27/12/2024

Cảnh báo hàng loạt app lừa đảo chiếm đoạt tiền

Cảnh báo hàng loạt app lừa đảo chiếm đoạt tiền

Hàng loạt ứng dụng (app) đào tiền ảo, vay vốn, đầu tư tài chính… lừa đảo đã xuất hiện trong thời gian qua để lấy cắp tiền của người sử dụng.
Nhiều app lừa đảo liên tục xuất hiện /// Ảnh: Nguyễn Long
Nhiều app lừa đảo liên tục xuất hiện ẢNH: NGUYỄN LONG
Công ty bảo mật Lookout vừa có báo cáo đã xác định được hơn 170 ứng dụng đào tiền ảo lừa đảo. Trong đó có 25 ứng dụng xuất hiện trên Google Play. Các ứng dụng này tự quảng cáo là cung cấp dịch vụ khai thác tiền điện tử đám mây có tính phí. Tuy nhiên, sau khi phân tích, các chuyên gia nhận thấy không có hoạt động khai thác nào thực sự diễn ra. Mục đích của các ứng dụng này là ăn cắp tiền từ người dùng thông qua các quy trình thanh toán hợp pháp, nhưng không bao giờ cung cấp dịch vụ như đã hứa. Theo Lookout, các ứng dụng này đã lừa đảo hơn 93.000 người và chiếm đoạt ít nhất 350.000 USD.
Trên thực tế không chỉ có những app đào tiền ảo lừa đảo mà tại Việt Nam, hàng loạt ứng dụng khác đã được cảnh báo. Trong những ngày đầu tháng 7, Công ty Tài chính Bưu điện PTF khuyến cáo thời gian gần đây, một số đối tượng đã mạo danh công ty mời khách hàng vay vốn và sử dụng ứng dụng Auto Cash để giải ngân khoản tiền ảo với con dấu giả, chữ ký giả của người có thẩm quyền để dụ dỗ khách hàng chuyển khoản và chiếm đoạt. Để tiến hành thủ đoạn lừa đảo, các đối tượng sẽ gọi điện tới người dân mời vay tiền và hướng dẫn cài đặt một ứng dụng có tên “Auto Cash” để giải ngân nhanh.
Sau đó, tài khoản Zalo có tên “Phê duyệt PTF” sẽ kết bạn với khách hàng để dụ dỗ, thuyết phục khách hàng vay vốn, chuyển tiền đặt cọc cho đối tượng. Sau khi cài đặt ứng dụng và nhập các thông tin cá nhân, như: Số điện thoại, chứng minh nhân dân… khách hàng sẽ được ứng dụng “Auto Cash” giải ngân một khoản tiền ảo kèm theo một hợp đồng tín dụng với con dấu giả mạo Công ty Tài chính Bưu điện PTF. Để nhận được số tiền giải ngân trên phải có một mật khẩu xác nhận. Muốn có mật khẩu này, người dân phải phải tạm ứng và chuyển khoản đặt cọc một số tiền. Sau khi khách hàng chuyển tiền cọc, đối tượng lừa đảo cắt liên lạc hoàn toàn với khách hàng…
Còn vào cuối tháng 6, Công an Hà Nội cũng cho biết nhiều người đang bị cuốn theo các “app giật đơn” (quay số để mở đơn hàng) và điều này đã giúp cho kẻ gian trục lợi. Một số ứng dụng có hệ thống máy chủ đặt tại nước ngoài hoạt động dưới hình thức phát hành điểm thưởng cho người chơi và hứa hẹn có thể rút được tiền mặt. Các app như Pchome, Shopping Mall, Tailoc888… lợi dụng danh nghĩa thương mại điện tử nhưng thực chất không liên kết với sàn giao dịch nào và hoạt động theo mô hình đa cấp biến tướng.
Người dùng phải đăng ký tài khoản trên ứng dụng, giới thiệu người tham gia và “giật” đơn hàng ảo để hưởng hoa hồng trên tổng số tiền đầu tư. Tiền kiếm được của người dùng sẽ tỷ lệ thuận với giá trị các gói đầu tư của họ. Người chơi có thể rút thành công tiền mặt trong những lần đầu, sau đó hệ thống đưa ra các quy tắc mới hoặc yêu cầu nạp thêm tiền. Khi đã kiếm được số tiền lớn, nhóm lừa đảo không cho người chơi rút tiền đã đầu tư. Điều đặc biệt, các app lừa đảo không có trên Appstore hoặc CHplay do không đảm bảo được các điều kiện bảo mật thông tin. Người dùng muốn cài app phải tải từ website do nhóm lừa đảo cung cấp. Các website này có tên miền không phổ biến như *.work; *.xyz; *.cc hoặc gồm các chuỗi ký tự, con số không có ý nghĩa.
Nhiều người tiêu dùng cách nay không lâu cũng đã bị app Coolcat, Busstrade dùng chiêu thức dụ “đầu tư tài chính”, kiếm tiền online và hưởng lãi cao nhưng sau đó biến mất…
MAI PHƯƠNG
TNO