Trung Quốc cạnh tranh nghiên cứu với Mỹ
Trung Quốc cạnh tranh nghiên cứu với Mỹ
Trung Quốc ngày càng chi nhiều hơn cho nghiên cứu và phát triển và có khả năng vượt Mỹ, nhưng giới chuyên gia chỉ ra rằng Bắc Kinh không chú trọng nghiên cứu cơ bản, lĩnh vực Mỹ mạnh tay tài trợ.
Theo nghiên cứu mới của Viện Aspen, tổ chức có trụ sở tại Washington D.C (Mỹ), số tiền Trung Quốc chi cho nghiên cứu và phát triển (R&D) đang trên đà vượt Mỹ vào năm 2025. Ngược lại, Mỹ không đầu tư đủ mức vào khoa học và đổi mới. Điều này có thể làm giảm mức sống và sức khỏe của người dân cùng khả năng cạnh tranh và năng lực ứng phó với khủng hoảng của Mỹ.
Mục tiêu của Trung Quốc
Tác giả nghiên cứu Benjamin Jones, một giáo sư về khởi nghiệp và chiến lược tại Đại học Northwestern ở bang Illinois (Mỹ), nhận định nếu Bắc Kinh tiếp tục thực hiện kế hoạch 5 năm hiện tại, tổng chi tiêu cho R&D của Trung Quốc sẽ sớm vượt Mỹ. Ông cũng nhận định Trung Quốc tăng mạnh đầu tư vào khoa học và đổi mới để theo đuổi mục tiêu dẫn đầu về kinh tế và củng cố vai trò trong các vấn đề toàn cầu.
Cụ thể, chi tiêu cho R&D của Trung Quốc đã tăng 16% hằng năm kể từ năm 2000. Trong khi đó, con số này của Mỹ là 3%, tờ South China Morning Post dẫn lại nghiên cứu công bố ngày 14.7 của ông Jones. Chi tiêu công cho R&D của Mỹ tính theo tỷ trọng GDP cũng đang ở mức thấp nhất trong vòng 60 năm qua. Nhìn chung, Mỹ chi trung bình 2,8% GDP cho R&D trong thập kỷ qua.
Quyết tâm của Bắc Kinh càng được thể hiện rõ hơn khi vào tháng 3, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường cho biết họ sẽ tăng cường chi tiêu cho nghiên cứu cơ bản. Theo báo báo thường niên của chính phủ Trung Quốc, chi tiêu cho nghiên cứu cơ bản trong năm nay sẽ tăng 10,6%. Trong 5 năm tới, đầu tư vào R&D cũng sẽ tăng ít nhất 7% mỗi năm. Kế hoạch 5 năm của Trung Quốc cũng tập trung vào các lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo và thông tin lượng tử.
Không chú trọng nghiên cứu cơ bản
Tuy nhiên, trong báo cáo khoa học của UNESCO năm 2021, Giáo sư Tào Công từ Trường Kinh doanh Đại học Nottingham Trung Quốc ở Ninh Ba đã đặt câu hỏi về việc gọi Trung Quốc là “quốc gia hướng tới đổi mới”.
Theo báo cáo của UNESCO, giai đoạn 2012 – 2019, Trung Quốc tăng gấp đôi tổng chi tiêu nội địa cho R&D lên hơn 340 tỉ USD, tương đương 2,23% GDP. Dù vậy, Bắc Kinh không đạt được mục tiêu chi 2,5% GDP vào năm 2020 như đã đặt ra.
Ông Tào cũng viết tỷ trọng của chi tiêu cho nghiên cứu cơ bản ở Trung Quốc trong tổng chi tiêu nội địa chỉ dao động quanh mốc 5% trong khi con số này của Liên minh Châu Âu là 13%. Theo ông, các nhà làm chính sách Trung Quốc chỉ chú ý vào triển khai thực nghiệm còn tỷ lệ chi tiêu phân bổ cho nghiên cứu khoa học ứng dụng thì ngày càng giảm.
Phản ứng của Mỹ
Để tăng cường lợi thế cạnh tranh trước Trung Quốc, Thượng viện Mỹ vào tháng 6 thông qua dự luật chi 250 tỉ USD mang tên Đạo luật Cạnh tranh và Đổi mới, theo South China Morning Post. Trong gói chi tiêu này, Mỹ dành ra hàng tỉ USD đẩy mạnh sản xuất chất bán dẫn.
Đây là dấu hiệu cho thấy Washington ngày càng muốn thoát khỏi việc phụ thuộc vào chuỗi cung ứng của Trung Quốc. Đạo luật cũng giúp Mỹ tăng thêm 90 tỉ USD chi tiêu công cho R&D trong vòng 5 năm.
Một số chuyên gia cho rằng Trung Quốc vượt Mỹ hay không còn tùy vào phản ứng của Washington. Tuy nhiên, họ chỉ ra rằng với thái độ chống khoa học, chống nhập cư của đồng minh cựu Tổng thống Donald Trump và nhiều người dân, nước Mỹ có thể sẽ còn tụt lại xa hơn trong tương lai.
Trung Quốc tăng trưởng chậm giữa nỗi lo về đại dịch
Sau một năm dẫn dắt kinh tế toàn cầu thoát khỏi ảnh hưởng của đại dịch, tăng trưởng của Trung Quốc đang bắt đầu chững lại, theo Reuters. Bắc Kinh ngày 15.7 báo cáo kinh tế Trung Quốc từ tháng 4 – 6 tăng trưởng 7,9% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn so với ước tính. Mặc dù tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc vẫn cao hơn so với nhiều quốc gia, con số này thấp hơn rõ rệt so với mức tăng 18,3% nước này đạt được trong 3 tháng đầu năm.
Tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đang được thế giới theo dõi chặt chẽ. Các con số có thể giúp báo hiệu sự phục hồi của những quốc gia khác sau đại dịch. Việc Trung Quốc tiếp tục tăng trưởng chậm lại có thể kéo nền kinh tế toàn cầu đi xuống. Nhiều quốc gia đang phải phụ thuộc vào các nhà máy và người tiêu dùng Trung Quốc.
ĐÔNG A
TNO