24/11/2024

May mà có phường cho gạo, cho mì, bữa thì cho nửa ký thịt

May mà có phường cho gạo, cho mì, bữa thì cho nửa ký thịt

“Mấy chỗ này đắt, tiền đâu mua cô. Lúc bình thường cũng mua ngoài chợ, giờ thì lại càng không dám mua. May mà có phường cho gạo, cho mì, bữa thì cho nửa ký thịt”, cô Mai kể về cuộc sống mấy bữa nay của cả nhà ba người.

 

May mà có phường cho gạo, cho mì, bữa thì cho nửa ký thịt - Ảnh 1.

Người dùng có thể lên Shopee đặt mua nhu yếu phẩm tại gian hàng “Nghĩa tình mùa dịch” và đóng góp “Giỏ quà nghĩa tình” – Ảnh: KHÁNH VY

“Bữa nay được cho cá ngon quá” – cô Dương Ngọc Mai (50 tuổi, ngụ phường An Lạc, quận Bình Tân, TP.HCM) nói về hộp cá kho thơm từ một người hảo tâm mà cô lội bộ từ dãy trọ ra chốt phong tỏa đầu đường Hồ Học Lãm để nhận.

Câu chuyện về nửa ký thịt

Phần cá kho đó không nhiều, chỉ hai con cá nục, nhưng có hành, tiêu thơm nức khiến bữa tối của vợ chồng cô và người con trai ngon miệng hẳn.

“Tôi thì làm yaourt bán rong, chồng tôi thợ hồ, còn con trai làm tiệm tóc. Tôi với chồng nghỉ không từ bữa phong tỏa khu phố ngày 20-6. Còn thằng con trai làm hớt tóc thì đã nghỉ lúc thành phố cho ngưng tiệm tóc, nhớ mang máng là đầu tháng 6 gì đó. Dịch đã không bán được, mấy tuần nay nhà không còn ai làm ra đồng bạc nào nên đâu có tiền ăn uống”, cô Mai bảo.

Mấy ngày dịch giã, ở trong khu phong tỏa chỉ có cửa hàng bách hóa tiện lợi là còn bán rau, bán thịt, bán cá. “Mấy chỗ này đắt, tiền đâu mua cô. Lúc bình thường cũng mua ngoài chợ, giờ thì lại càng không dám mua. May mà có phường cho gạo, cho mì, bữa thì cho nửa ký thịt”, cô Mai kể về cuộc sống mấy bữa nay của cả nhà ba người.

“Nửa ký thịt” của phường dường như là câu chuyện đáng nhớ của những hộ dân ở trọ trong khu phong tỏa này.

“Nửa ký thịt để dành nấu cho hai đứa nhỏ ăn chứ cũng đâu có mua thịt, cá gì. Hổm giờ nhiều người tốt bụng, người cho gạo, người cho trứng, người cho rau. Được cái rau nhiều lắm”, chị công nhân Nguyễn Thị Kim Phượng (32 tuổi, ở trọ tại phường An Lạc) kể.

Mấy tuần nay, bữa cơm của vợ chồng chị và hai đứa con cứ xoay quanh rau với trứng. Nếu người dân ở đây mới chỉ “đứt” việc từ 20-6 khi có lệnh phong tỏa khu phố thì chị đã nghỉ việc từ 12-6 đến giờ sau khi công ty có ca nhiễm.

“Có hôm cũng được người ta đến cho hai bữa cơm hộp. Nhưng mà phong tỏa mấy tuần, người ta đâu lo cho được hoài, mình vẫn phải tự xoay xở là chính”, chị Phượng chia sẻ thêm.

Những ngày không chợ búa

Căn phòng trọ nằm trong con hẻm nhỏ, 6 người gia đình chị Nguyễn Thị Mỹ Phương (quận Bình Tân) đã gần 20 ngày nay chen chúc trong nhà khi cả khu phố đã bị phong tỏa. 6 người là chị Phương với hai đứa con nhỏ, cha mẹ chồng và người anh chồng.

Chị Phương đang nuôi con nhỏ mới hơn 6 tháng tuổi. Trước đây chị cũng làm công nhân nhưng rồi bầu bì, sinh nở nên nghỉ về quê cả năm. Chồng chị làm phụ hồ ở Phú Quốc lâu nay không có việc làm nhưng vẫn đang kẹt ở đảo.

