Điểm chuẩn vào đại học sẽ có những ngành chạm trần ?
Điểm chuẩn vào đại học sẽ có những ngành chạm trần ?
Hơn 990.000 thí sinh vừa kết thúc kỳ thi tốt nghiệp THPT đợt 1. Theo dự báo của chuyên gia các trường ĐH, điểm chuẩn xét tuyển bằng điểm kỳ thi này năm nay không biến động lớn so với năm 2019, nhưng sẽ cao hơn năm 2020.
Điểm chuẩn sẽ cao hơn năm 2020
Theo tiến sĩ Nguyễn Trung Nhân, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, mặt bằng điểm chuẩn nói chung vào ĐH theo phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT năm nay có thể nhỉnh hơn năm ngoái. Tuy nhiên, mức độ tăng sẽ không nhiều và tùy từng khối ngành cụ thể bởi năm 2019 có mặt bằng điểm chuẩn chung khá cao.
Lý giải nhận định này, tiến sĩ Nhân phân tích dựa trên nhiều yếu tố thực tế. Thứ nhất, đề thi năm nay được nhận định ở mức độ vừa phải, không khó. Trong khi đó, các trường ĐH năm nay tiếp tục sử dụng nhiều phương thức tuyển sinh, đặc biệt số lượng thí sinh (TS) tham dự và xét tuyển bằng kỳ thi đánh giá năng lực ĐH Quốc gia TP.HCM tăng mạnh. Do vậy, TS xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp sẽ cạnh tranh nhiều, điểm chuẩn sẽ tiếp tục nhỉnh hơn năm 2020 tùy ngành.
Tiến sĩ Nguyễn Quốc Anh, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, cũng có nhận định tương tự. Theo tiến sĩ Quốc Anh, nhìn chung độ khó của đề thi năm nay vừa tầm, nội dung bám sát kiến thức sách giáo khoa và có tính phân hóa cao. “Mặc dù đề thi một số môn như ngữ văn, giáo dục công dân có phần ngữ liệu, câu hỏi tình huống khá dài nhưng không có câu hỏi “bẫy”, đánh đố TS. Do đó, dự kiến phổ điểm chung của kỳ thi tập trung chủ yếu ở mức 6 – 8 điểm/môn. Phần lớn phổ điểm tổ hợp 3 môn của TS dự kiến ở khoảng 17 – 19 điểm”, ông Quốc Anh phân tích. Từ đó, ông dự đoán điểm chuẩn đa phần các trường ĐH sẽ trong khoảng 16 – 20. Riêng một số trường tốp trên thuộc khối công an, quân đội, y dược, ngoại thương điểm chuẩn vẫn ở mức cao và có những ngành chạm “trần”.
|
Ngành “nóng” chỉ tăng 0,5 – 1 điểm
Theo tiến sĩ Nguyễn Trung Nhân, tổng nguyện vọng TS đăng ký xét tuyển vào Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM bằng điểm thi tốt nghiệp năm nay tăng nhiều so với năm ngoái. Trong khi đó, hồ sơ xét tuyển vào trường bằng học bạ và điểm thi đánh giá năng lực cũng khá tốt. Nên trong số 8.000 chỉ tiêu tại cơ sở TP.HCM, trường dự kiến dành khoảng 60% chỉ tiêu xét điểm thi (thấp hơn khoảng 10% so với năm 2020).
Trên cơ sở đó, tiến sĩ Trung Nhân dự đoán điểm chuẩn của trường có thể tăng từ 0,5 – 1 điểm ở các ngành “nóng” như: công nghệ thông tin, quản trị kinh doanh, công nghệ kỹ thuật ô tô… Trong khi đó, nhiều ngành điểm chuẩn có thể tương đương năm 2020 như: nhóm ngành môi trường, xây dựng công trình giao thông… Năm ngoái điểm chuẩn ngành cao nhất của trường này là marketing với 24,5 điểm.
