23/12/2024

Phương án xét tuyển vào lớp 10 nào phù hợp với thí sinh?

Phương án xét tuyển vào lớp 10 nào phù hợp với thí sinh?

Xét tuyển lớp 10 căn cứ kết quả học tập của năm học cuối cấp hay xét cả quá trình của 4 năm học THCS; có nên tính điểm khuyến khích trong xét tuyển lớp chuyên?
Học sinh lớp 9 mong sớm có quyết định chính thức về phương án xét tuyển vào lớp 10 năm nay /// ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH

Học sinh lớp 9 mong sớm có quyết định chính thức về phương án xét tuyển vào lớp 10 năm nay ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH
Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp như hiện nay, việc Sở GD-ĐT TP.HCM đề xuất phương án xét tuyển đối với gần 90.000 thí sinh đăng ký nguyện vọng vào lớp 10 thay cho việc thi tuyển được phần lớn học sinh (HS), phụ huynh, giáo viên đồng tình.
Trong đề xuất trình với UBND TP.HCM, Sở GD-ĐT đưa ra 2 phương án xét tuyển: dựa vào điểm trung bình môn cả năm lớp 9 của 3 môn toán, ngữ văn, ngoại ngữ (phương án 1) hoặc điểm trung bình môn cả năm lớp 6, 7, 8, 9 của 3 môn toán, ngữ văn, ngoại ngữ (phương án 2).

Giáo viên chọn phương án 1

Giáo viên Trần Thị Ngọc Minh, Trường THCS Lê Văn Tám (Q.Bình Thạnh), cho rằng xét tuyển theo phương án 1 là phù hợp. Thông thường, đề thi tuyển sinh lớp 10 hằng năm nội dung yêu cầu kiến thức tập trung chủ yếu trong chương trình lớp 9. Bên cạnh đó, khi biên soạn bài kiểm tra định kỳ năm lớp 9, các quận huyện cũng bám sát cấu trúc đề thi tuyển sinh lớp 10 theo định hướng của Sở. Vì vậy việc đánh giá HS và lấy kết quả này làm căn cứ xét tuyển là hợp lý hơn phương án lấy điểm của 4 năm bậc THCS.
“Có HS ở lớp 6 chưa quen với cách học bậc THCS nên kết quả chưa thể hiện hết năng lực. Đến lớp 7 hoặc lớp 8 thì bị ảnh hưởng của việc phát triển tâm sinh lý lứa tuổi, chưa đạt được sự tập trung. Chỉ đến lớp 9 các em mới dồn hết năng lực để tập trung cho kỳ thi quan trọng”, giáo viên trên phân tích thêm.
Phương án xét tuyển vào lớp 10 nào phù hợp với thí sinh? - ảnh 1

Học sinh đăng ký nguyện vọng vào lớp 10  ĐÀO NGỌC THẠCH

Giáo viên này cũng đồng tình về việc lựa chọn điểm trung bình môn cả năm lớp 9 của môn đăng ký thi chuyên (hệ số 2) khi xét tuyển vào lớp chuyên. Theo kinh nghiệm của một giáo viên chủ nhiệm lớp 9 nhiều năm, cô Minh cho rằng chỉ những HS tự tin với năng lực học tập đạt loại giỏi “vững chắc” ở bậc THCS và yêu thích môn học nào đó, có kết quả học tập tốt, mới quyết định chọn nguyện vọng trường, lớp chuyên.
Còn ông Nguyễn Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường THCS Lê Văn Tám (Q.Bình Thạnh), nhấn mạnh nên chọn phương án 1 bởi năm cuối cấp, để chuẩn bị cho kỳ thi tuyển sinh lớp 10, HS cũng có ý thức học tập hơn. Đồng thời phụ huynh cũng có sự đầu tư cho con em, đồng hành cùng con em nhiều hơn.
Ông Phạm Phương Bình, Hiệu phó Trường THPT Nguyễn Hữu Huân (TP.Thủ Đức), cho rằng phương án 1 sát với thực tế và tình hình học tập của HS. Trong đó việc sử dụng điểm 3 môn toán, ngữ văn, ngoại ngữ thay thế điểm thi là phù hợp và hiện cơ sở dữ liệu của Sở đã có nên công tác xét tuyển sẽ nhanh.
Bên cạnh đó, trong công tác định hướng tuyển sinh ở bậc THCS, các trường căn cứ vào kết quả học tập 3 môn này để định hướng các em chọn nguyện vọng khi làm hồ sơ tuyển sinh lớp 10. Đây được xem như một bước sàng lọc nên hầu hết HS căn cứ trên năng lực bản thân, kết quả học tập khi đặt bút chọn nguyện vọng.

