26/12/2024

Ngân hàng lợi nhuận khủng bất chấp dịch

Ngân hàng lợi nhuận khủng bất chấp dịch

Trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn gần 2 năm trở lại đây, một số ngân hàng vừa công bố kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm với lợi nhuận khủng.
Lợi nhuận ngân hàng 6 tháng đầu năm tăng cao /// ẢNH: NGỌC THẮNG
Lợi nhuận ngân hàng 6 tháng đầu năm tăng cao   ẢNH: NGỌC THẮNG

Tăng mạnh

Đơn cử, lợi nhuận trước thuế 6 tháng đầu năm của Techcombank đạt 11.500 tỉ đồng, tăng trưởng 71,2% so với cùng kỳ năm trước, tổng thu nhập hoạt động tăng 52,1%, đạt 18.100 tỉ đồng, tỷ suất lợi nhuận trên tổng tài sản (ROA) 3,7%. Mức tăng này có thể nói hết sức ngoạn mục trong bối cảnh hầu hết ngành nghề, doanh nghiệp đều khó khăn.
Tương tự, LienVietPostBank cũng chỉ cần nửa năm để hoàn thành 2/3 chỉ tiêu lợi nhuận năm với 2.000 tỉ đồng. Hay lợi nhuận trước thuế của OCB tăng trưởng 42,7% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 2.661 tỉ đồng. Lợi nhuận hợp nhất trước thuế VPBank hơn 9.000 tỉ đồng, tăng 37,2% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó mảng ngân hàng (NH) riêng lẻ đóng góp 88% vào lợi nhuận hợp nhất. VIB công bố kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2021 với lợi nhuận trước thuế đạt 3.952 tỉ đồng, tăng trưởng 68%.
Lợi nhuận của những NH nhỏ có tốc độ tăng mạnh như Saigonbank vừa công bố đạt 137 tỉ đồng, tăng 9% so với cùng kỳ năm trước và hoàn thành xong kế hoạch cả năm. Lợi nhuận nửa đầu năm của các nhà băng lớn đầu ngành cũng ở mức cao, chẳng hạn Vietcombank tăng hơn 35% lên khoảng 14.800 tỉ đồng, VietinBank ước đạt 13.000 tỉ đồng…
Các nhà băng lý giải lợi nhuận tăng chủ yếu nhờ thu dịch vụ. Ví dụ LienVietPostBank, thu thuần dịch vụ tăng 86% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó, thu phí hoa hồng bảo hiểm tăng gần 90%. Thu nhập từ hoạt động dịch vụ Techcombank tăng trưởng 31,5%, đạt 2.800 tỉ đồng với sự đóng góp từ tất cả loại hình phí chủ chốt. Trong đó, thu nhập phí liên quan tới chứng khoán (cấu phần lớn nhất trong dịch vụ) tăng trưởng 18,4%.
Dù vậy, ông Jens Lottner, Tổng giám đốc Techcombank, đánh giá thu nhập từ lãi vẫn là động lực dẫn dắt tăng trưởng với nhu cầu tín dụng trong 6 tháng đầu năm duy trì ổn định. Khách hàng được mở rộng với nhu cầu gắn kết, sử dụng dịch vụ NH ngày càng cao giúp NH gia tăng đáng kể thu nhập từ phí. Tổng dư nợ tín dụng của khách hàng tại Techcombank tính đến cuối tháng 6 đạt 353.700 tỉ đồng, tăng 11,2% so với đầu năm, trong đó dư nợ cho vay cá nhân tăng 16%, doanh nghiệp tăng khoảng 11% so với đầu năm. Thu nhập từ lãi đạt 12.700 tỉ đồng, tăng 56% so với cùng kỳ năm trước, dẫn dắt bởi biên lãi thuần (NIM tính trên 12 tháng gần nhất) đạt 5,6% (so với mức 4,5% trong 12 tháng kết thúc tại thời điểm 30.6.2020). Không những Techcombank mà nhiều NH có mức tăng trưởng tín dụng thời gian qua khá cao như ACB tăng 9,4%, Vietcombank tăng 9%, VIB tăng hơn 8%…
Tại Vietcombank, thu nhập từ tín dụng tăng khoảng 20% trong khi đó thu ngoài lãi tăng 60%, nhờ vào tăng thu dịch vụ như doanh số bán chéo bảo hiểm của Vietcombank nửa đầu năm đạt khoảng 500 tỉ đồng. Dự kiến mức tăng trưởng lợi nhuận cả năm của nhà băng này sẽ thấp hơn so với nửa đầu năm khi tăng trưởng tín dụng chậm lại do chạm mức trần tín dụng được cấp. Đồng thời, NH thực hiện giảm lãi suất qua đó tác động lên lợi nhuận, trích lập dự phòng khi dự báo nợ xấu tăng trước tình hình dịch Covid-19 phức tạp.

