24/11/2024

Vì sao TP.HCM phải thu giá thoát nước ?

Vì sao TP.HCM phải thu giá thoát nước ?

Khi được triển khai vào năm 2022, mức thu giá thoát nước theo quyết định mà UBND TP.HCM vừa ban hành sẽ tăng dự kiến là 5%/năm, lộ trình 2022 -2025.
TP.HCM sẽ thu giá dịch vụ thoát nước từ năm 2022 /// Ảnh: Ngọc Dương
TP.HCM sẽ thu giá dịch vụ thoát nước từ năm 2022 ẢNH: NGỌC DƯƠNG

Giá nước sinh hoạt bình quân hiện nay giữ nguyên đến năm 2022 là 9.590 đồng/m3; giá dịch vụ thoát nước bình quân là 1.439 đồng/m3 (chưa tính 10% thuế giá trị gia tăng). Đến năm 2025, giá nước sinh hoạt bình quân sẽ tăng lên 11.422 đồng/m3; giá dịch vụ thoát nước bình quân là 3.426 đồng/m3 (chưa tính 10% thuế giá trị gia tăng).

Gần 90% nước thải đô thị đổ trực tiếp ra sông, kênh rạch

Giá dịch vụ thoát nước và xử lý nước thải (XLNT) mà UBND TP.HCM vừa ban hành dựa trên đề xuất của Sở Xây dựng đã trình UBND TP trước đó, sau khi lấy ý kiến các sở, ngành.
Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới dựa trên dữ liệu khảo sát hộ gia đình, mức độ tác động và ảnh hưởng đến chi phí sinh hoạt của các hộ dân, đặc biệt là các hộ nghèo chỉ vào khoảng 7.000 – 10.000 đồng/tháng trong ngắn hạn, tương đương 0,05% chi tiêu hộ gia đình ở các nhóm nghèo nhất trong năm 2022. Tăng phí đầy đủ vào năm 2025 dự kiến chỉ làm tăng chi tiêu hộ gia đình 0,17% đối với các hộ nghèo nhất.

Theo đánh giá của Sở Xây dựng, quá trình đô thị hóa ở TP.HCM đang diễn ra mạnh mẽ. Nguồn nước mặt sông Sài Gòn đang chịu tác động từ các nguồn thải như nước thải sinh hoạt, công nghiệp, nông nghiệp. Nước thải đô thị cùng với nước mưa chảy tràn đổ vào sông theo hệ thống cống xả chung rồi đổ ra sông Sài Gòn – Đồng Nai. Bên cạnh đó môi trường nước mặt còn bị tác động mạnh bởi việc khai thác sử dụng đất phần phía thượng lưu; phát triển thủy điện – thủy lợi với sự hình thành hệ thống các hồ chứa, đập dâng và việc vận hành các hệ thống này. Chưa kể, sản xuất nông nghiệp sử dụng ngày càng nhiều phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật, phát triển giao thông vận tải vốn tiềm ẩn nhiều rủi ro cũng như sự cố môi trường…

Trong khi đó, chất lượng nước bị ảnh hưởng bởi các hoạt động công nghiệp, nông nghiệp và sinh hoạt thải ra không được xử lý. Quy hoạch đến năm 2025, TP sẽ xây dựng 12 nhà máy XLNT sinh hoạt nhằm xử lý toàn bộ lượng nước thải sinh hoạt hằng ngày của đô thị. Thời gian qua TP đã tích cực tranh thủ nguồn vốn ODA của các tổ chức JICA, Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), đồng thời đẩy mạnh việc xã hội hóa đầu tư các công trình thoát nước và XLNT, bên cạnh thực hiện mời gọi đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP). Tuy nhiên, đại diện Sở Xây dựng thông tin quá trình tìm kiếm nguồn vốn gặp rất nhiều khó khăn. Vì thế, tổng lượng nước thải sinh hoạt của TP hiện được xử lý chỉ dưới 10%, gần 90% nước thải đô thị chưa được xử lý đang đổ trực tiếp ra sông, kênh, rạch.
“Hiện trạng môi trường nước ô nhiễm nghiêm trọng đang ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của nhân dân, nhất là người dân ở khu vực tiếp giáp với nguồn nước mặt. Đồng thời, ảnh hưởng đến bộ mặt mỹ quan đô thị, giảm sút thu hút đầu tư… ảnh hưởng lớn đến đời sống kinh tế, xã hội, sự phát triển bền vững của cả TP”, Sở Xây dựng nhận định.

Giá chồng phí, người dân chịu thiệt ?

Dựa theo quy chuẩn tính toán của Nghị định 80 và các quy định của Bộ Xây dựng, TP đã tính toán lộ trình giá dịch vụ thoát nước và XLNT bắt đầu áp dụng từ năm 2022. Mức thu cho năm 2022 sẽ là 15% trên giá nước sạch, tương đương khoảng 830 tỉ đồng. Mức thu giá này nhằm mục đích từng bước đáp ứng được nhu cầu duy tu bảo dưỡng hệ thống thoát nước; vận hành, bảo trì các trạm bơm, nhà máy XLNT; từng bước bù đắp chi phí khấu hao xe, máy móc, thiết bị, nhà xưởng, công trình được đầu tư để phục vụ công tác thoát nước và XLNT đô thị.

