24/11/2024

Biến chủng Delta đe doạ phục hồi kinh tế

Biến chủng Delta đe doạ phục hồi kinh tế

Các nền kinh tế G20 lo ngại biến chủng Delta gây Covid-19 sẽ kìm hãm quá trình phục hồi kinh tế toàn cầu.
Người dân chờ tiêm vắc xin tại TP.Guadalupe, Mexico /// Ảnh: Reuters
Người dân chờ tiêm vắc xin tại TP.Guadalupe, Mexico ẢNH: REUTERS
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen hôm qua bày tỏ lo ngại về nguy cơ biến chủng Delta và các biến chủng SARS-CoV-2 mới có thể xuất hiện, ảnh hưởng đến quá trình phục hồi kinh tế toàn cầu.

G20 bật đèn xanh đánh thuế Big Tech

Biến chủng Delta đe dọa phục hồi kinh tế

Các đại biểu tham dự hội nghị chuyên đề về thuế của nhóm G20 tại Venice, Ý ẢNH: REUTERS

 

Theo Hãng thông tấn Đức (DPA), Bộ trưởng Tài chính Đức Olaf Scholz ngày 10.7 cho biết bộ trưởng tài chính các nước G20 trong cuộc gặp tại Ý đã thống nhất về mức thuế toàn cầu tối thiểu với tập đoàn đa quốc gia. Ông Scholz nói việc đạt được thỏa thuận là thời điểm lịch sử trọng đại. Thỏa thuận giúp khép lại nhiều năm tranh cãi về thuế. Sáng kiến sẽ được các nhà lãnh đạo G20 thông qua tại hội nghị thượng đỉnh vào tháng 10 ở Ý.
Theo thỏa thuận, các quốc gia có thể đặt thuế doanh nghiệp ở mức tùy thích, nhưng tối thiểu là 15% và phải đảm bảo các tập đoàn nộp thuế tại nơi cung cấp dịch vụ chứ không chỉ ở quốc gia đặt trụ sở chính. Thỏa thuận đặc biệt nhắm vào tập đoàn công nghệ toàn cầu (Big Tech) như Facebook, Alphabet và Amazon.
Đông A

“Chúng ta là một nền kinh tế toàn cầu gắn kết, những gì xảy ra tại bất cứ nơi nào trên thế giới cũng sẽ ảnh hưởng mọi nước khác”, AFP dẫn lời bà Janet Yellen phát biểu với báo giới sau khi dự hội nghị Bộ trưởng tài chính các nền kinh tế G20 tại Venice (Ý).

Thông cáo chung đưa ra sau hội nghị trên cảnh báo rằng các biến chủng mới đe dọa hy vọng phục hồi kinh tế, đồng thời bày tỏ lo ngại về khác biệt trong tiến độ tiêm vắc xin giữa các nước. Lo ngại chủ yếu là về biến chủng Delta xuất hiện đầu tiên ở Ấn Độ và lây lan nhanh chóng, khiến dịch bùng phát ở châu Á, châu Phi và làm tăng số ca Covid-19 tại Mỹ, châu Âu.
Theo Bộ trưởng Kinh tế Pháp Bruno Le Maire, dự báo về kinh tế tại các thành viên G20 vốn rất tốt. “Điều duy nhất có thể đe dọa sự phục hồi nhanh và chắc chắn là biến chủng và một làn sóng đại dịch mới. Chúng ta phải cải thiện việc tiêm vắc xin ở khắp nơi trên thế giới”, ông kêu gọi. Theo Reuters, Ủy ban Châu Âu tuần qua đã nâng dự báo tăng trưởng kinh tế năm nay của châu Âu lên 4,8%, so với mức dự báo 4,3% trước đó. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cũng dự báo kinh tế Mỹ tăng trưởng 7% trong năm nay nhờ hồi phục kinh tế và các kế hoạch chi tiêu về hạ tầng, xã hội.
Dù các thành viên G20 cam kết sử dụng mọi công cụ đối phó Covid-19, nước chủ tịch luân phiên là Ý cho hay hội nghị cũng đã đồng ý về việc tránh áp dụng các biện pháp giới hạn mới. Song song đó, bộ trưởng tài chính các nền kinh tế G20 vẫn tỏ ra thận trọng khi cam kết “tiếp tục duy trì sự phục hồi, tránh dỡ bỏ sớm các biện pháp hỗ trợ”.
Bộ trưởng về vắc xin Anh Nadhim Zahawi hôm qua khẳng định nước này tự tin sẽ dỡ hàng loạt quy định giới hạn trong phòng chống Covid-19 từ ngày 19.7, nhưng có thể vẫn buộc đeo khẩu trang nơi công cộng trong nhà. Trong khi đó, nhiều nước từ Tây Ban Nha, Argentina đến Thái Lan đã áp dụng lại các biện pháp giới hạn phòng dịch.
Trong thông cáo, G20 kêu gọi tăng tốc tiêm vắc xin trên thế giới, cam kết giúp đỡ các nước đang phát triển nhiều hơn. Trong khi một số nước phát triển đã tiêm vắc xin cho 70% dân số, nhiều nước thu nhập thấp hiện chỉ mới tiêm chưa đến 1%. Thông cáo nhấn mạnh việc ủng hộ “chia sẻ công bằng toàn cầu” về vắc xin, nhưng không đề xuất biện pháp cụ thể.
Chuyên gia Brandon Locke, thuộc Tổ chức ONE Campaign (Mỹ), chỉ trích việc G20 thiếu hành động sẽ dẫn đến tình huống thất bại chung. “Điều đó không chỉ khiến các nước nghèo hơn có thêm người tử vong mà gia tăng nguy cơ các biến chủng mới tàn phá các nước giàu”, ông cảnh báo.
KHÁNH AN
TNO