24/11/2024

Nhu cầu tăng sốc, rau- thịt ‘tát’ giá tăng theo

Nhu cầu tăng sốc, rau- thịt ‘tát’ giá tăng theo

Người dân tiếp tục “vét” rau, thịt trong các siêu thị, cửa hàng tiện lợi, chợ, bất chấp khuyến cáo của cơ quan quản lý rằng hàng hoá dồi dào, không khan hiếm.
Người dân chen nhau đi mua hàng hóa thiết yếu tại cửa hàng tiện lợi, siêu thị, chợ TP.HCM /// Ảnh: Vũ Phượng
Người dân chen nhau đi mua hàng hóa thiết yếu tại cửa hàng tiện lợi, siêu thị, chợ TP.HCM ẢNH: VŨ PHƯỢNG
Một ngày trước thời điểm TP.HCM áp lệnh giãn cách theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, người dân tiếp tục “vét” rau, thịt trong các siêu thị, cửa hàng tiện lợi, chợ, bất chấp khuyến cáo của cơ quan quản lý rằng hàng hóa dồi dào, không khan hiếm.
Căng thẳng đến mức chiều 8.7, Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) có công văn hỏa tốc gửi các doanh nghiệp và hợp tác xã yêu cầu tăng cường cung ứng hàng hóa thiết yếu cho TP.HCM và các tỉnh thành phía nam trong tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Đặc biệt, yêu cầu doanh nghiệp bên cạnh các điểm bán hàng hiện có, phải mở thêm điểm bán hàng cố định và lưu động tại khu dân cư để kịp phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân. Thậm chí Bộ đề xuất có phương án mở điểm bán mới trong trường hợp cơ sở phân phối bị đóng cửa do có ca nhiễm Covid-19.

Đổ xô đi mua hàng

Từ 5 giờ sáng ngày 8.7, xung quanh khu vực chợ P.Tân Quy (Q.7, TP.HCM), nhiều bà nội trợ vội vàng đi chợ vì sợ “lỡ hết đồ ăn như ngày hôm trước”. Chưa bao giờ ở đây có cảnh họp chợ đông đúc từ tinh mơ thế này. Tương tự, tại khu vực quanh chợ Tân Hương (Q.Tân Phú), 5 giờ sáng, người dân đã xếp hàng vào cửa hàng Bách Hóa Xanh lớp trong lớp ngoài như đi hội. Đến hơn 7 giờ, rau củ quả trong cửa hàng gần hết sạch. Còn tại cửa hàng tiện lợi SatraFoods trên đường Âu Cơ (Q.Tân Bình), 10 giờ sáng, tất cả thịt, cá, rau củ quả trên kệ đều không còn thứ gì. Hỏi nhân viên bán hàng, vừa chất những rổ nhựa đựng hàng lên, vừa trả lời với giọng khá mệt mỏi: “Ngày mai quay lại chị nhé. Hôm nay tụi em hết sạch hàng rồi”. “Vậy chiều không “bơm” hàng thêm hả em?”, “Dạ chắc không có đâu. Hàng chở về từ tỉnh khó quá”.

Rau xanh, thực phẩm giá tăng cao

Trong hôm qua, giá thực phẩm bán tại chợ tạm bên đường, xe đẩy đều tăng gấp đôi, gấp tư. Rau muống lên 25.000 đồng/kg, khổ qua lên 50.000 đồng/kg, bí xanh lên 60.000 đồng/kg. Thậm chí, một bó hành lá ngày thường giá 10.000 đồng, nay người bán phân ra thành 4 bó nhỏ cũng bán với giá 10.000 đồng/bó (gấp 4 lần). Tương tự, nhiều loại cá biển cũng được “hét” giá gấp đôi như cá nục, cá bạc má, cá lóc… lên 120.000 đồng/kg; thịt heo cốt lết tăng khoảng 30.000 đồng/kg lên 155.000 đồng/kg; thịt gà, vịt lên 120.000 đồng/kg…

Tại cửa hàng tiện lợi Co.op Smile trên đường Lạc Long Quân, lúc 10 giờ 30 sáng, nhân viên bán hàng cho biết sáng nay chỉ về hàng thịt, một rổ lớn nhưng bán hết lâu rồi. Đến 11 giờ 30, xe chở rau của Saigon Co.op từ kho Bình Dương cũng vừa lên đến. Nhưng bó cải xanh, dưa leo, bí xanh, cà rốt, bồ ngót… chưa kịp chất lên quầy thì cư dân trong chung cư như được “mách trước” tuần tự xuống mua, mỗi người vài ba bó. Tuy nhiên, để cung cấp đủ hơn 2.000 cư dân tại khu nhà này, lượng rau củ mới chỉ đủ 1/3 nhu cầu.

