Thu giữ hơn 3.000 que test nhanh COVID-19 không rõ nguồn gốc
Thu giữ hơn 3.000 que test nhanh COVID-19 không rõ nguồn gốc
Ngày 18-7, Phòng cảnh sát kinh tế Công an TP Hà Nội cho biết vừa phối hợp với Đội quản lý thị trường số 14 phát hiện và thu giữ hơn 3.000 que test nhanh COVID-19 không rõ nguồn gốc trên địa bàn.
Khoảng 10h45 ngày 18-7, Đội chống buôn lậu (Phòng cảnh sát kinh tế Công an TP Hà Nội) phối hợp với Đội quản lý thị trường số 14 tiến hành kiểm tra cơ sở xoa bóp bấm huyệt có địa chỉ P.304, chung cư HH3B Linh Đàm, phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai.
Qua xác minh, chủ kinh doanh là Hồ Thị Phương Thanh (38 tuổi, trú ở P.2634, chung cư HH4C Linh Đàm, quận Hoàng Mai).
Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện và thu giữ 1.000 que test nhanh COVID-19 mang nhãn hiệu NasoCheck Comfort của Đức. Toàn bộ số que test nhanh virus SARS-CoV-2 trên không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc.
Hồ Thị Phương Thanh khai nhận mua số que test COVID-19 trên từ Nguyễn Tiến Vĩnh (42 tuổi, kinh doanh tại số 69 ngách 12/470 Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân).
Ngay sau đó, lực lượng chức năng kiểm tra cửa hàng kinh doanh của Vĩnh và phát hiện 2.100 que test COVID-19 mang nhãn hiệu NasoCheck Comfort của Đức không có hóa đơn chứng từ.
Hiện vụ việc đang được xác minh, mở rộng điều tra.
PGS.TS Trần Đắc Phu – nguyên cục trưởng Cục Y tế dự phòng, cố vấn Trung tâm đáp ứng sự kiện y tế công cộng, Bộ Y tế – cho biết hiện nay đã có một số loại test kit xét nghiệm nhanh kháng nguyên COVID-19 được Bộ Y tế cho phép lưu hành dưới dạng nhập khẩu hoặc sản xuất trong nước.
Tuy vậy, Bộ Y tế chưa cho phép người dân tự thử test (xét nghiệm) nhanh tại nhà. Khi người dân có triệu chứng hoặc nghi ngờ thì nên đến cơ sở y tế để thực hiện test nhanh hoặc làm xét nghiệm PCR.
PGS Trần Đắc Phu lưu ý test nhanh chỉ có kết quả chính xác cao khi người nhiễm đang có nồng độ virus cao (ví dụ người nhiễm đang bị sốt, ho chẳng hạn), còn khi nồng độ virus thấp thì test nhanh này lại cho kết quả ít chính xác hơn.
Như vậy, người sau khi nhiễm từ ngày thứ 3 đến ngày thứ 7 của bệnh thì kết quả cũng chính xác hơn, còn xét nghiệm sau ngày đó kết quả ít chính xác.
Ông Phu khuyến cáo người dân không nên lo lắng quá mà đi xét nghiệm khi không cần thiết, chỉ xét nghiệm khi mình có triệu chứng nghi ngờ hoặc có nguy cơ đã tiếp xúc với người F0 để tránh lãng phí thời gian và tiền bạc không cần thiết.
Tốt nhất vẫn là thực hiện tốt 5K, không vì có kết quả xét nghiệm âm tính mà chủ quan, lơ là phòng bệnh.