27/12/2024

Đắt hơn thế giới, vàng Việt Nam xuất khẩu đi đâu?

Đắt hơn thế giới, vàng Việt Nam xuất khẩu đi đâu?

Giá vàng trong nước luôn cao hơn thế giới nhưng con số xuất khẩu vàng nữ trang, đá quý tăng mạnh, lên hơn 2 tỉ USD mỗi năm khiến nhiều người bất ngờ.
Kim ngạch xuất khẩu đá quý, kim loại quý mỗi năm trên 2 tỉ USD /// Ảnh: Ngọc Thắng

Kim ngạch xuất khẩu đá quý, kim loại quý mỗi năm trên 2 tỉ USD ẢNH: NGỌC THẮNG

Xuất khẩu hơn 2 tỉ USD mỗi năm

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng đá quý, kim loại quý và sản phẩm năm 2019 là 2,1 tỉ USD (tăng 231,2% so với cùng kỳ năm 2018), năm 2020 là 2,6 tỉ USD, chủ yếu là mặt hàng đồ kỹ nghệ và các bộ phận của đồ kỹ nghệ bằng vàng, đã hoặc chưa mạ hoặc dát phủ kim loại quý, có hàm lượng vàng dưới 95%.
Hiện Việt Nam có 469 doanh nghiệp hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu mặt hàng gồm ngọc trai, đá quý, đá bán quý và các sản phẩm của chúng; đồ trang sức làm bằng chất liệu khác; tiền kim loại. Về thị trường nhập khẩu, Hồng Kông có tốc độ nhập khẩu kim loại quý, đá quý của Việt Nam tăng chóng mặt. Năm 2020, Hồng Kông nhập lên tới 2,03 tỉ USD, tăng gấp 45 lần so với cùng kỳ năm 2019 là 45 triệu USD.
Ngược lại, thị trường Thụy Sĩ sụt giảm mạnh, từ mức 1,38 tỉ USD xuống còn 103 triệu USD. Ngoài 2 thị trường này, mặt hàng đá quý, kim loại quý của Việt Nam còn xuất sang các nước như Mỹ, Nhật, Pháp, Bỉ, Hàn Quốc, Úc, Thái Lan…
Năm 2021, con số xuất khẩu mặt hàng này sụt giảm mạnh. Tính từ đầu năm đến giữa tháng 5, kim ngạch xuất khẩu đá quý, kim loại quý đạt 252,2 triệu USD, giảm 37% so với cùng kỳ 2020, cùng kỳ đạt 400 triệu USD. Thị trường Hồng Kông giảm 7 lần so với cùng kỳ năm ngoái, chỉ đạt 10,3 triệu USD và không còn là nước xuất nhập khẩu lớn nhất mặt hàng này của VN. Thay vào đó, Mỹ trở thành nước nhập khẩu đá quý, kim loại quý lớn nhất với kim ngạch 124 triệu USD, tăng 42,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Điều đáng nói, trong suốt 2 năm qua, khi xuất khẩu đá quý, kim loại quý lên đến hàng tỉ USD thì giá vàng trong nước cao hơn thế giới duy trì 2 năm nay ở mức từ 5 – 8 triệu đồng/lượng. Chẳng hạn ngày 16.7, giá vàng miếng SJC cao hơn thế giới 6,7 triệu đồng/lượng, Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn – SJC mua vào 56,75 triệu đồng/lượng và bán ra 57,5 triệu đồng/lượng (giảm 50.000 đồng/lượng so với ngày trước đó). Giá vàng quốc tế ở mức 1.823 USD/ounce (giảm 4 USD/ounce), tương đương 50,76 triệu đồng/lượng. Theo logic thì nếu vàng trong nước cao hơn vàng thế giới, vàng ngoại sẽ tìm cách thẩm lậu kiếm lợi nhuận. Thế nhưng vàng trong nước cao hơn thế giới rất nhiều, kim ngạch xuất khẩu vẫn tăng là điều rất lạ

