Sản xuất bị sụt giảm tới 50%
Sáng hôm qua 13.7, ông Lương Vạn Vinh, Tổng giám đốc Công ty CP hóa mỹ phẩm Mỹ Hảo, thông báo cho gần 20 công nhân tại phân xưởng sản xuất tạm ngưng làm việc, về
khai báo y tế tại địa phương,
xét nghiệm Covid-19 và tự cách ly tại nhà 3 tuần. Lý do là vợ của một nam công nhân trong xưởng này (bán tạp hóa tại nhà) bị nghi dương tính. Từ đầu mùa dịch đến nay, chưa có ca F0 nào “lọt” vào nhà xưởng Mỹ Hảo nhưng liên quan thì nhiều, nên buộc phải cho công nhân tạm nghỉ việc, tự cách ly tại nhà liên tục. Đến nay, đã có 40 công nhân đang tạm cách ly 3 tuần tại nhà trong tổng số 200 công nhân. Để an toàn cho sản xuất thì bắt buộc công ty phải cho nguyên phân xưởng đó tạm ngưng làm việc để xét nghiệm và tự cách ly. Đồng thời nhằm bảo toàn lực lượng trong mùa dịch đang leo thang, Mỹ Hảo cũng phải trang bị mùng mền, bố trí cho công nhân làm việc và ở lại luôn, không đi đi về về giữa nhà máy và nhà.
Hàng trăm doanh nghiệp thực hiện “3 tại chỗ”
Ngày 13.7, theo thống kê sơ bộ trên địa bàn Bình Dương có trên 110 doanh nghiệp (DN) thực hiện phương án “3 tại chỗ” (ăn, ngủ, sản xuất tại chỗ) nhằm đảm bảo chuỗi cung ứng hàng hóa và bảo vệ công nhân trước dịch bệnh. Theo bà Nguyễn Kim Loan, Chủ tịch LĐLĐ Bình Dương, thực hiện chủ trương đã có khoảng 70 DN (có tổ chức công đoàn) trên địa bàn bố trí cho công nhân ở lại công ty để vừa sản xuất, vừa phòng chống dịch
Covid-19 với gần 35.000
người lao động. Các công nhân ở lại công ty được chăm lo cơm 3 bữa/ngày và hỗ trợ trung bình từ 1 – 3 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, theo thống kê của KCN Việt Nam –
Singapore, đến ngày 13.7 có 42 DN đăng ký tổ chức cho công nhân ở lại DN để phòng chống dịch Covid-19.
Tương tự, tại Đồng Nai, ngay từ giữa tháng 6.2021, nhận thấy tình hình dịch bệnh phức tạp, nguy cơ lây nhiễm cao nên UBND tỉnh đã vận động hàng ngàn công nhân làm việc tại Đồng Nai nhưng sống ở TP.HCM và Bình Dương tạm thời lưu trú lại Đồng Nai để thực hiện “mục tiêu kép”, vừa sản xuất vừa chống dịch.
Còn tại Bà Rịa-Vũng Tàu, ông Nguyễn Anh Triết, Trưởng ban Quản lý các KCN tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, cho biết hiện nay đã có nhiều DN bố trí chỗ ăn, nghỉ tại nơi làm việc cho người lao động để vừa duy trì hoạt động sản xuất
kinh doanh, vừa phục vụ công tác phòng, chống dịch theo phương châm “4 tại chỗ” (lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ, chỉ huy tại chỗ). Nhờ chủ động tốt các phương án nên tính đến thời điểm này chưa có trường hợp lây nhiễm dịch Covid-19 trong các KCN ở Bà Rịa-Vũng Tàu.
Đỗ Trường – Lê Lâm – Nguyễn Long
Riêng với bộ phận giao hàng, chế độ phòng dịch càng được “siết” hơn như xét nghiệm thường xuyên. Thậm chí khi giấy xét nghiệm rơi vào ngày cuối tuần, công ty cũng động viên tài xế và nhân viên giao hàng ráng thuyết phục khách nhận hàng ngày cuối tuần, vì nếu để chuyển sang ngày thứ ba, giấy xét nghiệm ngày thứ sáu bị bỏ… “Bấy lâu nay sản xuất mà tâm trạng quá hồi hộp, nghe ca F1 liên quan đã lo lắng, nên việc đầu tư thêm chăn màn để các công nhân nữ yên tâm ở lại làm việc, công ty trả tăng lương để họ có thể “gánh” thêm việc cho các bộ phận khác đang tạm phải ngưng hoạt động…”, ông Lương Vạn Vinh chia sẻ thêm.
Chưa rơi vào tình trạng bị
phong tỏa, nhưng theo ông Trần Việt Anh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần XNK Nam Thái Sơn (KCN Cát Lái, TP.HCM), hoạt động sản xuất đã bị ảnh hưởng gần 50% do có một nửa trong tổng số 600 lao động của công ty đang sinh sống ở Bình Dương. Vì vậy khi dịch diễn biến phức tạp ở TP.HCM và hiện nay lan cả Bình Dương thì nhiều công nhân không thể đến nhà máy được mà phải tuân thủ quy định ở nhà, thực hiện giãn cách. Đó là chưa kể các đối tác cung ứng vật tư, giao nhận… đều gặp nhiều khó khăn, thiếu người nên tác động dây chuyền. Công ty này đã phải thuê một kho gần nhà máy để cho khoảng 200 công nhân ăn ở tại chỗ nhưng nếu tình trạng kéo dài cũng chưa biết có trụ nổi không. Bởi là kho nên việc đảm bảo vệ sinh, giặt giũ và ngay cả chuyện ăn uống cho công nhân cũng đang rất khó khi rau xanh bị khan hiếm.
