27/12/2024

Khi nào thế giới có đủ vắc xin Covid-19 ?

Khi nào thế giới có đủ vắc xin Covid-19 ?

Mục tiêu tiêm chủng toàn cầu của Tổ chức Y tế thế giới đang gặp khó vì tình trạng khan hiếm vắc xin và phân phối không đồng đều.
Một điểm tiêm chủng tại Colombo, Sri Lanka /// AFP
Một điểm tiêm chủng tại Colombo, Sri Lanka  AFP
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã đặt mục tiêu tiêm vắc xin Covid-19 cho 10% dân số toàn cầu tính đến tháng 9, ít nhất 40% vào cuối năm 2021 và 70% vào giữa năm 2022.

Cách biệt lớn

Tuy nhiên, phát biểu tại Tokyo (Nhật Bản) mới đây, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho rằng cần 11 tỉ liều vắc xin để đạt các mục tiêu đó nhưng thực tế cho thấy tình trạng không cân bằng về phân phối vắc xin toàn cầu.
Tính đến ngày 22.7, hơn 3,76 tỉ liều vắc xin đã được tiêm trên toàn cầu, trong đó 26,8% dân số thế giới đã được tiêm ít nhất một liều. Tuy nhiên, theo ước tính gần nhất, có hơn 75% số liều được tiêm tại chỉ 10 nước. Phần lớn các nước còn lại đều khó tiếp cận với nguồn cung vắc xin. Riêng tại châu Phi chỉ chiếm 1,7% số liều đã tiêm. Đến nay, chỉ 1,1% người dân tại các nước thu nhập thấp được tiêm ít nhất một liều vắc xin.
Dù các chuyên gia ước tính gần 11 tỉ liều vắc xin sẽ được sản xuất từ nay đến cuối năm, 9,9 tỉ liều trong đó vẫn nằm trong tay các nước thu nhập cao và trung bình cao.
Nhóm G7 đã cam kết tài trợ 1 tỉ liều vắc xin cho các nước thu nhập thấp đến giữa năm 2022, nhưng đến nay mới chỉ có 100 triệu liều được phân phối. Reuters ngày 23.7 trích tài liệu của Liên minh châu Âu cho thấy khối này đã cam kết chia sẻ 160 triệu liều vắc xin, trong đó 100 triệu liều đến cuối năm 2021, nhưng đến nay mới chỉ hoàn thành chưa đầy 3% số đó.
Trong hội nghị mới đây do Đại học Boston (Mỹ) tổ chức, Phó giám đốc chính sách y tế toàn cầu của Quỹ gia đình Kaiser, ông Josh Michaud nói rằng việc các nước giàu kiểm soát nguồn cung vắc xin sẽ làm gia tăng khoảng cách về tỷ lệ tiêm chủng giữa các nước và theo đà này, các nước thu nhập thấp sẽ không đạt được mục tiêu tiêm chủng 40% dân số vào cuối năm 2021. “Để đạt được điều đó, họ cần tăng tỷ lệ tiêm chủng mỗi ngày lên 19 lần ngay lập tức”, ông Michaud ước tính.

Trễ kế hoạch

Với thực trạng phân phối vắc xin như hiện nay, cộng thêm sự xuất hiện của các chủng vi rút nguy hiểm, nhiều nước có tỷ lệ tiêm chủng thấp đang hứng chịu tác động to lớn những đợt bùng phát dịch mới. Chương trình phát triển LHQ, WHO và Đại học Oxford (Anh) cũng vừa công bố dữ liệu cho thấy nếu việc sản xuất vắc xin được gia tăng và các nước nghèo đạt tỷ lệ tiêm chủng tương tự nước thu nhập cao, họ đã không mất 38 tỉ USD trong mức GDP dự báo năm 2021.
Các tổ chức dự báo nhóm nước này có thể chỉ đạt lại mức tăng trưởng như trước đại dịch vào năm 2024. Theo mô hình dự báo của các nhà nghiên cứu thuộc Trung tâm đổi mới y tế toàn cầu Duke tại Đại học Duke (Mỹ), thế giới chỉ có thể đạt mục tiêu tiêm chủng vào năm 2023.
Ngoài việc chia sẻ vắc xin, WHO cũng kêu gọi gia tăng năng lực sản xuất vắc xin thông qua việc chuyển giao công nghệ, gỡ bỏ rào cản trong chuỗi cung ứng và miễn trừ bảo hộ sở hữu trí tuệ. “Bất bình đẳng vắc xin trở ngại lớn nhất của thế giới trong việc chấm dứt đại dịch và hồi phục. Về mặt kinh tế, dịch tễ và đạo đức, lợi ích lớn nhất của các nước là sử dụng dữ liệu mới nhất có thể để tạo vắc xin cứu tất cả mọi người”, Tổng giám đốc WHO Tedros nói.
Covid-19 tác động đến sức khỏe tâm thần
WHO vừa ra tuyên bố cảnh báo đại dịch Covid-19 gây tác động lâu dài và sâu rộng đối với sức khỏe tâm thần của con người. AFP ngày 23.7 trích tuyên bố cho biết những lo âu về việc bị nhiễm vi rút, tác động tâm lý từ việc phong tỏa và cách ly, sự căng thẳng do mất việc làm, lo lắng về tài chính đã góp phần dẫn đến cuộc khủng hoảng về sức khỏe tâm thần.
WHO kêu gọi các nước tăng cường các dịch vụ sức khỏe tâm thần nói chung và mở rộng việc tiếp cận đối với việc chăm sóc sức khỏe tâm thần thông qua công nghệ. Tổ chức còn hối thúc nâng cao các dịch vụ hỗ trợ tâm lý tại trường học, nơi làm việc và cho đội ngũ trong tuyến đầu chống dịch Covid-19.
BẢO VINH
TNO