22/01/2025

Doanh nghiệp kêu cứu vì bị dừng sản xuất dù đã chi hàng chục tỉ đồng cho ‘3 tại chỗ’

Doanh nghiệp kêu cứu vì bị dừng sản xuất dù đã chi hàng chục tỉ đồng cho ‘3 tại chỗ’

Dù đã chi hàng chục tỉ đồng để duy trì sản xuất ‘3 tại chỗ’, chưa có trường hợp F0 nhưng doanh nghiệp vẫn bị tỉnh Tiền Giang yêu cầu tạm dừng hoạt động sản xuất.

 

Doanh nghiệp kêu cứu vì bị dừng sản xuất dù đã chi hàng chục tỉ đồng cho 3 tại chỗ - Ảnh 1.

Các công nhân một doanh nghiệp thực hiện công đoạn philê cá tra để xuất khẩu – Ảnh: BỬU ĐẤU

Công ty TNHH Chế biến thực phẩm xuất khẩu Vạn Đức (Tiền Giang) vừa có đơn kêu cứu gửi Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT) Lê Minh Hoan xin được tiếp tục sản xuất đối với doanh nghiệp thực hành sản xuất tốt “3 tại chỗ”.

Bà Trương Thị Lê Khanh – chủ tịch HĐQT Công ty Vạn Đức Tiền Giang – cho biết thực hiện chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ kêu gọi doanh nghiệp thực hành “3 tại chỗ”, công ty đã có nhiều chính sách đãi ngộ để kêu gọi 1.200 công nhân duy trì sản xuất “3 tại chỗ”.

Tất cả công nhân đều có kết quả xét nghiệm âm tính với COVID-19.

Tuy nhiên, ngày 29-7, tỉnh Tiền Giang thông báo về việc tạm dừng hoạt động sản xuất kinh doanh với các doanh nghiệp đang áp dụng “3 tại chỗ” trong khu, cụm công nghiệp kể từ ngày 5-8 cho đến khi có thông báo mới.

“Đây là ‘cú sốc lớn’ khi doanh nghiệp đang chấp hành tốt chủ trương và đã chi hàng chục tỉ đồng để bố trí ‘3 tại chỗ'” – bà Khanh nhấn mạnh.

Theo bà Khanh, việc này còn làm đứt gãy chuỗi cung ứng, cá tra nuôi bị quá lứa, trong khi việc sản xuất “3 tại chỗ” mới chỉ đạt 50% công suất, nếu dừng hẳn sẽ gây thiệt hại kép đến toàn chuỗi cung ứng. Cá tra nuôi quá lứa không bán được, doanh nghiệp phải đền hợp đồng, nguy cơ mất thị trường và phá sản.

Hơn nữa, lúc này phải dừng sản xuất đột ngột, toàn bộ lao động cũng không thể về quê được vì hầu hết chưa được viêm vắc xin và tất cả địa phương đều giãn cách xã hội.

Doanh nghiệp ngành cá đã quá khổ, giá thức ăn tăng, nhiều nhà máy chế biến đóng cửa. Công ty đã cố hết sức tổ chức sản xuất “3 tại chỗ” nghiêm túc. Mỗi tháng chi phí sản xuất tăng hàng chục tỉ đồng chỉ để giữ được chuỗi cung ứng, giữ chân người lao động, khách hàng.

“Kết quả làm tốt không được ghi nhận, mà bị đánh đồng với các doanh nghiệp chưa tốt và bị ngừng sản xuất đột ngột, thiệt hại này doanh nghiệp thực sự không gánh nổi” – chủ tịch Công ty Vạn Đức Tiền Giang chia sẻ và đề nghị khẩn thiết được tiếp tục duy trì sản xuất từ ngày 5-8 tới.

Doanh nghiệp kêu cứu vì bị dừng sản xuất dù đã chi hàng chục tỉ đồng cho 3 tại chỗ - Ảnh 2.

Công nhân tại một khu công nghiệp ở Tiền Giang xét nghiệm COVID-19 – Ảnh: MẬU TRƯỜNG

Không chỉ riêng doanh nghiệp này, Công ty MNS Feed Tiền Giang cũng đề nghị chính quyền tỉnh cùng Văn phòng Chính phủ, Bộ NN&PTNT, Bộ Công thương tiếp tục cho họ hoạt động theo phương án “3 tại chỗ”.

“Công ty đã áp dụng nhiều giải pháp nghiêm ngặt để phòng chống dịch như thực hiện nghiêm việc đeo khẩu trang, bố trí đầy đủ phương tiện chống dịch, tổ chức quản lý chặt chẽ người lao động. Đến nay chưa phát hiện ca lây nhiễm nào trong khu vực nhà máy” – ông Phạm Trung Lâm, chủ tịch Công ty MNS Feed Tiền Giang, khẳng định.

Theo ông Lâm, việc tạm dừng sản xuất nhà máy thức ăn chăn nuôi không chỉ ảnh hưởng đến người lao động mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn cung thức ăn chăn nuôi của nông hộ, trang trại, những người đang duy trì sản xuất trong điều kiện khó khăn để cung ứng thực phẩm cho xã hội.

“Chưa kể đến những rủi ro và thiệt hại mà chúng tôi phải gánh chịu trong việc tiếp nhận, lưu kho và bảo quản nguồn nguyên liệu đã đặt hàng dự phòng cho các kế hoạch sản xuất” – ông Lâm lo lắng.

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Nguyễn Văn Vĩnh – chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang – cho biết sẽ cho các công ty thời gian sắp xếp lại chủ trương “3 tại chỗ” rồi mới có quyết định chính thức có dừng sản xuất hay không.

Theo ông Vĩnh, “vừa rồi ‘3 tại chỗ’ của một số doanh nghiệp do không có kinh nghiệm, không đạt yêu cầu nên xảy ra dịch bệnh số lượng rất lớn. Tôi tạm dừng và yêu cầu từ ngày 29-7 đến hết ngày 4-8 để các doanh nghiệp sắp xếp và thẩm định lại rồi có chủ trương tiếp”.

Ông Vĩnh cho biết thêm trong thời gian qua, một số công ty đăng ký sản xuất theo chủ trương “3 trong 1” nhưng thực hiện không đúng.

“Vừa rồi khi thẩm định các công ty làm không đúng. Ví dụ khi thẩm định chỉ cho hoạt động 300 người, sau một tuần thì cho thêm công nhân vào nữa nên mới xảy ra dịch bệnh, làm phức tạp thêm” – ông Vĩnh nói.

CHÍ TUỆ – MẬU TRƯỜNG
TTO