Danh mục 12 nhà máy xử lý nước thải  TP.HCM đang triển khai

Lưu vực Tàu Hủ – Bến Nghé – Đôi – Tẻ (nâng công suất lên 512.000 m3/ngày vào năm 2025); Lưu vực tây Sài Gòn (công suất 120.000 m3/ngày); Tân Hóa – Lò Gốm (công suất 300.000 m3/ngày); Lưu vực nam Sài Gòn (công suất 170.000 m3/ngày); Lưu vực đông Sài Gòn (công suất 350.000 m3/ngày); Lưu vực bắc Sài Gòn I (công suất 170.000 m3/ngày); Lưu vực bắc Sài Gòn II (công suất 130.000 m3/ngày); Lưu vực Tham Lương – Bến Cát (công suất 250.000 m3/ngày); Lưu vực Nhiêu Lộc – Thị Nghè (công suất 500.000 m3/ngày); Lưu vực Bình Tân (công suất 180.000 m3/ngày); Lưu vực rạch Cầu Dừa (công suất 100.000 m3/ngày); Lưu vực tây – bắc thành phố (công suất 130.000 m3/ngày).

Thực tế, hiện nay trong giá nước sạch đã có phí bảo vệ môi trường đối với nước thải được tính chung bằng 10% giá cấp nước sạch (theo Nghị định 67 của Chính phủ được áp dụng từ năm 2003 đến nay). Song, Sở Xây dựng cho biết khoản thu này chỉ đáp ứng khoảng 30 – 35% nhu cầu duy tu bảo dưỡng hệ thống thoát nước, XLNT đô thị (chưa tính đến chi phí khấu hao, đầu tư phát triển, nâng cấp cải tạo…). Hằng năm ngân sách nhà nước phải cấp bù đã đảm bảo tối thiểu cho hoạt động này.

Dù vậy, ngay khi TP.HCM ban hành quyết định thu giá dịch vụ thoát nước, nhiều ý kiến phản ứng cho rằng việc đóng phí bảo vệ môi trường là người dân đã hoàn thành trách nhiệm của mình. Nhà nước cân đối sử dụng số tiền này như thế nào thì nhà nước phải có trách nhiệm. Không thể thấy thiếu, cần thêm thì lại “đẻ” ra thêm loại phí, giá mới bắt người dân đóng. Như vậy là giá chồng phí, người dân chịu thiệt.
Ông Đặng Phú Thành, Phó giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM, khẳng định chính sách giá mới không phải là phí chồng phí. Khi áp dụng quy định mới này thì phí bảo vệ môi trường sẽ được bãi bỏ, thay bằng giá dịch vụ thoát nước và XLNT.
“Việc thu phí thoát nước thực hiện theo Nghị định 80/2014 của Chính phủ, quy định trách nhiệm về lập, thẩm định, phê duyệt giá dịch vụ thoát nước. Trên cơ sở đó, từ 23.4.2016, Thành ủy TP.HCM đã giao cho Trung tâm điều hành chống ngập nước (nay thuộc Sở Xây dựng) phối hợp Sở Tài chính thực hiện thu tiền dịch vụ thoát nước và XLNT. Từ đó đến nay, chúng tôi phối hợp với Ngân hàng Thế giới nghiên cứu, xây dựng và đề xuất giá dịch vụ thoát nước. Trước đây, dự thảo đã đưa ra 3 phương án đề xuất thu phí thoát nước để tham vấn các sở ngành và Ngân hàng Thế giới. Trong đó phương án tăng trung bình mỗi năm 5% được đánh giá khả thi, đảm bảo không gây ra nhiều xáo trộn, tác động xã hội”, lãnh đạo Sở Xây dựng nhấn mạnh.

Dùng càng nhiều, đóng phí càng cao

Theo Quyết định 17/2021 của UBND TP.HCM, phí dịch vụ thoát nước được áp dụng đối với các cơ quan, tổ chức, hộ gia đình có xả nước thải vào hệ thống thoát nước ở địa bàn TP. Việc thu phí sẽ dựa vào lượng nước tiêu thụ hằng tháng của hộ dân thông qua hóa đơn do Tổng công ty cấp nước Sài Gòn TNHH MTV đảm nhiệm. Như vậy có nghĩa hộ nào tiêu thụ nước càng nhiều thì phải trả phí dịch vụ xử lý nước thải càng cao. Đối với các hộ thoát nước không sử dụng nước sạch từ hệ thống cấp nước tập trung tiếp tục thu phí bảo vệ môi trường theo quy định.
Nguồn thu từ giá dịch vụ thoát nước và XLNT được để lại 1% trên tổng số thu thực tế để chi trả chi phí dịch vụ thu hộ; thực hiện các nghĩa vụ thuế và nghĩa vụ tài chính khác (nếu có); phần còn lại nộp vào ngân sách nhà nước để sử dụng cho các mục đích đầu tư, duy trì, phát triển hệ thống thoát nước và các chi phí hợp lý khác theo quy định hiện hành.
TS Hồ Long Phi, Giám đốc Trung tâm quản lý nước và biến đổi khí hậu (thuộc Đại học Quốc gia TP.HCM), cho rằng việc thu giá thoát nước là điều hoàn toàn nên làm. Cũng như các dịch vụ công khác, phải đảm bảo nguyên tắc thu đủ bù chi, nếu ngân sách không đáp ứng được thì phải thu thêm. Như vậy chất lượng dịch vụ mới có thể phát triển. Đồng thời, tạo sự công bằng xã hội, người gây ô nhiễm phải có trách nhiệm trong việc xử lý các chất gây ô nhiễm môi trường.
Theo ông Phi, các nước phát triển gộp chung phí thoát nước vào một sắc thuế liên quan đến nước đầu vào, đầu ra bao gồm cả XLNT, môi trường… Quốc gia nào càng phát triển thì chi phí cho XLNT càng cao, trung bình từ 10%, sau đó nâng dần lên 30 – 50%, tỷ lệ thuận với chất lượng xử lý ô nhiễm, chất lượng cải thiện môi trường. Tại một số khu vực như Bắc Âu, người dân trả 1 đồng nước sạch thì phải đóng thêm 3 – 4 đồng tiền XLNT.
HÀ MAI
TNO