“Cha mẹ chồng và anh chồng bán cơm tấm vỉa hè. Rồi anh chồng bị tai nạn phải ngồi một chỗ nên tôi dắt hai đứa nhỏ lên ở phụ cha mẹ chồng thay ảnh. Chưa bán được mấy ngày thì phong tỏa, bán không được mà về quê cũng không được” – chị Phương kể về tình cảnh “họa vô đơn chí” của gia đình.

Không ra ngoài đi chợ được thì đặt qua app, giao hàng tận nơi hoặc cả chung cư góp tiền với nhau để mua chung một xe hàng tiếp tế thực phẩm hằng ngày là cách mà nhiều người dân đang sống qua những ngày phong tỏa.

Nhưng với gia đình chị Phương, việc bán cơm vỉa hè những ngày bình thường cũng chỉ đủ trang trải thì lúc dịch giã “chợ online” vừa đắt đỏ hơn vừa tốn thêm mấy chục ngàn tiền ship là điều xa xỉ. 4 người lớn và 2 đứa nhỏ chỉ ăn uống tằn tiện với những bữa cơm rau, quả trứng được những người hảo tâm hay phường đến cho.

“Cả tháng rồi hầu như không mua bán gì. Ai cho gì ăn nấy. Nhà đông người nên nhiều người xung quanh họ nhận được của những người hảo tâm cũng chia lại cho mình”, chị Ngọc Điệp – công nhân may đang ở trọ tại một dãy trọ đường Hồ Học Lãm – tâm sự.

Hai đứa con nhỏ của chị, đứa thì bú mẹ, đứa thì được cho mười mấy hộp sữa “uống lai rai đến giờ”. Chị kể có nghe công đoàn công ty hỗ trợ nhưng cả tháng qua vẫn chưa làm được thủ tục để nhận.

“Phải có giấy xác nhận của phường là đang ở trong khu phong tỏa. Mà đã phong tỏa thì khó ra ngoài, UBND phường cũng đang phong tỏa vì có ca nhiễm nên chưa làm giấy được. Giờ dịch giã cũng phải ráng thôi”, chị Điệp tâm sự.

Để người khó khăn mua hàng trực tuyến rẻ hơn giá chợ

Từ ngày 6-7, một chương trình mang tên “Nghĩa tình mùa dịch” và “Giỏ quà nghĩa tình” – do báo Tuổi Trẻ, Saigon Co.op và Shopee phối hợp – đã được triển khai để người dân vùng dịch được mua hàng ưu đãi và không lo phí vận chuyển.

Cụ thể, người dân TP.HCM đang sống tại các khu vực quận Tân Bình, Bình Tân, Gò Vấp, quận 7 và TP Thủ Đức sẽ được giảm giá lên đến 50% khi đặt mua các mặt hàng thiết yếu như rau củ quả, thực phẩm tươi sống, các sản phẩm chống dịch, chăm sóc gia đình… trên gian hàng “Nghĩa tình mùa dịch” của Co.opmart trên nền tảng Shopee.

Cùng với đó, người mua sẽ được Shopee miễn phí vận chuyển, tặng voucher giảm giá đến 30%. Thời gian diễn ra chương trình từ ngày 5-7 đến 31-7-2021.

Song song đó, chương trình “Nghĩa tình mùa dịch” còn phát động “Giỏ quà nghĩa tình” đến với những người đang gặp khó khăn. Các cá nhân, đơn vị có thể đặt mua những “Giỏ quà nghĩa tình” để tặng cho những người đang gặp hoàn cảnh khốn khó do ảnh hưởng của dịch bệnh.

Mỗi “Giỏ quà nghĩa tình” sẽ là combo bao gồm các mặt hàng thiết yếu như gạo, dầu ăn, nước mắm… với tổng giá trị 145.000 đồng, từ nay đến 31-7-2021. Tên người mua và số giỏ quà được mua sẽ được công bố trên nền tảng của Shopee và báo Tuổi Trẻ.

Kết thúc chương trình, ban tổ chức sẽ mang các giỏ quà này tặng cho những người lao động, nhân viên y tế, bệnh nhân đang có hoàn cảnh khó khăn tại TP.HCM.

VŨ THỦY
TTO