27/12/2024

TP.HCM: Muốn đóng chợ truyền thống thì phải tìm mặt bằng mở điểm bán hàng di động, đồng giá

TP.HCM: Muốn đóng chợ truyền thống thì phải tìm mặt bằng mở điểm bán hàng di động, đồng giá

Quận huyện muốn đóng một chợ truyền thống nào đó thì phải kiếm một mặt bằng phù hợp quanh đó để sở chỉ đạo các hệ thống phân phối tổ chức điểm bán hàng di động, đồng giá phục vụ người dân trong thời gian giãn cách xã hội theo chỉ thị 16.

 

TP.HCM: Muốn đóng chợ truyền thống thì phải tìm mặt bằng mở điểm bán hàng di động, đồng giá - Ảnh 1.

Người dân mua rau củ ở chợ truyền thống trước khi TP giãn cách – Ảnh: NGUYỄN TRÍ

Chiều 9-7, UBND TP.HCM tiếp tục tổ chức họp báo thông tin về các nội dung liên quan đến việc giãn cách toàn TP theo chỉ thị 16.

Tại buổi họp báo, phóng viên hỏi Sở Công thương có phương thức nào khác để tổ chức cho người dân mua bán hàng hóa thiết yếu, nhu yếu phẩm trong điều kiện nhiều chợ truyền thống đóng cửa, việc bán hàng mang đi bị tạm ngưng?

Ông Nguyễn Nguyên Phương – phó giám đốc Sở Công thương TP.HCM – cho biết hiện nay có 151 chợ truyền thống trên địa bàn TP.HCM tạm ngưng hoạt động. Đây là số lượng khá lớn (chiếm hơn 50% số chợ ở TP) nên chắc chắn ảnh hưởng đến cung ứng hàng hóa, đặc biệt là ảnh hưởng tới những người dân có thu nhập thấp, không có khả năng dự trữ mà phải mua thực phẩm sử dụng hằng ngày.

Sở Công thương rất lo và có nhiều giải pháp để khắc phục khó khăn này. Trong đó sở hướng dẫn quận huyện rà soát lại các chợ đóng cửa, nếu chợ nào chưa đáp ứng thì phối hợp với sở để khắc phục, sớm mở cửa lại các chợ.

Nếu chợ nào có nguy cơ đóng cửa thì phải báo sớm với sở để xem xét, nếu còn khả năng khắc phục thì khắc phục để không phải đóng chợ. Nhờ chỉ đạo này, số lượng chợ phải đóng cửa giảm hẳn, thay vì trước đây có hàng chục chợ đóng cửa mỗi ngày.

Về tổ chức phương thức hàng hóa thêm để cung ứng hàng hóa cho người dân, ông Phương cho biết giải pháp thứ nhất là Sở Công thương TP yêu cầu các quận huyện phải tổ chức lực lượng tiếp nhận, phân phối nguồn hàng các doanh nghiệp cung ứng để phân phối tới tận từng khu phố.

Cụ thể, sở chỉ đạo các doanh nghiệp cung ứng hàng hóa thống kê mặt hàng, xuất xứ, giá cả, sau đó chuyển cho các địa phương để có thể huy động hội phụ nữ, thanh niên, hoặc tiểu thương các chợ đang bị đóng… cùng đứng ra nhận hàng hóa này phân phối cho người dân từng khu phố.

Mặt khác, sở cũng quy định trong trường hợp quận huyện muốn đóng một chợ truyền thống nào đó thì phải kiếm một mặt bằng phù hợp quanh đó để sở chỉ đạo các hệ thống phân phối tổ chức điểm bán hàng di động phục vụ người dân.

Các hệ thống phân phối có trách nhiệm xây dựng quy cách bán hàng, giờ bán hàng cũng liệt kê công khai loại hàng hóa và giá bán để địa phương thông tin cho người dân.

Người dân khi đến điểm mua bán này chỉ lấy hàng đưa về vì giá bán đồng giá và đã được thông báo từ trước.

Cơ sở y khám chữa bệnh không được từ chối cấp cứu trong bất cứ trường hợp nào

Tại buổi họp báo, trao đổi liên quan đến một bệnh nhân bỗng nhiên ngất xỉu được đưa đến 5 bệnh viện cấp cứu nhưng 4 bệnh viện không tiếp nhận, đại diện Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM khẳng định về nguyên tắc, các cơ sở khám chữa bệnh không được quyền từ chối bất cứ cấp cứu trong bất cứ trường hợp nào, kể cả đối với người nước ngoài. Nơi nào vi phạm chắc chắn sẽ bị xử lý nghiêm.

