24/11/2024

Sẵn sàng cho kịch bản xấu và xấu hơn

Sẵn sàng cho kịch bản xấu và xấu hơn

Ngày 18.7, Bộ trưởng Bộ Y tếNguyễn Thanh Long cho biết Bộ Y tế đã chuẩn bị sẵn sàng cho “kịch bản xấu và xấu hơn”; đồng thời cam kết không để thiếu đồ bảo hộ, bảo đảm an toàn tối đa cho lực lượng điều trị tuyến đầu.
Xe chuyển bệnh nhân đến Bệnh viện dã chiến điều trị Covid-19 số 2 (Q.12, TP.HCM) xếp hàng dài chờ nhập viện /// ẢNH: ĐỘC LẬP
Xe chuyển bệnh nhân đến Bệnh viện dã chiến điều trị Covid-19 số 2 (Q.12, TP.HCM) xếp hàng dài chờ nhập viện  ẢNH: ĐỘC LẬP
Theo đánh giá của Bộ Y tế, dịch bệnh tại các địa phương khu vực phía nam tiếp tục có xu hướng diễn biến phức tạp. Ngành y tế đang tập trung chuẩn bị tích cực, đồng bộ, ưu tiên giảm số ca bệnh nặng, hạn chế số tử vong, đặc biệt đối với các ca mắc có bệnh lý nền, người cao tuổi, bệnh nhân chạy thận nhân tạo… Sẽ áp dụng chiến lược 3 tầng trong điều trị, gồm: tầng 1 dành cho bệnh nhân không triệu chứng, tầng 2 là bệnh nhân có triệu chứng nguy cơ diễn biến nặng, và tầng 3 là tầng dành điều trị bệnh nhân nặng, nguy kịch.
Theo Bộ Y tế, Bệnh viện (BV) Hồi sức Covid-19 (đặt tại BV Ung bướu TP.HCM cơ sở 2) đã được thiết lập, có công suất 1.000 giường, với cơ chế điều hành của BV T.Ư hạng đặc biệt.
Về trang thiết bị, cùng với thành lập kho trang thiết bị, vật tư tiêu hao dã chiến tại TP.HCM, điều phối 2.000 máy thở chức năng cao cũng như máy thở thông thường cho kho dự trữ này, Bộ Y tế cũng đang tích cực huy động các nguồn lực, vận động các nhà tài trợ để có thể đảm bảo trang thiết bị cho công tác phòng chống dịch khu vực này.

BV tuyến huyện trở lên phải có hệ thống ô xy trung tâm

Đặc biệt, để sẵn sàng cho “kịch bản xấu và xấu hơn” tại các tỉnh, thành, lãnh đạo Bộ Y tế đã yêu cầu tất cả các BV hạng 2, hạng 3 (tuyến huyện và tương đương) phải thiết lập hệ thống ô xy trung tâm, kiểm soát lại toàn bộ quá trình thiết lập, chuẩn bị các giường hồi sức tại mỗi BV. Các BV tuyến tỉnh thiết lập tối thiểu 50 giường cấp cứu, hồi sức tích cực để điều trị bệnh nhân nặng theo phân tầng điều trị. Ngoài ra, Bộ Y tế thành lập các trung tâm hồi sức tích cực tại các khu vực, Bộ sẽ trực tiếp chỉ đạo các khu vực này.
Về công tác xét nghiệm, Bộ Y tế đưa ra kịch bản sẽ đàm phán mua trực tiếp với các nhà sản xuất lớn trên thế giới như Hàn Quốc, châu Âu, Trung Quốc… về xét nghiệm nhanh; tăng cường sản xuất trong nước về xét nghiệm Realtime RT-PCR. Đầu tuần tới có khoảng 7 triệu test nhanh về Việt Nam qua các nguồn viện trợ, Bộ sẽ ưu tiên cho các tỉnh có tình hình dịch phức tạp.
Về thiết bị máy móc xét nghiệm (máy PCR và máy tách chiết), lãnh đạo Bộ Y tế cho biết số lượng máy móc tạm đủ trong tình hình dịch hiện nay và vẫn phải mua thêm để dự trữ. Đáng chú ý, Bộ Y tế sẽ thành lập 25 xe xét nghiệm lưu động với công suất khoảng 2.000 mẫu đơn RT-PCR/ngày để hỗ trợ không chỉ cho các địa phương nguy cơ cao mà còn tiến hành sàng lọc, tầm soát tại những khu vực an toàn.

