28/12/2024

Trong trường hợp trở thành F, bạn cần làm gì?

Trong trường hợp trở thành F, bạn cần làm gì?

Bác sĩ Trương Hữu Khanh, chuyên gia dịch tễ, nguyên trưởng Khoa Nhiễm – Thần kinh Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), hướng dẫn các ứng xử trong trường hợp một người trở thành F0, F1:
 /// Shutterstock
Shutterstock
1. Nếu bạn là F0 không triệu chứng và đang ở trong khu cách ly, thì cần:
– Uống đủ nước, uống nước đều trong ngày.
– Đeo khẩu trang nhiều nhất có thể.
– Tự vệ sinh và giữ thông thoáng trong phòng cách ly.
– Cẩn thận khi vào nhà vệ sinh, đeo khẩu trang khi đi vệ sinh; nhớ rửa tay sạch sau khi đi vệ sinh, giữ vệ chung trong khu nhà vệ sinh.
– Bình tĩnh, cố gắng nghỉ ngơi và vận động như ở nhà, không nằm suốt ngày.
– Khi có triệu chứng gì khó chịu, bình tĩnh báo cho nhân viên y tế. Có thể bạn sẽ chứng kiến trong phòng nhiều người chuyển đến, nhiều người chuyển đi cũng là hiện tượng bình thường.
2. Nếu bạn là F0 nhưng chưa được chuyển đến khu cách ly, thì cần:
– Bình tĩnh chờ và thực hiện giống như trong khu cách ly.
– Phải giữ khoảng cách trên 2 m (ảnh) và luôn đeo khẩu trang đúng, mang tấm che giọt bắn vì có thể bạn sẽ lây thêm cho thành viên khác trong gia đình.
3. Nếu bạn là F1 trong khu cách ly, rất có thể bạn chưa bị lây nhiễm Covid-19. Vì thế, để tránh lây nhiễm chéo, thì cần:
– Thường xuyên đeo khẩu trang đúng, đeo tấm che giọt bắn.
– Hạn chế tối đa mặt đối mặt, không tiếp xúc gần dưới 2 m với người khác.
– Nên tự theo dõi nhiệt độ.
– Uống nhiều nước, súc miệng, rửa tay, giữ vệ sinh như F0 trong khu cách ly.
– Phòng cách ly cần được thông thoáng là rất quan trọng.
4. Nếu bạn là F1 nhưng chưa được đi cách ly, thì cần:
– Thực hiện đúng các biện pháp cách ly tại nhà theo quy định và hướng dẫn của cơ quan y tế. Bạn có thể chuyển thành F0 nên hoàn toàn có thể lây cho các thành viên khác trong gia đình. Chính vì vậy, cần thực hiện mọi việc giống như F0 mà chưa đi cách ly.
– Luôn nhớ đeo khẩu trang đúng, đeo tấm che giọt bắn và giữ khoảng cách trên 2 m khi tiếp xúc.
5. Nếu trong gia đình có người là F0, thì cả nhà là F1 nhưng có thể chưa lây cho nhau nên thực hiện như F1 và chờ.
6. Nếu trong cơ quan có người F0, F1, thì phải nhớ lại lịch sử tiếp xúc để biết mình là F nào.
7. Nếu bạn là F2, thì cần bình tĩnh tự phòng bệnh cho bản thân, phòng bệnh cho người nhà và chờ kết quả F1.
Trường hợp F2 chỉ gặp F1 vài lần và F0 cũng tình cờ gặp F1, thì yên tâm nếu F1 âm tính trước khi vào khu cách ly hay cách ly tại nhà.
8. Trường hợp ở khu phố, hàng xóm có F0, F1: Khi đó, cần bình tĩnh và hiểu biết rằng vi rút không bao giờ tự nhiên đi vào nhà và tấn công cơ thể mình. Chỉ có tiếp xúc trực tiếp dưới 2 m và không có phòng hộ khuôn mặt mới bị lây bệnh.
9. Nếu bạn là F vừa cách ly vừa làm việc vừa sản xuất, thì cần:
– Tiếp tục 5K, hạn chế tiếp xúc mặt đối mặt và luôn giữ khoảng cách 2 m khi tiếp xúc, mang khẩu trang.
– Không tụ tập ăn uống chung.
– Mang khẩu trang đúng trong lúc đi vệ sinh, rửa tay ngay sau khi đi vệ sinh.
– Không đưa tay lên vùng mũi, miệng.
– Điều độ trong sinh hoạt, uống đủ nước, ngủ đủ giấc để có sức khỏe tốt.
– Bình tĩnh, khi có triệu chứng sốt hay hô hấp thì báo ngay cho y tế cơ quan.
KHẢI LINH
TNO