25/12/2024

Miễn, giảm, gia hạn hơn 123.000 tỉ tiền thuế, thuê đất, lệ phí cho doanh nghiệp

Miễn, giảm, gia hạn hơn 123.000 tỉ tiền thuế, thuê đất, lệ phí cho doanh nghiệp

Trong năm 2020, Chính phủ đã trình cấp có thẩm quyền giãn, hoãn, miễn, giảm khoảng 123.600 tỉ đồng tiền thuế, tiền thuê đất, các khoản phí, lệ phí cho doanh nghiệp, trong đó gia hạn nộp 87.200 tỉ đồng, miễn giảm 36.400 tỉ đồng.

 

Miễn, giảm, gia hạn hơn 123.000 tỉ tiền thuế, thuê đất, lệ phí cho doanh nghiệp - Ảnh 1.

Năm 2020, Bộ Tài chính đã miễn, giảm 36.400 tỉ đồng tiền thuế cho các doanh nghiệp – Ảnh: N.P.

Thông tin được Chính phủ đưa ra trong báo cáo kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong năm 2020 vừa gửi tới Quốc hội.

Theo đó, để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn do dịch COVID-19, Bộ Tài chính đã tham mưu Chính phủ trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành nghị quyết 107 về kéo dài thời hạn miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp; các nghị quyết giảm 30% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp năm 2020 đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp có tổng doanh thu năm không quá 200 tỉ đồng; nâng mức giảm trừ gia cảnh thuế thu nhập cá nhân; giảm 30% mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay.

Chính phủ cũng ban hành nghị định 41 gia hạn 5 tháng tiền thuế và tiền thuê đất cho doanh nghiệp và hộ kinh doanh; nghị định về điều chỉnh thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, xuất khẩu; giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ đối với ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước; gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ôtô sản xuất lắp ráp trong nước.

Bộ Tài chính đã phối hợp với các bộ, ngành rà soát, miễn, giảm 70% mức thu lệ phí đăng ký doanh nghiệp; giảm 67% mức phí công bố thông tin doanh nghiệp; giảm từ 50-70% phí thẩm định cấp sửa đổi, bổ sung giấy phép hoạt động bưu chính; giảm 50% mức thu phí cấp giấy phép hoạt động của tổ chức tín dụng; giảm 50% mức phí thẩm định dự án đầu tư xây dựng, phí thẩm định thiết kế dự án đầu tư xây dựng; giảm 50% mức thu 20/22 khoản phí, lệ phí trong lĩnh vực chứng khoán.

Thực hành chương trình tiết kiệm, chống lãng phí trong năm 2020, Bộ Tài chính đã tiết kiệm 10% chi thường xuyên (khoảng 2,9 ngàn tỉ) để tạo nguồn cải cách tiền lương; cắt giảm chi phí tổ chức hội nghị, công tác phí, tiết kiệm thêm chi thường xuyên chưa cần thiết, cấp bách. Riêng ngân sách trung ương tiết kiệm và cắt giảm được khoảng 55.000 tỉ đồng.

Trong 6 tháng cuối năm 2020, các địa phương tiếp tục thực hiện cắt giảm tối thiểu 70% kinh phí hội nghị, công tác phí, tương đương khoảng 1.000 tỉ đồng, và tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên khác còn lại của năm, ước đạt 6.400 tỉ đồng.

Một số địa phương có kết quả tốt trong tiết kiệm chi thường xuyên như TP Hà Nội tiết kiệm 1.077,6 tỉ đồng; Bình Dương 678 tỉ đồng; Đồng Nai 498,2 tỉ đồng; Đắk Lắk 377,8 tỉ đồng; Thanh Hóa 1.301,9 tỉ đồng; Nghệ An 307,79 tỉ đồng.

Cũng trong năm 2020, Bộ Tài chính đã siết chặt kỷ luật, kỷ cương, tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm soát ngân sách nhà nước. Thanh tra bộ đã triển khai 35 cuộc thanh tra, kiểm tra, kiến nghị xử lý về tài chính 1.160 tỉ đồng, kiến nghị thu nộp ngân sách nhà nước 182,7 tỉ đồng, giảm dự toán, thanh toán, giảm cấp kinh phí 56 tỉ đồng, xử lý tài chính khác 879 tỉ đồng.

Kho bạc Nhà nước thực hiện kiểm soát 961,5 ngàn tỉ đồng chi thường xuyên, phát hiện trên 65,3 ngàn khoản chi chưa đủ hồ sơ, thủ tục, từ chối thanh toán 41,6 tỉ đồng. Thực hiện kiểm soát 382.800 tỉ đồng vốn đầu tư, Kho bạc Nhà nước đã từ chối thanh toán 52,6 tỉ đồng do các chủ đầu tư đề nghị thanh toán khối lượng phát sinh chưa được phê duyệt, chưa đủ hồ sơ theo quy định.

B.NGỌC
TTO