Đừng choáng ngợp vì những con số

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội NH VN, cho rằng lợi nhuận của từng NH đến từ các mảng kinh doanh khác nhau, chứ không hẳn vấn đề chênh lệch lãi suất huy động và cho vay.
Quy mô tổng tài sản, vốn điều lệ và dư nợ của các NH ở mức cao, lên hàng trăm ngàn đến triệu tỉ đồng, nên nghe lợi nhuận hàng ngàn tỉ rất cao nhưng tính tỷ lệ sinh lời thì không cao so với một số ngành nghề khác. Ngoài lợi nhuận từ tín dụng mang lại, tỷ lệ thu từ các sản phẩm, dịch vụ khác của NH cũng tăng lên nhiều năm gần đây khi NH đẩy mạnh các sản phẩm dịch vụ công nghệ, tiết giảm chi phí. Lợi nhuận NH cao là dấu hiệu đáng mừng, bởi NH khỏe thì mới có thể hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển, đóng thuế.
Để giảm lãi suất cho vay, nhiều NH đã giảm lợi nhuận 3.000 – 4.000 tỉ đồng để hỗ trợ khách hàng.
Đó là chưa kể để việc tạo thuận lợi cho các NH hỗ trợ khách hàng ảnh hưởng dịch Covid-19, Thông tư 01 và Thông tư 03 quy định về việc các NH cơ cấu lại thời hạn trả nợ; miễn, giảm lãi, phí; giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19 đã giúp các tổ chức tín dụng tạm thời chưa phải trích lập dự phòng rủi ro nên cũng giảm được chi phí.
Nếu trừ đi khoản này, lợi nhuận của NH sẽ giảm mạnh. Lợi nhuận NH đang được tạm tính trên cả các khoản dự thu, nếu khách hàng không trả được nợ thì NH phải thoái thu và không được ghi nhận vào lợi nhuận.
Đồng quan điểm, ông Đinh Thế Hiển, Viện trưởng Viện Nghiên cứu tin học – kinh tế, ứng dụng, cho rằng nhìn vào con số lợi nhuận tuyệt đối của các NH hàng ngàn tỉ đồng mà choáng ngợp.
Trong vài tháng tới mà dịch Covid-19 chưa được kiểm soát, doanh nghiệp còn khó khăn điều này đồng nghĩa với nợ xấu NH gia tăng. Những NH nào đã đạt được lợi nhuận tốt thì cân đối trích lập từ khoảng 20% lợi nhuận để đảm bảo an toàn. Do đó, mức lợi nhuận NH cuối năm có khả năng sẽ không tốt như những tháng đầu năm và nợ xấu có thể xuất hiện vào đầu năm 2022.
Điều này cũng dễ hiểu khi tốc độ tăng trưởng tín dụng những tháng đầu năm của NH cao, trong khi theo quy định các NH chưa phải trích lập dự phòng nhiều cho khoản nợ xấu được cơ cấu. Việc NH Nhà nước quy định như vậy phần nào hỗ trợ các NH giảm lãi suất cho vay đối với khách hàng, nới tiêu chuẩn về nợ. Do đó, lợi nhuận NH hạch toán được tốt hơn và NH cũng xin được tăng hạn mức tín dụng cao hơn chỉ tiêu đã cấp trước đó.
Đứng ở góc độ nền kinh tế đang đứng trước những khó khăn do dịch Covid-19 gây ra, đặc biệt tác động khá mạnh trong đợt 4 này thì con số lợi nhuận của NH có gì đó “sai sai”. Nhưng tính đúng, đủ như các chỉ tiêu Basell 2 (tiêu chuẩn quốc tế về vốn và hạn chế rủi ro) thì lợi nhuận NH sẽ giảm khoảng 30% so với con số công bố.
THANH XUÂN
TNO