Phối hợp ràng buộc pháp lý với Trung Quốc
Phối hợp ràng buộc pháp lý với Trung Quốc
Đó là nhận xét của nhiều chuyên gia về luật quốc tế khi trả lời Thanh Niên xoay quanh các biện pháp cần thiết để Trung Quốc phải tuân thủ luật pháp quốc tế ở Biển Đông.
Trả lờiThanh Niên, một thẩm phán Tòa luật biển quốc tế (ITLOS) đã đánh giá về diễn biến giữa các bên kể từ khi Tòa trọng tài quốc tế, được thành lập theo Công ước LHQ về luật Biển (UNCLOS) 1982, ngày 12.7.2016 đã đưa ra phán quyết bác bỏ tuyên bố bản đồ “đường lưỡi bò” của Trung Quốc ở Biển Đông.
Bắc Kinh vi phạm luật pháp quốc tế
Ông cho rằng Trung Quốc đã vi phạm nhiều nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, nên nước này cùng các cơ quan tư vấn chính sách cho Bắc Kinh đều lập luận Trung Quốc không bị ràng buộc bởi phán quyết của tòa trọng tài. Ngược lại, nhiều nước như Mỹ, Philippines đã nhấn mạnh tính ràng buộc của phán quyết trên đối với Trung Quốc, đồng thời thách thức các hành động của Trung Quốc.
Theo vị thẩm phán, một số nước đã thể hiện sự phản ứng bằng cách đệ trình các văn bản lên LHQ để phản đối Trung Quốc về Biển Đông. Trong khi đó, khối ASEAN vẫn chưa có sự đồng thuận cần thiết trong vấn đề này. Và có lẽ sắp tới phải chờ đợi tiến trình đàm phán của Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC).
Cũng trả lời Thanh Niên, GS James Kraska (chuyên gia về luật Hàng hải quốc tế – Đại học Hải chiến Mỹ) cho rằng: “Các quốc gia phải hợp tác để khiến Trung Quốc phải trả giá nếu không tuân thủ luật pháp quốc tế. Tuy nhiên, điều này không hề dễ dàng bởi các bên tham gia gây áp lực có thể cũng phải gánh chịu tổn thất vì Trung Quốc trả đũa. Cuối cùng, cộng đồng quốc tế cần cùng có lợi ích chung và phối hợp hạn chế tổn thất để gây áp lực tập thể một cách hiệu quả nhằm kiểm soát hành vi của Trung Quốc. ASEAN và các thể chế khác phải cùng phối hợp để cân bằng với Trung Quốc”.
“Khó có một giải pháp duy nhất để khiến Trung Quốc phải tuân thủ luật pháp quốc tế, mà cần phải có một chiến dịch lâu dài, bền bỉ của các quốc gia cùng chí hướng nhằm đối phó với Trung Quốc. Tất nhiên, Bắc Kinh sẽ tìm cách chia rẽ các bên và tiến hành trả đũa, nhưng các nước cần hiểu rằng sự kiên quyết và hành động tập thể mới tạo nên kết quả tốt nhất”, ông Kraska phân tích thêm.
Tiếp tục lên án “đường chín đoạn”
Bên cạnh đó, trả lời Thanh Niên, GS luật quốc tế Jonathan G.Odom, thuộc Trung tâm George C.Marshall về an ninh châu Âu tại Garmisch-Partenkirchen (Đức), chỉ ra: “Thực tế thì luật pháp quốc tế hiện tại không có cơ chế thực thi nào để khiến Trung Quốc tuân thủ các nghĩa vụ theo phán quyết năm 2016 của Tòa trọng tài quốc tế đưa ra đối với Biển Đông”.
“Tuy nhiên, đồng thời một thực tế khác là Trung Quốc cũng không thể khiến các nghĩa vụ pháp lý của nước này theo phán quyết của trọng tài UNCLOS biến mất. Vì vậy, ngày nào Trung Quốc còn coi thường nghĩa vụ theo phán quyết của trọng tài thì có nghĩa Trung Quốc vi phạm luật pháp quốc tế”, GS G.Odom nhận xét và nêu quan điểm: “Trong bối cảnh như vậy, các nước có thể ứng phó bằng cách thường xuyên đưa ra các tuyên bố để khẳng định ủng hộ phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế năm 2016”.
Không những vậy, theo ông các nước có thể làm mất uy tín của Trung Quốc bất cứ khi nào nước này tuyên bố tôn trọng trật tự quốc tế dựa trên luật lệ, bằng cách nhắc nhở Trung Quốc về nghĩa vụ tuân thủ phán quyết của tòa trọng tài.
“Ngoài ra, từng quốc gia có thể hành động theo cách phù hợp với các yếu tố cụ thể của phán quyết. Ví dụ, các nước có thể và nên tiếp tục lên án “đường chín đoạn” của Trung Quốc là không có cơ sở theo luật quốc tế. Các bên có thể tham gia vào các hoạt động hàng không và hàng hải phù hợp với phán quyết của trọng tài, chẳng hạn như bằng cách hoạt động theo những cách không công nhận bất kỳ yêu sách hàng hải hợp pháp nào xung quanh các đảo nhân tạo do Trung Quốc xây dựng”, GS G.Odom đề xuất.
HOÀNG ĐÌNH
TNO