Ông Trần Việt Anh cho biết thêm: Các công ty giao nhận đa số ở Bình Dương, Đồng Nai nay muốn vô nhà máy nhận hàng thì tài xế phải có giấy xét nghiệm âm tính, cứ khoảng 3 – 4 ngày làm xét nghiệm 1 lần nên tài xế nản, nhiều người bỏ làm. Thiếu công nhân thì công suất giảm, nhưng mà hàng làm ra cũng không có đơn vị giao nhận, xếp hàng xuống tàu. Trong khi đó lịch tàu đã đặt chỗ thì đi đúng ngày, trễ là mất tiền. Trước đây tuần này không xuất hàng được thì sang tuần sau. Nhưng giờ cước tàu leo thang, chỗ thì giành giật nên nếu tuần này không xuất được thì một tháng sau chưa chắc có tàu. Đối tác nước ngoài cũng có thể thông cảm 1 – 2 lần trong ngắn hạn nhưng nếu kéo dài thì đơn hàng bị hủy. Trong khi đó, các đối thủ ở
Trung Quốc vẫn đang sản xuất bình thường, mình không có hàng giao họ sẵn sàng nhảy vào cung cấp ngay và như vậy sẽ mất luôn khách hàng.
Nỗ lực vượt Covid-19
Tình trạng vừa sản xuất vừa lo lắng không biết khi nào đến lượt công ty bị cách ly, đảm bảo đời sống của công nhân thế nào, đang diễn ra ở hầu hết các doanh nghiệp. Ông Phạm Thanh Hùng, Giám đốc Công ty cổ phần Ba Huân, cho biết với số lượng nhân sự lên đến gần cả ngàn người thì hiện nay áp lực để bảo đảm an toàn
sức khỏe cho nhân sự để không bị ca F0 lọt vào trong nhà máy, văn phòng là rất lớn. Đặc biệt, hiện nay nhu cầu thị trường trong mùa dịch tăng cao hơn nên công ty cũng phải gia tăng công suất. Các biện pháp phòng ngừa dịch được công ty triển khai rất sớm như thành lập ban phòng chống dịch; phân tách các bộ phận làm việc độc lập như chăn nuôi, sản xuất, văn phòng riêng biệt. Hay khối công nhân làm việc lĩnh vực chăn nuôi là “nội bất xuất ngoại bất nhập”. Trong các trang trại, công ty bố trí khu ở lại cho công nhân bên trong, độc lập với bên ngoài, sát khuẩn hằng ngày. Đối với bộ phận kinh doanh như xe chở trứng, nhân viên giao hàng… cũng được trang bị các thiết bị bảo hộ, thực hiện nghiêm các quy định của
Bộ Y tế trong chuỗi sản xuất, được xét nghiệm thường xuyên. Với khối văn phòng thì làm việc giãn cách, hạn chế đi lại, lĩnh vực nào không cần thiết cho làm việc tại nhà. “Với cách điều hành tách bạch và kỹ mọi khâu hoạt động, may mắn đến bây giờ Ba Huân vẫn bảo toàn lực lượng và tiếp tục sản xuất, kinh doanh để không bị đứt gãy chuỗi cung ứng. Tuy nhiên, với tình hình hiện tại, tinh thần cảnh giác với dịch càng phải nâng cao hơn nữa”, ông Phạm Thanh Hùng chia sẻ.
Hay với Công ty cổ phần thực phẩm Sao Ta đang đóng trụ sở tại Sóc Trăng thì hằng ngày cũng hồi hộp với thông tin dịch bệnh từ các tỉnh thành xung quanh và chạy đua trong hoạt động. Chẳng hạn trại tôm sắp thu hoạch nhưng bất ngờ xã kế bên có người từ TP.HCM về kiểm tra dương tính
Covid-19 nên trại phải tranh thủ thu hoạch càng nhanh càng tốt. Khi đó hai nhà máy nội bộ phải tập trung chế biến nguyên liệu ổn thỏa. Nhóm lái xe giao hàng các cảng trên TP.HCM thì được sắp xếp chỗ nghỉ tại chỗ, không về nhà cho tới khi có tình hình mới… Theo ông Hồ Quốc Lực, Tổng giám đốc Công ty Sao Ta, dù tỉnh Sóc Trăng chưa thực hiện giãn cách như các tỉnh thành khác nhưng công ty vẫn áp dụng chính sách 3 tại chỗ. Đó là làm tại chỗ, ăn tại chỗ và ở tại chỗ cho khoảng 1/3 trong tổng số 4.000 lao động. “Nói chung bây giờ đang vào mùa vụ, chế biến hết công suất, việc giao hàng phải được duy trì liên tục, tránh gãy đổ trong chuỗi cung ứng và tác động xấu chuỗi chế biến. Mọi kế hoạch đều phải có dự phòng cho những kịch bản khác nhau nhưng vẫn hồi hộp”.