Khu vực Q.Tân Bình giáp ranh Q.11, các siêu thị lớn và chợ truyền thống đều bị tạm ngưng hoạt động từ nhiều ngày qua như siêu thị Co.opMart Lữ Gia, Lotte Mart Lê Đại Hành, chợ Tân Phước, chợ Tân Hưng, chợ Nghĩa Phát… Thế nên, nhu cầu mua nhu yếu phẩm của người dân quanh khu vực này trông chờ hết vào các cửa hàng tiện lợi.
Trong khi giá rau củ tại các chợ tạm, xe đẩy tăng mạnh, giá các mặt hàng này trong siêu thị nhìn chung khá ổn định. Theo báo cáo của Sở Công thương ngày 8.7, lượng hàng hóa của  3 chợ đầu mối về ngày 8.7 chỉ khoảng 2.400 tấn, chưa tới 1/3 so với ngày thường là từ 8.000 – 8.500 tấn hàng hóa, trong khi hôm qua là ngày trước khi thành phố thực hiện lệnh giãn cách theo Chỉ thị 16, nhu cầu mua hàng tăng gấp 3 – 5 lần.

“Nút thắt” chợ truyền thống

Thực tế, việc đóng các chợ truyền thống và 3 chợ đầu mối đẩy tình thế hàng hóa cung cấp mùa dịch vốn đã hạn chế, lại càng “eo hẹp” hơn. Đến nay, đã có gần 130 chợ truyền thống tạm ngưng hoạt động. Áp lực cung ứng hàng hóa cho thị trường bình dân ngày càng lớn. Giá rau quả tại xe đẩy, chợ tạm đang được bán cao gấp đôi, gấp rưỡi giá trong siêu thị xuất phát từ nhu cầu mua nhanh, tiện của người dân rất lớn, nhưng… không có chợ để mua. Đặc biệt, chi phí để chở rau từ các tỉnh vào TP.HCM ngày càng tăng, đẩy giá bán rau quanh khu vực chợ đầu mối cũng tăng. Nhiều ý kiến cho rằng nên tính toán “tháo dỡ” bớt vòng vây chợ truyền thống, thì hàng hóa ngoài thị trường bớt áp lực hơn.
Đại diện siêu thị AeonMall Tân Phú cho biết chỉ riêng đối với thịt (thịt gà, thịt bò, thịt heo…), ngày 8.7 siêu thị chủ động tăng gấp 3 lần so với ngày 7.7. Còn tại siêu thị Aeon Bình Tân, đối với một số mặt hàng thịt tăng gấp 7 lần so với ngày trước đó; tổng sản lượng thực phẩm tươi sống tăng đến 4 lần, cao hơn giai đoạn tiêu thụ của Tết Nguyên đán. Tương tự, đại diện chuỗi siêu thị BigC GO! cho biết các mặt hàng thịt tươi khu vực TP.HCM sẽ được tăng cường lên gấp 7 lần (tương ứng 70 tấn mỗi ngày), rau và trái cây sẽ cung ứng khoảng hơn 100 tấn mỗi ngày, hàng thực phẩm khô trữ tồn kho trên 30 ngày (tương đương 1.800 tấn, tăng 30% so với ngày thường).
Tuy nhiên, kênh bán lẻ qua siêu thị, cửa hàng tiện lợi hiện có tăng lượng lớn hàng hóa tối đa vẫn chưa thể đáp ứng đủ cho thị trường. Theo Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải, thực tế tại TP.HCM, chợ đầu mối và các chợ truyền thống vẫn đang giữ vai trò chủ đạo, với 70% lượng hàng hóa cung ứng cho toàn thành phố. Khi các chợ này đóng cửa sẽ gây áp lực đáng kể cho các trung tâm thương mại, siêu thị vốn chỉ đáp ứng được 30% lượng cung ứng hàng hóa. Do vậy, TP.HCM cũng như các tỉnh có dịch tại khu vực phía nam cần phải chủ động và tăng cường các điểm bán hàng lưu động cũng như phát huy hiệu quả từ kênh mua bán hàng trực tuyến.
Ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó giám đốc Sở Công thương TP.HCM, cho rằng hệ thống phân phối bị “trọng thương”, đối mặt nhiều thách thức nghiêm trọng do ảnh hưởng lớn từ dịch Covid-19. Trong tình hình diễn biến dịch phức tạp như hiện nay, nguy cơ bùng phát cao, việc cung ứng hàng hóa thiết yếu cho nhân dân luôn gặp nhiều khó khăn. Chính những thông tin phản ánh kịp thời của truyền thông giúp người dân bình tĩnh hơn, không quá lo lắng, chen chúc mua hàng để gây quá tải năng lực cung ứng. Hiện tại, quy định người về từ TP.HCM phải thực hiện cách ly y tế tại nhà trong vòng 7 ngày kể từ ngày về gây khó khăn cho một số đơn vị có kho nằm ở tỉnh lân cận như Saigon Co.op (kho phân phối hàng đặt tại Bình Dương) và ảnh hưởng chuỗi cung ứng hàng hóa các hệ thống phân phối khác như Satra, Aeon Mall, Bách Hóa Xanh, Lotte… Trong khi đó, số chợ truyền thống buộc tạm ngưng hoạt động vì dịch ngày một nhiều hơn.
NGUYÊN NGA – MAI PHƯƠNG
TNO