26/12/2024

Người chăn nuôi lỗ nặng vì giá heo, gà giảm mạnh, không vận chuyển được

Người chăn nuôi lỗ nặng vì giá heo, gà giảm mạnh, không vận chuyển được

Chỉ vài ngày sau khi TP.HCM, sau đó đến Đồng Nai và Bình Dương, áp dụng giãn cách, giá bán các sản phẩm chăn nuôi như heo, gà, vịt… tại các địa phương giảm mạnh, người chăn nuôi lỗ nặng do bán dưới giá vốn nhưng vẫn không tìm được người mua.

 

Người chăn nuôi lỗ nặng vì giá heo, gà giảm mạnh, không vận chuyển được - Ảnh 1.

Người dân mua sản phẩm tươi sống tại siêu thị ở quận 6 (TP.HCM) – Ảnh: QUANG ĐỊNH

Thế nhưng giá rau củ tại TP.HCM đang bị đẩy lên cao 3 – 4 lần so với bình thường do khan hiếm, thậm chí có loại rau tăng giá gấp 8 – 10 lần.

Lỗ nặng vẫn khó ra hàng

Ngày 15-7, giá gà công nghiệp xuất chuồng tại Đồng Nai tiếp tục giảm còn 12.000 – 14.000 đồng/kg, thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây. Dù giá giảm sâu nhưng gà không có người đến mua, trọng lượng gà tại nhiều trại đã lên đến 3,5kg/con vẫn chưa xuất chuồng được trong khi trọng lượng xuất chuồng bình thường là 2,5kg/con.

Ông Nguyễn Minh Hải (huyện Tân Phú, Đồng Nai) cho biết lứa gà hơn 150.000 con đã đến ngày xuất chuồng nhưng thương lái từ chối đến lấy hàng với lý do việc đi lại gặp khó khăn. Theo ông Hải, trong khi giá thành chăn nuôi lên tới 28.000 – 29.000 đồng/kg, với giá bán hiện nay, người chăn nuôi lỗ nặng. “Dù lỗ nặng nhưng muốn bán cắt lỗ cũng không được. Gà vẫn phải cho ăn hằng ngày, giá bán ngày càng giảm nên thua lỗ ngày càng tăng” – ông Hải than thở.

Tương tự, giá heo hơi cũng rớt xuống còn 55.000 – 56.000 đồng/kg hơi, thậm chí có nơi chỉ còn 51.000 đồng/kg hơi, thấp nhất trong 2 năm qua. Giám đốc một công ty chăn nuôi ở Đồng Nai cho biết với mức giá này những người mua heo giống ở mức rất cao cách đây 3 tháng sẽ bị lỗ. “Nhưng lỗ cũng không bán được hàng, do mức tiêu thụ tại TP.HCM đã giảm 30-40% kể từ khi thực hiện giãn cách, dẫn đến ùn ứ tại các trang trại” – vị này nói.

Theo ông Nguyễn Trí Công – chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, các trang trại chăn nuôi đều gặp khó khăn về khâu tiêu thụ, chủ yếu là do các chợ đầu mối lớn ở TP.HCM như chợ Hóc Môn, chợ Bình Điền và chợ Thủ Đức và những địa điểm phân phối lớn đều tạm ngưng hoạt động để phòng chống dịch COVID-19 khiến giá xuất chuồng của các sản phẩm chăn nuôi (heo, gà…) giảm mạnh, trong khi chi phí chăn nuôi vẫn đang rất cao.

Vướng từ chợ đến khâu vận chuyển

Một doanh nghiệp chăn nuôi tại Đồng Nai cho rằng các biện pháp phòng chống dịch đôi khi cứng nhắc tại các địa phương khiến cho các thương lái chùn tay, không muốn đánh hàng lên TP.HCM. Theo vị này, việc yêu cầu phải có giấy chứng nhận âm tính mới được lưu thông nên tài xế từ chối vận chuyển với lý do phiền phức và tốn thời gian, trong khi thương lái cũng không vui khi chi phí bị đội lên. Hàng loạt thương lái ở Đồng Nai cũng thuộc diện phải cách ly phòng dịch do liên quan đến ổ dịch tại các chợ nên hoạt động thu mua heo tại địa phương hầu như đình trệ.

