28/12/2024

Từ cảnh báo của WHO: Khi nào được tiêm ‘trộn’ các loại vắc xin?

Từ cảnh báo của WHO: Khi nào được tiêm ‘trộn’ các loại vắc xin?

Trưởng nhóm khoa học WHO đã lên tiếng làm rõ vấn đề tiêm kết hợp các loại vắc xin, sau khi tuyên bố trước đó khiến nhiều người “hiểu lầm” và lo lắng.

 

Từ cảnh báo của WHO: Khi nào được tiêm ‘trộn’ các loại vắc xin? - Ảnh 1.

Vắc xin của Pfizer-BioNTech và vắc xin của AstraZeneca – Ảnh: Reuters

Do thông tin gây hiểu lầm từ WHO nên nhiều nước cũng lúng túng trong việc triển khai chính sách tiêm trộn vắc xin này, trong đó có Việt Nam.

“Cơ quan y tế công cộng có thể quyết định”

Trong bối cảnh một số quốc gia như Đức, Canada, Thái Lan… chọn cách tiếp cận tiêm kết hợp vắc xin COVID-19 của các hãng khác nhau, tuần này chuyên gia Tổ chức Y tế thế giới (WHO) lại gây nhiều sự chú ý khi cảnh báo các cá nhân không tiêm kết hợp các loại vắc xin COVID-19 từ những nhà sản xuất khác nhau.

“Đây là một xu hướng có phần nguy hiểm. Chúng ta đang ở trong vùng trống dữ liệu và bằng chứng về việc tiêm trộn lẫn” – tiến sĩ Soumya Swaminathan, trưởng nhóm khoa học WHO, đánh giá hôm 12-7.

Nhận định của nhà khoa học WHO ngay lập tức đã gây ra lo ngại về cách tiêm kết hợp vắc xin. Sau đó, bà Soumya Swaminathan đã lên tiếng giải thích rõ về bình luận của mình trên Twitter.

“Các cá nhân không nên tự quyết định. Còn các cơ quan y tế công cộng có thể quyết định, căn cứ vào dữ liệu hiện có. Đang chờ thêm dữ liệu từ các nghiên cứu về tiêm kết hợp những vắc xin khác nhau. Cả tính sinh miễn dịch và sự an toàn cần được đánh giá” – bà Soumya Swaminathan viết trên Twitter ngày 13-7.

Đài CBC cho biết nếu cơ quan y tế công cộng có thể quyết định về vấn đề tiêm kết hợp vắc xin thì đây cũng chính là những gì đang diễn ra ở Canada. Các chuyên gia ở Canada nói rằng tiêm kết hợp vắc xin theo hướng dẫn của cơ quan y tế nước này vẫn an toàn và hiệu quả.

Theo Hãng tin Reuters, hồi tháng 6, Nhóm chuyên gia cố vấn chiến lược (SAGE) của WHO từng nói rằng có thể sử dụng vắc xin Hãng Pfizer làm liều thứ hai sau khi tiêm liều đầu tiên của AstraZeneca, nếu không thể tiêm liều vắc xin thứ hai của Hãng AstraZeneca do vấn đề nguồn cung hoặc các lo ngại khác.

Việt Nam: Bộ Y tế hướng dẫn rồi “sửa lại”

Ngày 12-7, trong quyết định phân bổ vắc xin trên 746.000 liều Pfizer sẽ về Việt Nam trong tháng 7, Bộ Y tế có hướng dẫn “trường hợp số lượng vắc xin hạn chế thì ưu tiên tiêm vắc xin Pfizer mũi 2 cho những người đã tiêm mũi thứ nhất bằng vắc xin AstraZeneca từ 8 – 12 tuần nếu người tiêm đồng ý”.

Việc WHO khuyến cáo tiêm “trộn” vắc xin là “xu hướng nguy hiểm” trong ngày 12-7 được cho là phần nào ảnh hưởng đến quyết định của Bộ Y tế Việt Nam. Bộ đã đưa ra hướng dẫn mới với thái độ thận trọng hơn.

Theo đó, Bộ Y tế cho biết đến nay Việt Nam đã phê duyệt có điều kiện sử dụng khẩn cấp vắc xin ngừa COVID-19 của các hãng AstraZeneca, Pfizer, Moderna, Sinopharm, Sputnik V… Hiện nay, hướng dẫn của các nhà sản xuất vắc xin đều khuyến cáo sử dụng cùng một loại vắc xin phòng COVID-19 để tiêm đủ liều cho một đối tượng.

Bộ Y tế cũng giải thích do nguồn cung vắc xin phòng COVID-19 rất hạn chế, “việc tiếp cận nguồn cung để có đủ vắc xin tiêm mũi 2 ngay khi đến lịch tiêm cho người đã được tiêm mũi 1 của cùng một loại vắc xin là rất khó khăn”. Do đó, Bộ Y tế cho rằng một số quốc gia đã xem xét và triển khai tiêm mũi 1 vắc xin AstraZeneca và tiêm mũi 2 bằng vắc xin của Pfizer.

“Theo ghi nhận nhanh tại các quốc gia này, việc triển khai tiêm chủng 2 mũi vắc xin khác loại như trên cho cùng một đối tượng vẫn có hiệu lực bảo vệ phòng COVID-19. Tuy nhiên, khi tiêm hai loại vắc xin AstraZeneca và Pfizer có ghi nhận gia tăng một số phản ứng thông thường sau tiêm chủng” – báo cáo của Chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia cho biết.

