26/12/2024

Khắp nơi oằn mình chống dịch

Khắp nơi oằn mình chống dịch

Nhiều nước châu Á tiếp tục chứng kiến các kỷ lục mới về số ca nhiễm và trường hợp tử vong theo ngày, trong khi dịch bệnh vẫn tiếp tục lây lan ở châu Âu và châu Úc.
Indonesia đang là vùng dịch lớn nhất tại Đông Nam Á /// Ảnh: Reuters
Indonesia đang là vùng dịch lớn nhất tại Đông Nam Á ẢNH: REUTERS
Hôm qua, số người chết vì Covid-19 theo ngày tại Thái Lan   tăng cao chưa từng có. Bộ Y tế nước này trong vòng 24 giờ ghi nhận thêm 91 trường hợp tử vong và 9.326 ca dương tính với Covid-19, theo tờ Bangkok Post. Trước làn sóng dịch bệnh lan rộng, Thái Lan bắt đầu chuyển sang các biện pháp cứng rắn hơn, bao gồm lệnh giới nghiêm từ 21 giờ tối đến 4 giờ sáng hôm sau ở Bangkok và các tỉnh lân cận.
Tình hình dịch Covid-19 tại Campuchia vẫn chưa có dấu hiệu cải thiện, theo tờ Khmer Times. Hôm qua nước này tiếp tục ghi nhận gần 1.000 ca nhiễm mới. Gần 50.000 ca được phát hiện từ cuối tháng 2 đến nay, số ca tử vong cũng tăng mạnh trong 2 tuần qua. Chính quyền Phnom Penh tiếp tục kéo dài lệnh tạm ngưng hoạt động các dịch vụ nguy cơ cao thêm 14 ngày, từ 10 – 23.7 và thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội trên toàn thủ đô. Đối với nhóm bệnh nhân điều trị Covid-19 tại nhà, lãnh đạo Phnom Penh yêu cầu phải khử trùng rác và giữ bên trong túi rác màu vàng để người thu gom xử lý an toàn. Giới chức Phnom Penh cấp túi rác loại 15 kg cho hộ gia đình có bệnh nhân, sử dụng trong ít nhất 5 ngày trước khi vứt.

Lợi ích vượt trội hơn nguy cơ khi tiêm vắc xin

Ủy ban Cố vấn của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) hôm 9.7 xác nhận sự liên quan giữa vắc xin ngừa Covid-19 (gồm Pfizer/BioNTech và Moderna) và một số tình trạng viêm cơ tim cũng như viêm màng ngoài cơ tim hiếm gặp, theo Reuters. Tuy nhiên, ủy ban này khẳng định mặt lợi ích của vắc xin vẫn vượt trội so với nguy cơ mà nó mang lại, nhất là về việc ngăn chặn các trường hợp nhập viện và tử vong ở bệnh nhân Covid-19. Các báo cáo ở châu Âu cũng đưa ra kết luận tương tự.
Cùng ngày, Cuba phê duyệt vắc xin Abdala phát triển nội địa cho nhu cầu cấp bách trong phòng chống Covid-19 ở nước này. Đây là một trong những bước đi đầu tiên cho phép Cuba bắt đầu bán và xuất khẩu vắc xin Covid-19 nội địa. Kết quả các cuộc khảo sát lâm sàng ở Cuba cho thấy vắc xin này hiệu quả 92,28% trong việc ngừa Covid-19.
Trong khi đó, báo cáo đăng trên chuyên san Nature kết luận một liều vắc xin Covid-19 hầu như không có tác dụng bảo vệ trước biến thể Delta và nhấn mạnh nhu cầu tiêm đủ mũi để bảo vệ trước biến thể nguy hiểm này. Tại Canada, giới chức y tế đang theo sát diễn biến dịch Covid-19, và chuẩn bị sẵn sàng trước nhu cầu tiêm mũi bổ sung cho người dân trong trường hợp được yêu cầu.

Tại Malaysia, hôm qua ngày thứ hai liên tiếp nước này ghi nhận số ca dương tính cao kỷ lục, với 9.353 ca mới trong vòng 24 giờ, dù đang thực hiện lệnh phong tỏa toàn quốc từ tháng 6 tới nay. Trong khi đó, Indonesia bổ sung 15 thành phố và khu vực vào danh sách thực hiện các biện pháp cách ly và giãn cách xã hội giữa lúc tình hình dịch xấu đi nhanh chóng. Bộ Y tế Indonesia cũng lên kế hoạch tiêm tăng cường mũi vắc xin Moderna cho các đối tượng là nhân viên y tế đã tiêm đủ vắc xin Trung Quốc.

Hôm qua, Hàn Quốc ghi nhận 1.378 ca mắc Covid-19 trong vòng 24 giờ, ngày thứ ba liên tiếp nước này ghi nhận kỷ lục buồn, theo Yonhap. Trước diễn biến xấu chưa từng có, từ ngày 12.7, Seoul và các vùng lân cận sẽ bước vào giai đoạn siết chặt các biện pháp phòng dịch ở mức cao nhất từ trước đến nay, bao gồm giới hạn tối đa 2 người tụ tập nơi công cộng sau 18 giờ mỗi ngày. Cùng ngày, Ủy ban Y tế quốc gia (NHC) của Trung Quốc ghi nhận thêm 26 ca nhiễm mới, trong đó 7 ca nhiễm trong cộng đồng ở tỉnh Vân Nam giáp Myanmar. Tình hình Nhật Bản tiếp tục căng thẳng với số ca nhiễm tăng vọt. Riêng thủ đô Tokyo ghi nhận 950 ca nhiễm mới trong hôm qua, đánh dấu đà tăng liên tục trong vòng 21 ngày.
Bang New South Wales (Úc) hôm qua cũng ghi nhận số ca Covid-19 theo ngày cao kỷ lục, và giới chức y tế cảnh báo tình hình sẽ còn tệ hơn trong thời gian tới ở Sydney, theo Reuters. Tại Anh, Giáo sư Helen Stokes-Lampard của Viện Hàn lâm các đại học hoàng gia cho biết số bệnh nhi nhập viện vì Covid-19 vẫn tăng tại Anh và nước này cần chuẩn bị phương án đối phó dịch bệnh vào mùa đông. Cũng tại châu Âu, Hà Lan quay lại áp dụng các biện pháp giãn cách và phòng dịch Covid-19 từ ngày 10.7 – 13.8, sau khi số ca bệnh mới tăng nhanh.
THUỴ MIÊN
TNO