Học sinh nói gì ?

Trước phương án Sở đưa ra, nhiều HS ở TP.HCM không khỏi lo lắng, tính toán lại việc đặt nguyện vọng vào các trường THPT.

Có nên tính điểm khuyến khích?

Về điểm khuyến khích được nêu trong phương án xét tuyển lớp 10 chuyên, theo ông Phạm Phương Bình, Hiệu phó Trường THPT Nguyễn Hữu Huân (TP.Thủ Đức), cần có sự tính toán hợp lý hơn và phù hợp quy định của Bộ cũng như các hướng dẫn tuyển sinh trước đây của Sở GD-ĐT.
Được biết, trong Quyết định 977 của UBND TP.HCM về tuyển sinh đầu cấp ban hành vào tháng 3.2021, quy định điểm xét tuyển vào lớp chuyên là tổng điểm bài thi ngữ văn, ngoại ngữ, toán và điểm môn chuyên (hệ số 2), không tính điểm khuyến khích.
Do vậy, ông Bình cho rằng nếu thêm điểm cộng càng khó đảm bảo được khách quan và công bằng cho HS. Trước đây tranh cãi nhiều nên Bộ mới ra thông tư bỏ cộng điểm khi tuyển sinh 10.
Bích Thanh

Chia sẻ về đề xuất Sở GD-ĐT TP.HCM đưa ra, Trần Tuấn Anh, HS lớp 9 Trường THCS Đặng Trần Côn (Q.Tân Phú, TP.HCM), cho rằng cả hai phương án này đều hợp lý, khi tình hình dịch bệnh Covid-19 đang phức tạp như hiện nay. “Nhưng em nghiêng về phương án 1, xét tuyển dựa trên điểm trung bình của năm lớp 9, vì kiến thức và những bài kiểm tra, thi của lớp 9 sát hơn với thi tuyển sinh và đủ để thể hiện sự cố gắng của mỗi HS chuẩn bị cho kỳ tuyển sinh”, Tuấn Anh nói. Với 23,6 điểm, tính theo phương án xét tuyển 1 của Sở, Tuấn Anh cho biết vẫn giữ nguyện vọng 1 vào Trường THPT Tây Thạnh (Q.Tân Phú) đã đăng ký trước đó.

Đang ở trong khu cách ly, Anh Thư, HS lớp 9 Trường THCS Võ Văn Vân (H.Bình Chánh), cũng cho biết rất đồng tình với phương án xét tuyển mà Sở vừa đưa ra. Anh Thư cho rằng nếu dựa trên điểm trung bình của cả 4 năm học ở bậc THCS thì sẽ công bằng hơn cho HS và đánh giá được cả quá trình cố gắng. Tuy nhiên nếu được lựa chọn, nữ sinh này sẽ chọn xét tuyển theo phương án 1, vì điểm số của năm này tốt hơn những năm trước đó.
Tương tự, nhiều HS khác cũng đồng tình với việc xét tuyển và hầu hết các em mong muốn được xét tuyển theo phương án 1.

Phụ huynh, học sinh mong sớm có quyết định chính thức

Dù theo phương án nào thì điều các HS mong mỏi nhất là Sở GD-ĐT TP.HCM sớm chốt phương án để HS bớt căng thẳng, lo lắng cho kỳ xét tuyển của mình.
Do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, HS đã phải kéo dài thời gian ôn thi, tính đến nay đã quá gần 2 tháng so với lịch thi ban đầu, nên phụ huynh HS Phạm Phương Minh, Trường THCS Hoa Lư (TP.Thủ Đức), cho rằng với tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp như hiện nay, mong thành phố sớm quyết định phương án tuyển sinh lớp 10 để giải tỏa áp lực tâm lý cho phụ huynh và HS. Từ đó giúp họ chủ động trong việc đăng ký và tính toán việc học cho con em mình.
BÍCH THANH – NGUYỄN LOAN
TNO