24/12/2024

TP.HCM sẽ quy định thời gian người dân được đi ngoài đường

TP.HCM sẽ quy định thời gian người dân được đi ngoài đường

‘Phải nhận thấy rằng việc giao lưu, tiếp xúc cực kỳ nguy hiểm, nếu không dừng lại tình hình dịch sẽ tồi tệ hơn. Người dân, các cấp các ngành phải nghiêm túc thực hiện triệt để hơn nữa’, Phó bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM Phan Văn Mãi nói.

 

TP.HCM sẽ quy định thời gian người dân được đi ngoài đường - Ảnh 1.

Phó bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM Phan Văn Mãi – Ảnh: Trung tâm Báo chí TP.HCM

Sáng 25-7, Phó bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM Phan Văn Mãi đã tham dự họp báo thông tin về tình hình dịch và công tác phòng, chống dịch.

Tại cuộc họp, ông Mãi cho biết tính từ ngày 31-5 đến nay, TP.HCM đã trải qua 55 ngày thực hiện giãn cách xã hội ở nhiều cấp độ khác nhau. Đến nay TP.HCM tiếp tục thực hiện chỉ thị 16 với các biện pháp tăng cường, siết chặt hơn.

Theo ông Mãi, tình hình diễn biến phức tạp, khó lường có nguyên nhân từ việc không thực hiện nghiêm việc giãn cách từ chính người dân và việc kiểm soát của cơ quan chức năng. Hiện nay ở một số địa bàn còn diễn ra việc tiếp xúc, giao lưu với nhau.

“Chúng ta phải nhận thấy rằng việc này cực kỳ nguy hiểm, nếu không dừng lại tình hình dịch sẽ tồi tệ hơn. Người dân, các cấp các ngành phải nghiêm túc thực hiện triệt để hơn nữa để thực hiện các biện pháp chống dịch”, ông Mãi nói.

Ông cho biết trước đây sau 1 tuần giãn cách xã hội theo chỉ thị 16, TP.HCM có đặt ra 3 kịch bản chống dịch. Dù rất cố gắng nhưng TP.HCM vẫn không đạt được mục tiêu kịch bản thứ nhất và phải thực hiện kịch bản thứ 2 là tăng cường thực hiện chỉ thị 16 với các giải pháp nâng cao.

Ông đề nghị các cấp, các ngành, toàn thể người dân thực hiện nghiêm việc giãn cách, tuyệt đối không được ra ngoài. Những trường hợp ra ngoài phải được quy định cụ thể, hạn chế thấp nhất.

Thời gian tới, TP.HCM sẽ tăng cường lực lượng kiểm tra, tuần tra, kiểm soát để thực hiện nghiêm việc giãn cách, hạn chế tối thiểu việc ra đường và tiếp xúc với nhau.

“Ngày mai 26-7, UBND TP.HCM sẽ có văn bản quy định đối tượng, nhiệm vụ, thời gian việc di chuyển ngoài đường. Cũng có thể sẽ giới hạn ở khung giờ nhất định nào đó. Ví dụ sau 18h thì những hoạt động nào không được thực hiện. Đây là những biện pháp TP.HCM sẽ triển khai thời gian tới”, ông Phan Văn Mãi nói.

Thời gian này, khi mọi di chuyển bị giới hạn thì các nhu cầu thiết yếu của người dân gần như sẽ được đáp ứng tại nhà. TP.HCM sẽ tăng cường việc cung ứng hàng hóa, hỗ trợ cho người có hoàn cảnh khó khăn. Đồng thời, TP.HCM sẽ xử lý tốt hơn các tình huống y tế khẩn cấp mà người dân yêu cầu. TP cũng đã có sự thảo luận, phân công, tăng cường nhân lực để đáp ứng các nhu cầu cần thiết của người dân.

