bất lợi cho người mua. Vì thế, cần cân nhắc kỹ khi đầu tư vào vàng.
THANH XUÂN
TNO