Vẫn chật vật tìm nguyên liệu

Lý giải hiện tượng lạ này, ông Huỳnh Trung Khánh, Phó chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam, cho rằng giá vàng trong nước hiện đang tồn tại 2 mức giá khác nhau đối với vàng cùng chất lượng 4 số 9, đó là vàng miếng SJC và trang sức. Vàng miếng SJC mới có giá cao hơn thế giới từ 5 – 8 triệu đồng/lượng tùy từng thời điểm, còn vàng nữ trang cao hơn từ vài trăm đến 1 – 2 triệu đồng/lượng.
Nên cho phép các doanh nghiệp xuất khẩu vàng nhập khẩu nguyên liệu để sản xuất. Việc này hoàn toàn có thể kiểm soát được, nhà nước thu được nguồn ngoại tệ mà không bị tác động giá trên thị trường.
TS Nguyễn Đức Độ
Nhưng không phải lúc nào vàng trong nước cũng cao hơn thế giới. Một số thời điểm giá vàng thế giới biến động mạnh, trong nước không theo kịp dẫn đến thấp hơn 500.000 – 1 triệu đồng/lượng, điều này đã từng xảy ra vào tháng 6.2020. Đây là thời điểm các doanh nghiệp chốt giá vàng xuất khẩu, sau đó thực hiện sản xuất và xuất đi. Ngược lại, từ đầu năm tới nay, giá vàng trong nước cao hơn thế giới việc xuất khẩu vàng sẽ giảm lại. “Dù mang về hàng tỉ USD mỗi năm, nhưng giới kinh doanh vàng phải xoay xở tìm nguồn nguyên liệu sản xuất trong nước thay vì được nhập giá rẻ”, ông Khánh nói.
Ông Huỳnh Trung Khánh dự báo khả năng năm nay kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này sẽ không được cao như những năm trước bởi giá kim loại quý liên tục ở mức cao hơn quốc tế nên gặp không ít khó khăn. Thêm vào đó, Bộ Tài chính đang dự tính tăng thuế xuất khẩu các mặt hàng này từ 0% lên 2%. Trong trường hợp áp dụng mức thuế suất xuất khẩu lên 2%, các doanh nghiệp xuất khẩu sẽ không thể nào cạnh tranh nổi bởi theo danh mục thuế suất WTO, các nước xuất khẩu nữ trang đá quý đều có thuế suất bằng 0%.
Hiện Việt Nam là một trong 5 nước khu vực ASEAN xuất khẩu kim loại quý, đá quý lớn. Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam cao hơn Philippines, nhưng lại thấp hơn Thái Lan đến 7 tỉ USD mỗi năm. Hay Campuchia, vài năm gần đây thị trường vàng nước này hết sức sôi động, lượng vàng xuất khẩu khá lớn lên 2 – 3 tỉ USD trong năm 2020 (tăng hơn 700% so với cùng kỳ năm trước và chiếm khoảng 25% tổng kim ngạch). Từ đầu năm đến nay, lượng vàng nhập khẩu của Campuchia lên 20 – 30 tấn, doanh số xuất nhập khẩu tăng lên nhiều so với trước, trong khi dân số chỉ khoảng 15 triệu người. VN và Campuchia có chung đường biên giới nên việc hạn chế xuất nhập khẩu chính thức sẽ thúc đẩy các hình thức không chính thức tăng cao.
TS Nguyễn Đức Độ, Phó viện trưởng Viện Kinh tế tài chính (Học viện Tài chính), cũng đánh giá việc vàng trong nước cao hơn vàng thế giới tới 5 – 7 triệu đồng/lượng, nhưng vẫn đạt kim ngạch tỉ USD là do có những thời điểm các đơn vị canh mua được giá thấp để làm hàng xuất khẩu.
Theo ông Độ, kim ngạch lên đến 2 tỉ USD là điều đáng mừng, thế nhưng đã đến lúc rút ngắn lại khoảng cách giá vàng trong và ngoài nước, nếu không sẽ dẫn đến hiện tượng buôn lậu. Thực tế, vàng miếng SJC cao hơn quốc tế 6 – 8 triệu đồng mỗi lượng là quá cao dù mức này khiến thị trường trầm lắng, người dân không tranh mua vàng như trước đây, góp phần vào mục tiêu chống vàng hóa nền kinh tế của Chính phủ.
THANH XUÂN
TNO