Mỹ và châu Âu, vì sao chưa thể ‘đoạn tuyệt’ với khẩu trang?
Mỹ và châu Âu, vì sao chưa thể ‘đoạn tuyệt’ với khẩu trang?
Tại châu Âu, trong khi Anh sẽ sớm bỏ các hạn chế phòng dịch, nhiều nước khác tái áp dụng. Nhưng dù thế nào, chiếc khẩu trang vẫn được giữ lại ở cả hai lựa chọn trái ngược đó.
Từ ngày 19-7, Anh sẽ dỡ bỏ hầu hết các biện pháp hạn chế phòng COVID-19, không bắt buộc đeo khẩu trang nữa mà coi nó là trách nhiệm cá nhân.
Tuy nhiên trong bối cảnh số ca nhiễm còn tăng cao, Anh – cũng như nhiều nước Âu, Mỹ – chưa thể đoạn tuyệt với chiếc khẩu trang.
Không bỏ khẩu trang
Dù Thủ tướng Anh Boris Johnson nói người dân có thể tự quyết định chuyện đeo khẩu trang, nhưng các bộ trưởng và các dịch vụ công cộng ở Anh lại có cách tiếp cận khác.
Thị trưởng Sadiq Khan của London khẳng định vẫn bắt buộc người dân đeo khẩu trang trên xe buýt và tàu điện ngầm. Sainsbury – chuỗi siêu thị lớn thứ hai của Anh – khuyến khích khách hàng đeo khẩu trang sau “ngày tự do” 19-7.
Trong thăm dò gần đây với 2.749 người Anh trưởng thành của Công ty phân tích dữ liệu YouGov, 71% vẫn muốn bắt buộc đeo khẩu trang nơi công cộng, 66% muốn bắt buộc đeo khẩu trang trong các cửa hàng cũng như nơi công cộng có không gian kín.
Tại Mỹ, bác sĩ Anthony Fauci, chuyên gia bệnh truyền nhiễm hàng đầu, cho rằng còn quá sớm để người Mỹ vứt bỏ khẩu trang nếu họ đến những nơi có tỉ lệ tiêm vắc xin COVID-19 thấp.
Hiệp hội những người Mỹ đã nghỉ hưu cho biết hiện chính quyền của 8 bang ở Mỹ yêu cầu những người chưa tiêm đủ vắc xin đeo khẩu trang ở nơi công cộng có không gian kín.
Trước đó, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng hối thúc những người đã tiêm vắc xin đủ liều vẫn đeo khẩu trang, giữ khoảng cách và thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn khác.
Sẽ có một nước Mỹ đã tiêm vắc xin và một nước Mỹ chưa tiêm vắc xin. Tôi nghĩ nước Mỹ chưa tiêm vắc xin sắp trả giá vì điều đó.
Bác sĩ nhi khoa Paul Offit (một chuyên gia về vắc xin tại Mỹ) nhận định sẽ có “2 nước Mỹ” trong vấn đề tiêm vắc xin COVID-19.
Mùa thu nguy hiểm
Tại châu Âu, số ca COVID-19 của Tây Ban Nha đã vượt qua 4 triệu sau khi tăng thêm 43.960 ca vào hôm 13-7. Tây Ban Nha, Pháp, Hà Lan và Hy Lạp đều công bố tái áp dụng hạn chế mới đầu tuần này khi số ca nhiễm tăng vì biến thể Delta, nhất là ở người trẻ chưa tiêm vắc xin.
Anh cũng có thêm 42.302 ca hôm 14-7, cao nhất từ ngày 15-1, dù 2/3 dân số trưởng thành đã tiêm đủ vắc xin.
Với Mỹ, báo USA Today ngày 14-7 dẫn dữ liệu của ĐH Johns Hopkins cho thấy tuần trước 47 bang của Mỹ tăng số ca bệnh mới so với tuần trước đó, số ca tử vong cũng tăng tại 30 bang.
Tốc độ tiêm chủng giảm mạnh, tỉ lệ tiêm chủng còn thấp tại nhiều nơi, việc nới lỏng các biện pháp hạn chế và biến thể Delta là các nguyên nhân chính khiến số ca COVID-19 tăng vọt ở Mỹ.
“Tôi đoán là tại những khu vực nào đó của Mỹ trong những tháng tới có thể sẽ áp dụng lại lệnh đeo khẩu trang trong nhà, giãn cách và giới hạn số người tụ tập” – giáo sư Lawrence Gostin, giám đốc Trung tâm hợp tác luật y tế quốc gia và toàn cầu thuộc WHO, cảnh báo.
Ông lo sẽ có các đợt bùng dịch lớn ở Mỹ trong mùa thu năm nay, đặc biệt tại những tiểu bang có tỉ lệ tiêm chủng thấp.
“Chúng ta đang tiến đến một mùa thu rất nguy hiểm, nhiều vùng lớn của Mỹ vẫn chưa tiêm chủng xong, biến thể Delta đang lây lan nhanh chóng và người dân đang tháo bỏ khẩu trang” – ông Gostin cảnh báo.
58%
Dữ liệu được CDC Mỹ cập nhật tuần này cho thấy biến thể Delta (lần đầu phát hiện ở Ấn Độ) chiếm khoảng 58% số ca nhiễm mới trên toàn nước Mỹ từ ngày 20-6 tới 3-7. Hồi cuối tháng 5, biến thể Delta chỉ chiếm khoảng 3% số ca nhiễm mới ở Mỹ.
WHO ngày 14-7 cho biết đến nay biến thể Delta đã lây lan tới ít nhất 111 quốc gia/vùng lãnh thổ và có thể trở thành “biến thể thống trị” trên toàn cầu “trong những tháng tới”.