23/01/2025

Cơ hội đưa Việt Nam thành trung tâm sản xuất dược phẩm mới

Cơ hội đưa Việt Nam thành trung tâm sản xuất dược phẩm mới

Cơ hội lớn đang mở ra cho ngành dược phẩm của Việt Nam vươn mình thành trung tâm sản xuất dược phẩm mới của thế giới trong bối cảnh chuỗi cung ứng dược phẩm toàn cầu đang có sự dịch chuyển mạnh mẽ.
Sự dịch chuyển chuỗi cung ứng dược phẩm toàn cầu đang mở ra cơ hội để Việt Nam phát triển mô hình công viên dược phẩm, đón nguồn đầu tư /// Ảnh minh họa: AFP
Sự dịch chuyển chuỗi cung ứng dược phẩm toàn cầu đang mở ra cơ hội để Việt Nam phát triển mô hình công viên dược phẩm, đón nguồn đầu tư,ẢNH MINH HỌA: AFP
Nhu cầu giảm mức độ phụ thuộc vào các nguồn cung truyền thống, đa dạng hóa các chuỗi sản xuất đang thúc đẩy các tập đoàn dược phẩm lớn tìm các địa điểm đầu tư mới trong bối cảnh chuỗi cung ứng dược phẩm toàn cầu đang có sự dịch chuyển mạnh mẽ.
Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ ngày 27.7 đã tổ chức hội nghị xúc tiến, kết nối các nhà đầu tư lĩnh vực dược phẩm Ấn Độ với chính quyền 30 tỉnh thành, các nhà quản lý khu công nghiệp tại Việt Nam.
Hội nghị đã giới thiệu và thúc đẩy ý tưởng xây dựng các công viên dược phẩm (khu công nghiệp chuyên biệt trong lĩnh vực dược) để đón các “ông lớn” trong lĩnh vực sản xuất dược của Ấn Độ cũng như quốc tế đến Việt Nam.
Mô hình này đã được triển khai rất thành công tại Ấn Độ, biến nước này thành cường quốc sản xuất dược phẩm lớn thứ ba thế giới.
Một công viên dược phẩm đủ tiêu chuẩn được cho là phải đáp ứng 8 nhóm yêu cầu liên quan đến: đất đai; cơ sở hạ tầng thiết yếu; kết nối giao thông; nguồn nước; năng lượng; nguồn nhân lực; các cơ sở xử lý nước thải và rác thải rắn; các hỗ trợ từ chính phủ.
Các nhà đầu tư Ấn Độ chia sẻ kinh nghiệm để xây dựng một công viên dược phẩm hoạt động hiệu quả cần một diện tích đất sạch ít nhất 500 hecta với vị trí xa các khu vực dân cư nhưng gần các cảng biển và các hệ thống công nghiệp phụ trợ, kết nối bởi hệ thống giao thông thuận tiện. Bên cạnh đó, các công viên dược phẩm cũng cần nguồn cung năng lượng liên tục và nguồn nước sạch dồi dào. Vấn đề xử lý nước thải và rác thải rắn cũng là một thách thức lớn nếu không có giải pháp căn cơ và lâu dài ngay từ đầu.
Theo ông Ramesh Babu, Chủ tịch của Tập đoàn SMS Pharmaceuticals của Ấn Độ, các công viên dược phẩm này là nơi chuỗi sản xuất các sản phẩm dược từ nguyên liệu tới thành phẩm. Với lợi thế quy trình khép kín, quy mô lớn, tập trung và ở các vị trí thuận tiện, công viên dược phẩm giúp các công ty giảm chi phí đầu tư nhưng lại tăng hiệu suất và hiệu quả phát triển và sản xuất, nâng cao khả năng cạnh tranh.
Ông Babu kỳ vọng công viên dược phẩm này sẽ là “đòn bẩy chiến lược” để biến Việt Nam thành một cứ điểm nghiên cứu, phát triển và sản xuất dược phẩm hàng đầu của Đông Nam Á và thế giới.
VI TRÂN
TNO