23/12/2024

25 – 26 điểm, thí sinh vẫn có thể không trúng tuyển đại học

25 – 26 điểm, thí sinh vẫn có thể không trúng tuyển đại học

Bà Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học Bộ GD-ĐT, khuyên thí sinh cân nhắc kỹ khi điều chỉnh nguyện vọng, không chủ quan khi thấy điểm thi của mình cao.
Thí sinh tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 đợt 1 tại Hà Nội /// ẢNH: NGỌC THẮNG
Thí sinh tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 đợt 1 tại Hà Nội ẢNH: NGỌC THẮNG
Để “an toàn”, tăng khả năng trúng tuyển đại học, theo bà Thủy, thí sinh (TS) nên ưu tiên chọn ngành có mức điểm chuẩn năm ngoái bằng hoặc thấp hơn điểm của mình năm nay.
Trao đổi với PVThanh Niên xung quanh các vấn đề TS cần lưu ý trước khi điều chỉnh nguyện vọng (NV) xét tuyển, bà Nguyễn Thu Thủy chia sẻ:
25 - 26 điểm thí sinh vẫn có thể không trúng tuyển ĐH

ẢNH: NGUYỆT HÀ

Chỉ xác nhận và nhập học một ngành và một trường

Quy chế tuyển sinh hiện hành quy định TS được quyền đăng ký xét tuyển nhiều NV, TS cần căn cứ vào ngưỡng đảm bảo chất lượng (ngưỡng nhận hồ sơ và các điều kiện quy định cụ thể của từng trường) để đăng ký NV xét tuyển.

Thí sinh có thể đăng ký xét tuyển bằng nhiều tổ hợp vào một ngành

Theo bà Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học Bộ GD-ĐT, quy định xét tuyển của các trường là rất đa dạng và nhiều lựa chọn. Các trường đều quy định chỉ tiêu cho từng tổ hợp xét tuyển trong một ngành; một số trường quy định chi tiết độ lệch điểm giữa các tổ hợp xét tuyển; vì vậy rất khó có một định hướng chung cho việc lựa chọn tổ hợp nào để ưu tiên đăng ký xét tuyển.
Tuy nhiên, quy chế tuyển sinh hiện hành cho phép TS được quyền đăng ký xét tuyển không giới hạn số lượng NV (mỗi tổ hợp vào một ngành là một NV). Các trường căn cứ vào điểm từ cao xuống thấp để xét tuyển chứ không căn cứ vào thứ tự NV để xét tuyển (trừ trường hợp có nhiều TS cùng mức điểm ở cuối danh sách). Vì vậy TS có thể đăng ký xét tuyển bằng nhiều tổ hợp vào một ngành. Để có lợi thế, TS nên lựa chọn những tổ hợp có môn thi đạt điểm cao khi tham gia xét tuyển.

Quy chế cũng cho phép TS được điều chỉnh NV đăng ký xét tuyển trực tuyến 3 lần trong thời gian quy định. Nếu TS muốn tăng thêm NV thì phải điền vào mẫu và nộp lệ phí xét tuyển tương ứng với số NV tăng thêm tại điểm tiếp nhận hồ sơ ban đầu. TS lưu ý phải thực hiện điều chỉnh NV đăng ký xét tuyển đầy đủ, đúng quy trình trong thời gian quy định (sẽ được Bộ GD-ĐT hướng dẫn sớm tới các cơ sở đào tạo và TS để thực hiện sau khi có điểm thi ở đợt 2).

Các TS đặc biệt phải lưu ý ở điểm TS được đăng ký xét tuyển và trúng tuyển vào nhiều trường với các phương thức khác nhau, nhưng chỉ xác nhận và nhập học vào một ngành và một trường duy nhất.
Để tránh trường hợp điểm thi cao vẫn không đỗ NV nào, hoặc trúng vào các NV không yêu thích, TS cần ưu tiên đưa các NV mong muốn nhất và khó trúng tuyển (điểm trúng tuyển cao) lên trên (NV1 là NV có mức ưu tiên cao nhất). Nên tham khảo điểm trúng tuyển vào các trường, ngành các năm trước đây để chọn các ngành trường phù hợp với điểm thi tốt nghiệp THPT của mình. TS hạn chế chọn NV vào các ngành có điểm trúng tuyển trước đây cao hơn mà nên ưu tiên chọn mức bằng và thấp hơn. Ngoài ra, TS phải xem xét kỹ các điều kiện xét tuyển của các trường, như điều kiện sơ tuyển, ngoại ngữ, vùng tuyển, điểm thi năng khiếu… để đảm đủ điều kiện xét tuyển.

Không nên chủ quan với điểm mình đạt được

Năm nay phổ điểm các môn nhìn chung đều cao hơn một chút so với năm ngoái. Liệu mặt bằng điểm chuẩn các trường vì thế mà nhích cao lên?
Điểm chuẩn từng ngành, từng trường phụ thuộc vào nhiều yếu tố, điểm thi tốt nghiệp THPT chỉ là một trong các yếu tố. Tuy nhiên, nếu xét trên mặt bằng chung, phổ điểm thi là yếu tố quan trọng ảnh hưởng tới mặt bằng điểm chuẩn. Do điểm thi tốt nghiệp THPT năm nay cao hơn năm trước, nên một số em đạt 25, 26 điểm vẫn có thể không trúng tuyển ĐH nếu không cân nhắc, nghiên cứu kỹ khi lựa chọn NV.
Cảnh báo này chúng tôi đã chia sẻ nhiều lần, giờ xin được nhắc lại: TS không nên chủ quan với điểm mình đạt được mà đổ xô tập trung vào những ngành cạnh tranh cao của các trường. Khi điều chỉnh NV, TS cần xem xét, không vì thấy điểm mình bằng điểm chuẩn ngành này năm trước mà đăng ký (mà không có các lựa chọn an toàn khác), vì điểm cao là cao trên mặt bằng chung, chứ không phải cá biệt một số TS.
25 - 26 điểm, thí sinh vẫn có thể không trúng tuyển đại học - ảnh 2

