27/12/2024

Nguy cơ biến chủng SARS-CoV-2 nguy hiểm hơn

Nguy cơ biến chủng SARS-CoV-2 nguy hiểm hơn

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo về khả năng xuất hiện những biến chủng SARS-CoV-2 lây lan mạnh hơn.
Lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 tại Los Angeles (California, Mỹ)  /// AFP
Lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 tại Los Angeles (California, Mỹ) AFP
Đài ABC News hôm qua đưa tin WHO cảnh báo rằng đại dịch Covid-19 diễn biến xấu tại nhiều nơi trên thế giới đang làm gia tăng nguy cơ xuất hiện những biến chủng SARS-CoV-2 mới nguy hiểm hơn.
“Đại dịch còn chưa đến giai đoạn gần kết thúc”, giáo sư Didier Houssin, chủ tịch Ủy ban Khẩn cấp về Covid-19 của WHO, dự báo.

Biến chủng thống trị

Khi đại dịch mới khởi phát, chỉ có một chủng SARS-CoV-2 nhưng vi rút này đã đột biến thành nhiều chủng loại khi lây lan trên toàn cầu, trong đó có một số nguy hiểm hơn chủng ban đầu gấp nhiều lần. Theo xếp loại của WHO, hiện có 4 biến chủng gây lo ngại, gồm Alpha được phát hiện đầu tiên tại Anh vào tháng 9.2020, Beta tại Nam Phi vào tháng 5.2020, Gamma tại Brazil vào tháng 11.2020 và Delta tại Ấn Độ vào tháng 10.2020.
Biến chủng Delta hiện là mối lo ngại lớn nhất tại nhiều nước, sau khi xuất hiện tại hơn 111 nước và chiếm gần 60% số ca mắc Covid-19 tại Mỹ, khiến nhiều nước châu Âu lo ngại khi muốn mở cửa và nhiều nước châu Á chứng kiến làn sóng lây nhiễm với những con số kỷ lục.
“Chúng tôi cho rằng nó sẽ là biến chủng thống trị trên toàn cầu, nếu không nói là nó đang thống trị rồi”, theo Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus. Tuy nhiên, WHO nhấn mạnh “khả năng cao về sự xuất hiện và lây lan trên toàn cầu của các biến chủng đáng lo ngại, nguy hiểm và khó kiểm soát hơn”.

Chạy đua với vi rút

Bên cạnh các biến chủng đáng lo ngại còn có các biến chủng đáng quan tâm, gồm Eta ghi nhận tại nhiều nước vào tháng 12.2020, Iota phát hiện tại Mỹ vào tháng 11.2020, Kappa tại Ấn Độ vào tháng 10.2020 và Lambda tại Peru vào tháng 12.2020.
WHO đang phối hợp với cơ quan y tế các nước thành viên nhằm tiếp nhận thông tin, trình tự gien của các biến chủng mới để phân tích và đánh giá nguy cơ. Có đến 12 biến chủng trong danh sách cảnh báo để theo dõi thêm của WHO và chưa đặt tên theo bảng chữ cái Hy Lạp, trong đó có các biến chủng xuất hiện tại Mỹ, Brazil, Colombia, Anh, Nga, Philippines, Indonesia và biến chủng xuất hiện đồng thời tại nhiều nước.
Bên cạnh biến chủng Delta với khả năng lây lan hơn 55% so với Alpha, giới khoa học đang theo dõi các biến chủng khác do lo ngại khả năng xuất hiện đột biến khiến chúng thậm chí còn nguy hiểm hơn Delta.
Theo giáo sư Thomas Preiss tại Đại học Quốc gia Úc, cần điều tra xem biến chủng Lambda có thực sự nguy hiểm hơn Delta hay không, sau khi xuất hiện tại ít nhất 29 nước trong vài tháng qua. Nghiên cứu tại Đại học Chile cho thấy Lambda làm giảm mức kháng thể ở người đã tiêm một loại vắc xin sử dụng phổ biến tại nước này (vắc xin của Sinovac Biotech) và khả năng nhiễm vào tế bào còn cao hơn các biến chủng Alpha và Gamma.
Hiện các vắc xin đã chứng nhận đều có tác dụng đối với những biến chủng với tỷ lệ khác nhau, nhưng giới chuyên môn cho rằng điều vô cùng quan trọng là cần tiếp tục theo dõi sự biến đổi tiếp theo của SARS-CoV-2. Chuyên trang Science dẫn lời phó giám đốc Luca Piccoli của Công ty công nghệ sinh học Humabs BioMed (Thụy Sĩ) cho rằng cần tìm hiểu xem vi rút này có phát triển những đặc điểm nhằm né tránh phản ứng miễn dịch của bệnh nhân không. Song song đó, ông nhấn mạnh càng nhiều người được tiêm vắc xin thì vi rút càng ít có cơ hội tiếp tục biến đổi.
WHO thúc Trung Quốc hợp tác điều tra
Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus hôm qua thông báo đang chuẩn bị cho giai đoạn tiếp theo của cuộc điều tra nguồn gốc Covid-19 và kêu gọi Trung Quốc sẽ hợp tác tốt hơn để làm rõ ngọn nguồn. Theo AFP, ông Tedros thừa nhận những thách thức trong cuộc điều tra hồi tháng 1 khi nhóm điều tra không được tiếp cận với dữ liệu thô.
Ông nhấn mạnh mọi giả thuyết về nguồn gốc đại dịch vẫn chưa bị loại trừ và cho biết đã có một “sự thúc giục vội vã” để bác bỏ giả thuyết vi rút thoát ra từ phòng thí nghiệm. “Chúng tôi đã thiết kế giai đoạn hai của nghiên cứu và đang yêu cầu Trung Quốc minh bạch, cởi mở và hợp tác, đặc biệt về dữ liệu thô mà chúng tôi đã yêu cầu vào những ngày đầu đại dịch”, ông Tedros nói. Vị quan chức cho rằng những thông tin trực tiếp về tình hình của các phòng thí nghiệm trước khi đại dịch xảy ra là dữ liệu quan trọng cần có được.
Vi Trân
KHÁNH AN
TNO