26/12/2024

TP.HCM sắp có thêm hơn 800 tỉ đồng cho hệ thống xử lý nước thải

TP.HCM sắp có thêm hơn 800 tỉ đồng cho hệ thống xử lý nước thải

Bắt đầu từ năm 2022, TP.HCM sẽ chính thức áp dụng thu giá dịch vụ thoát nước và xử lý nước thải, thay cho thuế bảo vệ môi trường hiện nay.
Nhà máy nước Thủ Đức /// Ảnh: Ngọc Dương
Nhà máy nước Thủ Đức  ẢNH: NGỌC DƯƠNG
Đầu tháng 6 vừa qua, UBND TP.HCM đã ban hành giá dịch vụ thoát nước và xử lý nước thải, giai đoạn 2022 – 2025.

Thu 15%/giá nước sạch

Theo đó, dự kiến mức thu sẽ tăng dự kiến là 5%/năm, lộ trình 2022 – 2025. Giá nước sinh hoạt bình quân hiện nay giữ nguyên đến 2022 là 9.590 đồng/m3; giá dịch vụ thoát nước bình quân là 1.439 đồng/m3 (chưa tính 10% thuế giá trị gia tăng). Đến năm 2025, giá nước sinh hoạt bình quân sẽ tăng lên thành 11.422 đồng/m2; giá dịch vụ thoát nước bình quân là 3.426 đồng/m3 (chưa tính 10% thuế giá trị gia tăng).
Trao đổi với Thanh Niên chiều 9.7, lãnh đạo Sở Xây dựng TP.HCM cho biết môi trường nước của TP.HCM đang bị ô nhiễm nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của nhân dân, nhất là người dân ở khu vực tiếp giáp với nguồn nước mặt. Trong khi đó, chất lượng nước bị ảnh hưởng bởi các hoạt động công nghiệp, nông nghiệp và sinh hoạt thải ra không được xử lý.
Theo quy hoạch đến năm 2025, TP sẽ xây dựng 12 nhà máy xử lý nước thải (XLNT) sinh hoạt nhằm xử lý toàn bộ lượng nước thải sinh hoạt hằng ngày của đô thị. Do thiếu nguồn vốn, thời gian qua TP đã tích cực tranh thủ nguồn vốn ODA của các tổ chức JICA, Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) đồng thời đẩy mạnh việc xã hội hóa đầu tư các công trình thoát nước và xử lý nước thải bên cạnh thực hiện mời gọi đầu theo hình thức đối tác công tư (PPP).
Tuy nhiên, quá trình tìm kiếm nguồn vốn gặp rất nhiều khó khăn. Nguồn ngân sách của TP có hạn, nguồn vốn vay ODA ngày càng hạn chế do trần nợ công tăng cao, vốn PPP thì phải có nguồn chi trả… tiến độ triển khai xây dựng các dự án xử lý nước thải vẫn chưa thể thực hiện theo kế hoạch. Vì thế, tổng lượng nước thải sinh hoạt của TP hiện được xử lý chỉ dưới 10%, gần 90% nước thải đô thị chưa được xử lý đang đổ trực tiếp ra sông, kênh, rạch.
Trước thực trạng đó, dựa theo quy chuẩn tính toán của Nghị định 80 và các quy định của Bộ Xây dựng, TP đã tính toán kỹ lưỡng một lộ trình giá dịch vụ thoát nước và xử lý nước thải bắt đầu áp dụng từ năm 2022. Mức thu cho năm 2022 sẽ là 15% trên giá nước sạch. Mức thu giá này nhằm mục đích từng bước đáp ứng được nhu cầu duy tu bảo dưỡng hệ thống thoát nước; vận hành, bảo trì các trạm bơm, nhà máy xử lý nước thải; từng bước bù đắp chi phí khấu hao xe, máy móc, thiết bị, nhà xưởng, công trình được đầu tư để phục vụ công tác thoát nước và xử lý nước thải đô thị.

Phí bảo vệ môi trường sẽ được bãi bỏ

Theo đề án, trong năm 2022 TP sẽ thu khoảng 830 tỉ đồng giá dịch vụ thoát nước. Như vậy, việc thu giá dịch vụ thoát nước và xử lý nước thải sẽ đảm bảo duy trì, từng bước hoàn chỉnh hệ thống thoát nước và xử lý nước thải, cải thiện tình trạng vệ sinh môi trường thành phố.
Cũng theo vị này, khi áp dụng quy định mới này thì phí bảo vệ môi trường sẽ được bãi bỏ, thay bằng giá dịch vụ thoát nước và xử lý nước thải. Như vậy, việc thu giá dịch vụ thoát nước và xử lý nước thải không phải là giá chồng phí mà là thay thế, nhằm đảm bảo duy trì, từng bước hoàn chỉnh hệ thống thoát nước và xử lý nước thải, cải thiện tình trạng vệ sinh môi trường thành phố.
“Việc quản lý và xử lý nước thải hiện đại, chuyên nghiệp hơn sẽ giúp cải thiện môi trường sống cho cư dân của thành phố, tăng tính bền vững về môi trường, xã hội, đồng thời tăng tính bền vững về tài khóa và thúc đẩy các nhà đầu tư tư nhân vào các lĩnh vực liên quan. Về lâu dài, hoạt động này lồng ghép được các khía cạnh về chất lượng nước, khối lượng nước, sử dụng nước đa mục đích, đa dạng sinh học, qua đó đem lại tác động tích cực với biến đổi khí hậu” – đại diện Sở Xây dựng nhấn mạnh.
HÀ MAI
TNO