Tuy nhiên vị này cho biết, trong điều kiện dịch bệnh COVID-19 phức tạp như hiện nay, bệnh viện là nơi nhạy cảm, tuyến cuối tiếp nhận bệnh nhân nên cần bảo vệ nghiêm ngặt. Do đó các bệnh viện có thể đặt ra quy trình, hàng rào để sàng lọc các bệnh nhân đến khám chữa bệnh. Nếu người bệnh là đối tượng nghi nhiễm sẽ được chuyển sang một khu khác để đảm bảo an toàn cho đội ngũ y tế và bệnh nhân.

Vụ việc đối với bệnh nhân nói trên có thể do sự hiểu lầm trong cách giải thích quy trình người tiếp nhận và người nhà bệnh nhân (người đưa bệnh nhân đi cấp cứu).

Trước đó, vào lúc 22h30 ngày 8-7, anh N.T.N. – 27 tuổi, ngụ quận Gò Vấp khi tham gia tác nghiệp tại Trung tâm báo chí TP.HCM bị ngất xỉu.

Anh N. lần lượt được bảo vệ của Trung tâm báo chí TP.HCM đưa cấp cứu tại Bệnh viện quận 1 cơ sở 2, Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn, Bệnh viện 30-4, Bệnh viện ĐH Y dược… nhưng tất cả đều không tiếp nhận.

Đến Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch thì bệnh viện đã đóng cửa. Sau hơn 1 tiếng rưỡi (0h ngày 9-7), anh N. mới được Bệnh viện Nhân dân 115 tiếp nhận, yêu cầu test nhanh có kết quả âm tính và được đưa vào cấp cứu. Sáng cùng ngày, anh N. cho biết sức khỏe đã ổn định.

Tạo ‘luồng xanh” đưa hàng hóa, nhu yếu phẩm về TP

TP.HCM: Muốn đóng chợ truyền thống thì phải tìm mặt bằng mở điểm bán hàng di động, đồng giá - Ảnh 2.

CSGT kiểm tra giấy tờ, gồm giấy xét nghiệm, của tài xế chở hàng hóa tại khu vực giáp ranh TP.HCM – Long An sáng sớm 9-7 – Ảnh: LÊ PHAN

Tại buổi họp báo, đại diện Sở Giao thông vận tải TP.HCM cho biết qua số liệu của hệ thống giám sát, ngày 9-7, lượng phương tiện tại các tuyến đường chính trên địa bàn đã giảm khoảng 15%.

Xe chở hàng hóa ra vào các cảng cũng giảm 10% so với những ngày trước.

Một số thời điểm, cao tốc TPHCM – Long Thành – Dầu Giây ùn tắc khoảng 2 km, nhiều xe phải quay đầu khiến giao thông ùn ứ. Nguyên nhân có thể do người dân chưa chuẩn bị đầy đủ giấy tờ theo quy định mới.

Cũng theo vị này, sở đã làm việc với các tỉnh miền Đông, Tây Nam bộ cùng các bộ, ngành về việc tạo điều kiện cho các phương tiện chở hàng hóa thiết yếu của thành phố.

Thời gian qua, một số phương tiện chở hàng hóa từ các tỉnh, thành miền Tây về TP.HCM bị giữ lại tại các tỉnh do yêu cầu mới về giấy xét nghiệm.

Để tháo gỡ khó khăn này, Sở Giao thông vận tải đã báo cáo với Bộ Giao thông vận tải, Bộ Y tế về các phương án như thay đổi thời hạn quy định đối với giấy xét nghiệm, tạo luồng vận chuyển thông thoáng hàng hóa về TP.HCM.

“UBND TP.HCM đã có văn bản gửi các tỉnh, thành phố đề nghị phối hợp hỗ trợ tạo luồng xanh cho các phương tiện vận chuyển hàng hóa, nhu yếu phẩm thiết yếu. Hi vọng thời gian tới, phương án mới sẽ khiến hàng hóa chuyển về thành phố thuận lợi, đáp ứng nhu cầu người dân trong thời gian cách ly xã hội”, vị này nói.

Ghi nhận 4 thí sinh dương tính trong kỳ thi tốt nghiệp THPT

Trao đổi tại buổi họp báo, ông Nguyễn Văn Hiếu – phó giám đốc phụ trách Sở GD-ĐT TP.HCM – cho biết trong kỳ thi THPT vừa qua, TP.HCM ghi nhận 4 trường hợp thí sinh dương tính COVID-19.

Về thông tin lan truyền trên mạng xã hội nói rằng thí sinh dương tính tại điểm thi THPT Lê Quý Đôn (quận 3) bị nặng và tử vong, ông Hiếu khẳng định thông tin này sai sự thật.

Liên hệ với người thân, bạn bè của thí sinh này, họ cho biết em này đang khỏe mạnh trong khu cách ly. Hai thí sinh còn lại cũng đang được cách ly điều trị và không có triệu chứng.

TIẾN LONG
TTO