24/11/2024

Đổi tài, tập kết hàng hoá ngoài cửa ngõ để giảm chi phí hàng hóa vào TPHCM?

Đổi tài, tập kết hàng hoá ngoài cửa ngõ để giảm chi phí hàng hóa vào TPHCM?

Việc các tỉnh yêu cầu người từ TP.HCM đến phải có giấy xét nghiệm thời hạn 3 ngày, 5 ngày, 7 ngày… thực tế đang đẩy DN và nhiều người dân vào tình cảnh “chạy đua” làm xét nghiệm…
Tiêm vắc xin và xét nghiệm nhanh tại chốt là một số đề xuất của doanh nghiệp /// ẢNH: KHẢ HÒA
Tiêm vắc xin và xét nghiệm nhanh tại chốt là một số đề xuất của doanh nghiệp ẢNH: KHẢ HÒA
Bỏ giấy xét nghiệm Covid-19, đặt bàn xét nghiệm nhanh tại khu vực kiểm tra khai báo y tế, chở hàng tới cửa ngõ TP.HCM rồi đổi tài… là những đề xuất của doanh nghiệp, hiệp hội để giảm chi phí cho hàng hóa tới thành phố tại thời điểm hiện nay.

Xét nghiệm âm tính cũng chưa an toàn

Ông Lê Quang Hậu, chủ cơ sở sản xuất chả Quang Hậu (Q.Tân Phú, TP.HCM), thông tin sáng ngày 6.7, xe tải lạnh chở hàng của cơ sở về Bà Rịa-Vũng Tàu phải trả thêm  phí xét nghiệm cho tài xế và phụ xe. Do phía khách thay đổi lịch giao chậm vài ngày, nên… giấy xét nghiệm Covid-19 âm tính của tài xế hết hạn phải bỏ. “Nhiều nơi yêu cầu giấy xét nghiệm, nhưng dịch vẫn bùng phát, cuối cùng cũng phải giăng dây, ngưng hoạt động. Thế nên, theo tôi, một tờ giấy xét nghiệm âm tính chỉ mới là yếu tố cần, chứ chưa phải là yếu tố đủ để phòng chống dịch tuyệt đối được. Chúng tôi mong muốn các tỉnh sớm xem xét lại và có giải pháp nào đó căn cơ để doanh nghiệp (DN) đưa hàng vào – ra TP.HCM thuận tiện hơn. Chẳng hạn yêu cầu khử khuẩn hay xét nghiệm nhanh tại chỗ được không? Vị trí đặt bàn kiểm tra khai báo y tế ra vào các địa phương có thể bố trí bàn xét nghiệm nhanh Covid-19 thì hay hơn”, ông Hậu đặt câu hỏi.
Bộ GTVT vừa có văn bản yêu cầu Tổng cục Đường bộ VN phối hợp với UBND TP.HCM, các tỉnh Đông Nam bộ, Tây Nam bộ và các tỉnh giáp ranh với TP.HCM để tổ chức phân luồng tuyến vận tải hàng hóa, bảo đảm thông suốt 24/24. Theo đó, các địa phương cần tăng cường lực lượng để giải quyết nhanh nhất, không để tình trạng ùn tắc tại các chốt kiểm soát dịch bệnh, các điểm khai báo y tế. Đồng thời, đảm bảo an toàn dịch bệnh cho lái xe, phương tiện và phòng chống lây lan dịch bệnh hiệu quả. Tổng cục Đường bộ được yêu cầu chỉ đạo thanh tra giao thông phối hợp lực lượng cảnh sát giao thông của các địa phương tổ chức phân luồng giao thông, bảo đảm cho các phương tiện lưu thông thuận lợi; Chỉ đạo các DN không để tình trạng thiếu phương tiện vận chuyển làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN và người dân.
Báo cáo nhanh cuối ngày 6.7, Sở Công thương TP.HCM cho biết hàng hóa từ tỉnh Tây Ninh đến TP.HCM sẽ được tập kết tại một khu đất trống (diện tích khoảng 1 ha), gần cổng chào Suối Sâu, giáp ranh 2 huyện Củ Chi và Trảng Bàng để thực hiện khử khuẩn hàng hóa và phương tiện trước khi vào thành phố

Ông Bùi Văn Quản, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa, cho biết do ảnh hưởng của Covid-19, nhiều tỉnh, thành thực hiện giãn cách xã hội (như Bắc Giang, Bắc Ninh, Nghệ An, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Đồng Nai, TP.HCM…), các khu công nghiệp trên địa bàn tăng cường các chốt kiểm soát dẫn đến lưu lượng hàng hóa, phương tiện lưu thông giảm 30 – 40% so với bình thường. Đầu xe đến các địa phương này không có hàng cho xe quay đầu hoặc nối chuyến. Đặc biệt, việc một số địa phương đã đưa ra các quy định nhằm siết phòng chống dịch Covid-19, gây nhiều khó khăn cho các phương tiện vận chuyển hàng hóa đi qua. Các chốt kiểm dịch ùn ứ làm kéo dài thời gian vận chuyển, thời hạn của giấy xét nghiệm quá ngắn khiến tài xế phải đi làm xét nghiệm liên tục… Chi phí cho lái xe thực hiện việc xét nghiệm khi đi đến các tỉnh, nhà máy để giao nhận hàng từ 250.000 – 500.000 đồng/lần, DN phải gánh. Mặt khác, chủ trương tiêm vắc xin cho các đơn vị tuyến đầu có nguy cơ lây nhiễm cao của Chính phủ rất phù hợp với tình hình dịch bệnh hiện nay, nhưng đặc thù của đơn vị vận chuyển là lái xe đi tỉnh, đi Bắc Nam, trong khi việc tiêm chủng chỉ thực hiện trong vài ngày ở TP.HCM khiến nhiều lái xe ở miền Bắc, miền Trung và tỉnh khác không kịp về để tiêm vắc xin.