Lập 7 tổ công tác đặc biệt hỗ trợ chống dịch ở phía Nam

Tối qua 18.7, Thủ tướng Phạm Minh Chính có văn bản yêu cầu bộ trưởng các bộ: Quốc phòng, Công thương, NN-PTNT, GTVT, Xây dựng, TT-TT, LĐ-TB-XH thành lập ngay tổ công tác đặc biệt phòng chống dịch Covid-19 của từng bộ tại TP.HCM, giao cho một thứ trưởng phụ trách trực tiếp để phối hợp TP.HCM và các địa phương phía nam, nhất là các địa phương đang thực hiện Chỉ thị số 16. Các tổ công tác sẽ chủ động xử lý, giải quyết ngay những vấn đề phát sinh trong phòng chống dịch và các vấn đề liên quan. Các tổ công tác hằng ngày sẽ báo cáo Bộ trưởng và Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, đề xuất những vấn đề vượt thẩm quyền. Thủ tướng nhấn mạnh “đây là nhiệm vụ, công việc rất quan trọng, cấp bách” và yêu cầu các bộ trưởng thực hiện để phòng chống dịch tại TP.HCM và các tỉnh thành phía nam.

Cả nước ghi nhận 5.926 ca mắc Covid-19 mới, TP.HCM 4.692 ca

Theo thông báo của Bộ Y tế, trong ngày 18.7, Việt Nam ghi nhận 5.926 ca mắc mới, bao gồm 39 ca nhập cảnh và 5.887 ca mắc do lây nhiễm trong nước tại 33 tỉnh, thành. Một số nơi có số mắc mới cao do lây nhiễm trong nước như: TP.HCM 4.692 ca, Bình Dương 345 ca, Đồng Nai 147 ca, Đồng Tháp 101 ca, Long An 89 ca, Khánh Hòa 60 ca…
Trong ngày 18.7, thêm 355 bệnh nhân Covid-19 được công bố khỏi bệnh. Từ đầu dịch (tháng 1.2020) đến nay, Việt Nam có 51.771 ca ghi nhận trong nước và 2.059 ca nhập cảnh; 10.667 ca được điều trị khỏi. Riêng trong đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27.4) đến nay, có 50.201 ca mắc ghi nhận trong nước, trong đó 7.893 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
Liên Châu
Cũng trong tối qua, Thủ tướng có văn bản khẩn gửi chủ tịch và bí thư các tỉnh, TP trực thuộc T.Ư về việc thống kê số lượng, nhu cầu nhân lực y tế phục vụ công tác phòng chống dịch Covid-19. Cụ thể, các tỉnh, TP đang thực hiện Chỉ thị 16 thống kê tổng hợp về nhu cầu hỗ trợ bác sĩ, điều dưỡng viên, kỹ thuật viên để phục vụ chống dịch trên địa bàn mình. Các địa phương chưa thực hiện Chỉ thị 16 tổng hợp khả năng có thể hỗ trợ về bác sĩ, điều dưỡng viên, kỹ thuật viên giúp cho các địa phương khác. Các tỉnh, TP báo cáo số liệu kể trên về Thủ tướng, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 trước 17 giờ ngày 20.7; đồng thời phối hợp Bộ Y tế để phân bổ, kịp thời tiêm vắc xin cho các đối tượng theo quy định.
THANH NIÊN
TNO