“TP phải thực hiện nghiêm các biện pháp đến ngày 1-8. Tuy nhiên, TP có thể kéo dài thực hiện trong 2 tuần để đảm bảo các biện pháp thực hiện có hiệu quả, ngăn chặn được sự lây lan và phát tán dịch bệnh”, ông Mãi nói.

Tuy nhiên, ông Mãi cũng cho biết TP.HCM cũng phải tính tới tình huống xấu hơn để chuẩn bị khởi động kịch bản 3. Việc này không chỉ các cơ quan chức năng mà ngay cả người dân phải có ý thức và tâm thế chuẩn bị. Tình hình dịch phức tạp cũng phải nghĩ đến các tình huống để chủ động xử lý.

TP.HCM sẽ quy định thời gian người dân được đi ngoài đường - Ảnh 2.

Kiểm soát đi lại tại chốt Phan Văn Trị – Phạm Văn Đồng sáng 25-7 – Ảnh: LÊ PHAN

Ông Phan Văn Mãi cũng cho biết chiến lược phòng chống dịch của TP đang chuyển dần sang chiến lược điều trị, nhiệm vụ điều trị thời gian tới là nhiệm vụ chính. TP cần tập trung vận dụng tất cả các nguồn lực để điều phối, tổ chức điều trị hiệu quả, giảm tử vong. TP cũng đã tiến hành phân tầng điều trị và chuẩn bị nguồn lực cho các tầng.

Tuy nhiên thời gian qua, lực lượng chức năng ở một số nơi chưa hỗ trợ kịp thời yêu cầu hỗ trợ y tế của người dân. Lý do một phần là do sự quá tải của các cơ sở y tế, mặt khác là do cơ chế điều trị của TP.

TP đang rà soát và mở rộng tối đa năng lực tiếp nhận, điều trị ở các quận huyện. Các bệnh viện dã chiến thu dung tăng cường chức năng điều trị và bổ sung nguồn nhân lực để chuyển sang bệnh viện điều trị. Đồng thời, TP đang huy động nhiều hơn nữa bệnh viện tư nhân để mở rộng năng lực điều trị với 900 giường và triển khai thêm các cơ sở dã chiến.

Về nguồn nhân lực y tế, thời gian qua TP nhận được sự quan tâm hỗ trợ từ trung ương và các địa phương. Tuy nhiên, hiện nay dịch cũng đang diễn biến phức tạp tại các địa phương, trung ương cũng có sự phân bổ nhân lực để hỗ trợ các địa phương khác.

Do đó, TP bên cạnh tiếp nhận sự giúp đỡ của trung ương nhưng cũng phải huy động tối đa nguồn nội lực, điều phối khoa học hơn, đồng thời phát huy xuyên suốt 5 tại chỗ.

“Mong người dân chung sức, gánh vác với TP trong chống dịch”

Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức cho biết qua những con số phân tích trong thời gian qua, có thể dự báo rằng trong 5-7 ngày sắp tới, số ca nhiễm của TP.HCM vẫn còn ở mức cao.

Bản đồ COVID-19 đang dàn hàng ngang. TP sẽ nỗ lực bằng tất cả phương tiện, nguồn lực để kéo đường cong hạ xuống, từ từ sẽ hạ dần và quay lại tình trạng bình thường.

“Chúng ta chuẩn bị tinh thần đây là cuộc chiến phức tạp, luôn luôn cảnh giác và cần sự hỗ trợ hợp tác của tất cả mọi người, mọi nguồn lực và nhất là của người dân để không vô tình trở thành nguồn lây làm cho tình hình chống dịch của TP trở nên phức tạp hơn.

Bên cạnh sự nỗ lực của lực lượng chức năng thì mỗi người phải là một chiến sĩ chống dịch. TP kêu gọi sự hợp tác của người dân, tinh thần trách nhiệm cao nhất, cùng chung sức, gánh vác với TP trong công cuộc chống dịch”, ông Dương Anh Đức nói.

TUYẾT MAI – THẢO LÊ
TTO