Trên thực tế, một TS có thể trúng tuyển vào nhiều trường, nhiều ngành khác nhau nhưng qua hệ thống lọc ảo chung, TS chỉ trúng tuyển duy nhất vào một trường ĐH với nguyện vọng ưu tiên cao nhất có thể  ĐỘC LẬP

Nhiều TS hiện nay đã xét tuyển ở các phương thức khác nhưng có em vẫn đang lưỡng lự nên xác nhận nhập học hay chờ xét điểm thi tốt nghiệp THPT. Điều này khiến các em dễ mất cơ hội trúng tuyển vì điểm trúng tuyển năm nay có thể sẽ tăng lên như đã phân tích ở trên. Với các em tự tin với mức điểm cao thì nên bổ sung thêm NV, có thể chọn một ngành yêu thích nhưng ở nhiều trường khác nhau để tăng cơ hội trúng tuyển.
Tình trạng TS đỗ ảo luôn là mối lo cho các trường do các em được đăng ký nhiều NV. Bà dự báo như thế nào về tỷ lệ đỗ ảo năm nay?
Từ năm 2017, khi quyết định cho TS đăng ký xét tuyển không giới hạn NV và phương thức xét tuyển, Bộ GD-ĐT đã có những giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin để hỗ trợ các trường trong việc hạn chế ảo là xây dựng hệ thống xét tuyển và lọc ảo chung toàn quốc. Đồng thời phía bắc có nhóm lọc ảo chung do Trường ĐH Bách khoa Hà Nội chủ trì, phía nam do ĐH Quốc gia TP.HCM chủ trì.
Quy chế tuyển sinh cũng quy định các trường nhập thông tin/danh sách các TS trúng tuyển và nhập học bằng các phương thức khác lên hệ thống (năm 2019 là 30.000, năm 2020 là 70.000) để loại các TS này không tham gia xét tuyển bằng phương thức sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT. Trên thực tế, một TS có thể trúng tuyển vào nhiều trường, nhiều ngành khác nhau nhưng qua hệ thống lọc ảo chung, TS chỉ trúng tuyển duy nhất vào một trường ĐH với NV ưu tiên cao nhất có thể. Nếu TS đỗ 1 NV cao nhất rồi mà vẫn không nhập học là do các yếu tố khác chi phối chứ không phải vì các em được đăng ký cùng lúc nhiều NV.

Các yếu tố khi chọn ngành

Thí sinh đặc cách tốt nghiệp vẫn có cơ hội xét tuyển vào trường y dược, công an và quân đội

Nhiều TS chưa dự thi tốt nghiệp THPT đợt 1 lo lắng sẽ không được xét tuyển vào các trường tốp đầu với NV mong muốn vì đợt 1 các trường sẽ tuyển xong.
Chiều 29.7, Bộ GD-ĐT đã có cuộc họp với đại diện các bộ ngành và trường ĐH xung quanh công tác xét tuyển. Trong đó, một nội dung được bàn liên quan đến việc tạo điều kiện xét tuyển cho các TS đặc cách tốt nghiệp THPT.
Theo thông tin từ Bộ GD-ĐT, các bộ ngành và trường ĐH đều ủng hộ đề xuất của Bộ GD-ĐT về việc xét đặc cách tốt nghiệp cho các TS bị ảnh hưởng dịch Covid-19. Các trường ĐH khối y dược cũng đồng ý dành một tỷ lệ chỉ tiêu phù hợp để xét tuyển các TS này. Đại diện Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và Cục Nhà trường tham dự cuộc họp cũng nhất trí chủ trương trên, sẽ báo cáo lãnh đạo bộ dành chỉ tiêu phù hợp cho TS diện này. Như vậy, các TS đặc cách tốt nghiệp vẫn có cơ hội để xét tuyển vào các trường ĐH, kể cả trường tốp đầu.
Hà Ánh

Bà có lời khuyên nào dành cho TS trong việc chọn nghề để sau 4 – 5 năm học đại học, ra trường họ có thể yên tâm với lựa chọn của mình?

Với sự phát triển của khoa học, công nghệ, đặc biệt là Cách mạng công nghiệp 4.0, trong tương lai sẽ có những nghề mới xuất hiện, đồng thời sẽ có một số nghề cũ mất đi. Vì vậy, TS cần tham khảo thông tin tư vấn tuyển sinh từ các báo cáo phân tích, dự báo, từ phương tiện thông tin đại chúng, từ nhà trường, thầy cô giáo và các chuyên gia; đặc biệt cần lưu ý đến các ngành nghề đặc thù, các ngành công nghệ cao mũi nhọn… được nhà nước ưu tiên đầu tư phát triển; đồng thời phải cân nhắc khả năng, sở trường của mình để chọn ngành nghề, hướng đi phù hợp trong tương lai.
Ngành nghề thu nhập tốt và nhiều triển vọng có liên hệ mật thiết tới thực tiễn phát triển kinh tế – xã hội. Do vậy, các em TS cần thêm thông tin dự báo triển vọng của các ngành nghề trong 4 – 5 năm tới.
QUÝ HIÊN
TNO