Tiến sĩ Trần Thanh Thưởng, Trưởng phòng Công tác sinh viên và tuyển sinh Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, cho rằng điểm chuẩn theo phương thức xét điểm thi tốt nghiệp của trường có thể theo 2 hướng tùy khối ngành. Do TS đăng ký vào các ngành kinh tế của trường tăng đột biến nên điểm chuẩn có thể tăng từ 0,5 – 1 điểm so với năm trước. Nhưng ngược lại, năm nay TS đăng ký xét tuyển các ngành khối công nghệ có xu hướng giảm, điểm chuẩn có thể giảm khoảng 0,5 điểm hoặc tương đương năm ngoái. Robot và trí tuệ nhân tạo là ngành có điểm chuẩn cao nhất năm trước, trung bình 9 điểm/môn.
Tiến sĩ Thưởng phân tích thêm, điểm chuẩn cụ thể còn phụ thuộc vào chất lượng TS và tình hình TS nhập học thực tế bằng các phương thức xét học bạ, ưu tiên xét tuyển. Năm ngoái trường dành 50% chỉ tiêu xét điểm học bạ nhưng tỷ lệ nhập học thực tế chỉ đạt khoảng 25%, do vậy chỉ tiêu xét điểm thi tăng lên vào phút cuối. Năm nay TS nhập học bằng học bạ dự kiến nhiều hơn với khoảng 30 – 35%. Như vậy, mức độ cạnh tranh của TS xét tuyển bằng điểm thi cũng cao hơn vì chỉ tiêu phương thức này thấp hơn trong khi tổng số nguyện vọng đăng ký lại cao hơn.
Với Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, theo tiến sĩ Nguyễn Quốc Anh, điểm chuẩn xét theo điểm thi tốt nghiệp các năm thông thường cao hơn phổ điểm chung từ 2 – 3 điểm. Năm nay điểm chuẩn dự kiến trong khoảng 18 – 20, một số ngành thu hút TS có điểm chuẩn nhỉnh hơn 1 – 2 điểm. Các ngành điểm chuẩn cao nhất của trường gồm: quản trị kinh doanh, kinh doanh quốc tế, thương mại điện tử, công nghệ thông tin…
|
Điểm chuẩn khối ngành tự nhiên không cao hơn năm ngoái
Nhiều chuyên gia cho rằng với mức độ của đề thi năm nay, điểm chuẩn các ngành tổ hợp môn khoa học tự nhiên sẽ khó cao hơn năm ngoái. Trong khi đó, điểm chuẩn các ngành khối khoa học xã hội có thể sẽ cao hơn.
Theo tiến sĩ Phạm Hồng Danh, Chủ tịch Hội đồng sáng lập Trường THPT Vĩnh Viễn, qua việc tiếp cận và giải đề thi, có thể thấy năm nay điểm thi tổ hợp môn khoa học tự nhiên sẽ không cao hơn năm ngoái, từ đó điểm chuẩn của các ngành xét tuyển tổ hợp môn này sẽ không tăng lên.
Theo tiến sĩ Danh, môn vật lý và hóa học năm nay có độ khó gần như tương đương năm ngoái. Đề thi có khoảng 4 – 5 câu khó, trong đó có 2 câu rất khó để phân loại TS. Mặc dù vậy, TS vẫn không khó khăn để lấy điểm khá. Tuy nhiên, đề thi môn toán năm nay lại hơi đặc biệt vì có 2 câu cực kỳ khó. Trong đó, rất hiếm TS giải được câu khảo sát hàm số.
Trong khi đó đề thi môn lịch sử, địa lý, giáo dục công dân rất dễ, dễ hơn năm ngoái. Môn tiếng Anh cũng tương tự. Vì vậy, theo tiến sĩ Danh, năm nay điểm chuẩn các ngành xét tuyển tổ hợp khoa học xã hội sẽ cao hơn năm ngoái. Đặc biệt là khối D1, điểm chuẩn sẽ cao. Điểm chuẩn xét tuyển khối A có khả năng thấp hơn, nhưng không nhiều. Nhờ có môn tiếng Anh đề thi dễ nên điểm chuẩn khối A1 có thể sẽ cao hơn khối A.
HÀ ÁNH ĐĂNG NGUYÊN
TNO