Ông Lê Văn Quyết – phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Đông Nam Bộ – cho biết người chăn nuôi và doanh nghiệp chế biến thực phẩm đang gặp rất nhiều khó khăn vì chính sách kiểm soát vận chuyển của các địa phương, trong đó đặc biệt là vận chuyển sản phẩm chăn nuôi.

Chẳng hạn, có 4 chốt chặn giao thông từ Đồng Nai đi Vũng Tàu nhưng mỗi chốt có cách xử lý khác nhau. Khi doanh nghiệp đưa xe từ TP.HCM, Đồng Nai xuống Vũng Tàu bắt gà nhưng bị chặn lại bởi lý do trên xe không có hàng hóa. “Xe đi bắt gà thì làm gì có hàng hóa trên xe được, lúc về từ trại chúng tôi mới có gà chứ” – ông Quyết thắc mắc.

Để hỗ trợ người chăn nuôi, ông Nguyễn Trí Công kiến nghị: “Chính phủ, các địa phương tiêu thụ lớn như TP.HCM cần tính đến các phương án đảm bảo lưu thông hàng hóa tiêu thụ nông sản cho người dân và đảm bảo nguồn cung cho người tiêu dùng”.

Nhà vườn đổ bỏ hành, ngò

hanh la

Vườn hành lá tại Đức Trọng (Lâm Đồng) có khả năng bị đổ bỏ do chợ đầu mối ở TP.HCM ngưng hoạt động – Ảnh: NGUYỄN KIÊN

Trong khi nhiều người tiêu dùng ở TP.HCM tìm đỏ mắt vẫn không mua được hành lá, dù giá hành bị một số nơi đẩy lên 100.000 – 120.000 đồng/kg, nông dân tại nhiều địa phương khác vốn là nguồn cung ứng cho TP.HCM lại không tìm được người mua dù giá chỉ 10.000 đồng/kg, thậm chí phải đổ bỏ.

Anh Nguyễn Văn Kiên (xã Hiệp Thạnh, huyện Đức Trọng, Lâm Đồng) cho biết ngoài 2ha của gia đình, anh còn ký bao tiêu 8ha hành lá của 20 hộ trong xã, với tổng sản lượng lên tới 200 tấn. Trước đây mỗi ngày anh Kiên thu hoạch 3 – 5 tấn hành lá để đưa về TP.HCM tiêu thụ, nhưng thị trường này đang tắc nên lượng tiêu thụ hiện nay chỉ được 300 – 400kg/ngày và chủ yếu là thị trường trong tỉnh.

“Số hành này đang vào vụ thu hoạch nhưng không bán được dù giá chỉ chưa đến một nửa so với mọi năm, chỉ còn 10.000 đồng/kg. Do đã ký hợp đồng lo giống, phân bón và bao đầu ra cho các hộ dân trồng hành nên tôi có nguy cơ mất trắng hơn 1,5 tỉ đồng vốn đầu tư ban đầu, chưa kể 3ha hành tây cũng không tiêu thụ được” – anh Kiên nói.

Nhiều nông dân trồng các loại rau như hành, ngò, cần tây và xà lách tại Bình Thuận, Bà Rịa – Vũng Tàu, Đồng Tháp… cũng điêu đứng vì không có đầu ra. Chị Nguyễn Thị Nhài (xã Láng Dài, huyện Đất Đỏ, Bà Rịa – Vũng Tàu) cũng đang lo sốt vó với 20 tấn hành lá đang vào vụ thu hoạch nhưng không tiêu thụ được. “Thương lái từ chối lấy hàng với lý do chợ đầu mối ở TP.HCM đóng cửa, không có nơi tiêu thụ” – chị Nhài lo lắng.

BÔNG MAI

TRẦN MẠNH
TTO