Việc các tỉnh yêu cầu người từ TP.HCM đến phải có giấy xét nghiệm thời hạn 3 ngày, 5 ngày, 7 ngày… thực tế đang đẩy DN và nhiều người dân vào tình cảnh “chạy đua” làm xét nghiệm trong bối cảnh khó có thể bảo đảm an toàn phòng chống dịch. Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh (Bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM), nếu nói xét nghiệm âm tính rồi đi lại đâu đó vài ngày là an toàn cho nơi họ đến là không chính xác. Có nơi yêu cầu 3 ngày, có nơi đến 7 ngày. Về lý thuyết nếu xét nghiệm đúng âm tính chỉ nói từ khi xét nghiệm trở về trước là không lây, còn ngay sau đó vẫn có thể chuyển dương tính bất cứ lúc nào. Bác sĩ Khanh nhấn mạnh: “Cái chính không phải là xét nghiệm mà suốt quá trình đi lại luôn 5K. Khi dừng xe và đặc biệt khi giao hàng bảo đảm an toàn khi tiếp xúc”.

Cấp giấy chứng nhận đã tiêm vắc xin cho tài xế?

Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy hải sản VN (VASEP), cho rằng có nhiều DN không “căn ke” chuyện chi trả cho phí xét nghiệm nhưng họ nhận thấy việc xét nghiệm trong môi trường không bảo đảm an toàn lại khiến việc chống dịch giảm hiệu quả. Ông nói có thể khuyến khích DN chọn một số cách khác để phòng chống dịch. Chẳng hạn, tài xế chở hàng hóa từ Đồng Nai vào TP.HCM, ngay khu vực giao nhau giữa TP.HCM và Đồng Nai, DN có thể bố trí xe, người đưa hàng vào nội thành, để tài xế kia an toàn trở về mà không phải đi vào địa phận TP.HCM. Thời gian dịch cao điểm năm ngoái, tại khu vực biên giới phía bắc, phía Trung Quốc cũng có áp dụng để phòng chống dịch, nay các địa phương lân cận TP.HCM có thể áp dụng được không? Bởi theo ông Hòe, hiện nay, để việc xét nghiệm ồ ạt, chen lấn trong khu vực lấy mẫu là vô cùng nguy hiểm. Vì vậy, nên tăng cường tiêm chủng vắc xin cho đối tượng lao động, tài xế, nhân viên giao hàng… càng sớm càng tốt.
Ngoài ra, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM kiến nghị Sở GTVT, Sở Y tế TP.HCM xem xét việc tiếp tục phân bố vắc xin để thực hiện tiêm phòng Covid-19 cho các nhân viên ngành vận tải và chấp nhận giấy chứng nhận đã tiêm vắc xin là cơ sở để lái xe được vận chuyển qua các tỉnh. Sở Y tế cần nhanh chóng cấp giấy xác nhận đã tiêm vắc xin cho các tài xế đã được tiêm trong đợt tiêm vừa qua, để họ được vận chuyển hàng qua các tỉnh. Trường hợp đã tiêm đủ 2 mũi thì không cần giấy xét nghiệm Covid-19, hoặc nếu cần thì thời hạn được lâu hơn (15 – 30 ngày). Bên cạnh đó, theo phản ánh của các DN, hiện nay vẫn chưa có điểm xét nghiệm nhanh Covid-19 tại các chốt ra vào thành phố. Hiệp hội kiến nghị cần tổ chức điểm xét nghiệm nhanh để thuận lợi cho DN vận tải vận chuyển lưu thông đến các tỉnh khác.
Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM kiến nghị tổ chức thực hiện xét nghiệm (đối với người chưa có giấy xét nghiệm) tại các chốt kiểm soát người vào địa phương và chỉ tổ chức xét nghiệm người đến địa phương, không xét nghiệm người đi qua hoặc ra khỏi địa phương. Quan trọng nhất, cần thống nhất thời gian có hiệu lực của giấy chứng nhận xét nghiệm Covid-19 là 7 ngày để giảm chi phí và tạo điều kiện cho các DN hoạt động ổn định. Về phía người điều khiển và chủ phương tiện vận tải, ông Quản cũng lưu ý cần triệt để thực hiện 5K. Chủ phương tiện, người quản lý vận tải có trách nhiệm lập phiếu đi đường kèm theo mỗi chuyến hàng, trong đó nêu rõ: Họ tên người điều khiển, nơi đi, nơi đến… để các đơn vị kiểm soát có thể nhận diện một cách rõ ràng, tránh tiếp xúc đề phòng lây lan dịch bệnh, cơ quan chức năng có thể xem xét cho phép chủ phương tiện, người điều khiển phương tiện được dán giấy thể hiện nơi đi, nơi đến lên kính xe ở vị trí phù hợp.
NGUYÊN NGA – HÀ MAI
TNO