“Bộ Y tế sẽ tiếp tục phân bổ các loại vắc xin phòng COVID-19 của AstraZeneca, Pfizer, Moderna, Sinopharm… để tổ chức tiêm chủng theo chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19, hướng tới mục tiêu đạt được độ bao phủ vắc xin cho hơn 70% người dân. Theo khuyến cáo của WHO và các nhà sản xuất, tốt nhất mỗi người tiêm đủ liều của cùng một loại vắc xin phòng COVID-19” – Bộ Y tế hướng dẫn.

Theo Bộ Y tế, chỉ trong trường hợp số lượng vắc xin hạn chế thì ưu tiên sử dụng vắc xin của Pfizer để tiêm mũi 2 cho những người đã tiêm mũi thứ nhất bằng vắc xin AstraZeneca từ 8 – 12 tuần nếu người được tiêm chủng đồng ý. Những trường hợp tiêm chủng như vậy phải được theo dõi sức khỏe chặt chẽ hơn sau khi tiêm chủng.

Cho đến nay Việt Nam đã tiếp nhận số vắc xin AstraZeneca nhiều hơn khoảng 8 lần so với Pfizer, số lượng AstraZeneca đặt mua và được COVAX cung cấp cũng nhiều hơn Pfizer và các vắc xin khác, việc tiêm “trộn” trong khi chưa rõ về nguy cơ có thể làm tăng nguy cơ tai biến sau tiêm.

4 triệu

Tại Việt Nam, Bộ Y tế cho biết đến ngày 14-7 tổng số mũi tiêm đã thực hiện là khoảng 4 triệu, trong đó số người được tiêm mũi 1 vắc xin AstraZeneca là trên 3,7 triệu người, số người được tiêm đủ 2 mũi vắc xin AstraZeneca hơn 280.000 người.

 

Vắc xin Pfizer cho trẻ em Việt Nam có gì khác?

kid-gets-covid-vaccine-connecticut-childrens-may-2021 2(read-only)

Tiêm vắc xin cho trẻ em nh minh họa: AFP

Ngày 14-7, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long có cuộc làm việc trực tuyến với ông John Paul Pullicino – tổng giám đốc Công ty TNHH Pfizer Việt Nam.

Tại cuộc họp, Bộ Y tế đã thỏa thuận, đàm phán ban đầu với Pfizer về việc cung ứng, bổ sung cho Việt Nam 20 triệu liều vắc xin COVID-19 để tiêm chủng cho trẻ em từ 12 – 17 tuổi. Việt Nam hiện có khoảng 9 triệu trẻ em trong độ tuổi này.

Phía Pfizer cam kết đảm bảo cung ứng 20 triệu liều vắc xin này trong quý 4-2021, để Việt Nam kịp thời triển khai tiêm chủng. Ngoài vắc xin cho trẻ em, Pfizer cũng sẽ cung ứng cho Việt Nam khoảng 1 triệu liều vắc xin COVID-19 trong tháng 7, cùng 3,4 triệu liều trong hai tháng 8 và 9. Tiếp đó, khoảng 27 triệu liều vắc xin còn lại sẽ được cung ứng trong quý 4-2021.

Như vậy, cùng với 20 triệu liều vắc xin COVID-19 bổ sung để tiêm cho trẻ em, tổng cộng đến hết năm 2021 Pfizer sẽ cung ứng khoảng 50 triệu liều vắc xin COVID-19 cho Việt Nam.

Trả lời về việc vắc xin cho trẻ em có khác gì so với vắc xin dành cho người lớn, đại diện Bộ Y tế cho biết ở sản phẩm cụ thể của Pfizer thì không có gì khác, nhưng đây là một trong số ít ỏi vắc xin ngừa COVID-19 có chỉ định sử dụng cho trẻ em từ 12 tuổi.

Pfizer cho biết vắc xin COVID-19 của hãng dành cho người từ 12 – 17 tuổi có thành phần liều lượng giống như loại sử dụng cho người lớn đã được phê duyệt. Hãng dược Mỹ khẳng định vắc xin an toàn và hiệu quả để sử dụng cho trẻ em từ 12 tuổi trở lên.

Các cơ quan chức năng ở Mỹ, cụ thể là Bộ Y tế và dịch vụ nhân sinh Mỹ, các hiệp hội hàng đầu về y khoa ở Mỹ, các chuyên gia về y tế cộng đồng đã cùng nhấn mạnh tính an toàn và hiệu quả của vắc xin Pfizer vượt trội so với tác dụng phụ. Họ kêu gọi tất cả những ai từ 12 tuổi trở lên, đủ điều kiện tiêm các loại vắc xin được cấp phép khẩn cấp, hãy đi tiêm phòng COVID-19.

Cho đến nay, Mỹ, Canada, Cơ quan quản lý dược châu Âu (EMA), Israel… cũng đã phê duyệt cho phép sử dụng vắc xin của Pfizer cho trẻ em từ 12 tuổi trở lên.

Nếu trẻ em được tiêm vắc xin, mục tiêu đạt được miễn dịch cộng đồng sẽ bớt thách thức hơn. Báo The New York Times vừa thăm dò 723 chuyên gia dịch tễ học về chuyện khi nào nước Mỹ có thể trở lại bình thường và bằng cách nào. Câu trả lời chung là đại dịch sẽ không kết thúc trừ khi có thêm người được tiêm chủng, bao gồm cả trẻ em.

LAN ANH – HỒNG VÂN

LAN ANH – BẢO ANH
TTO