27/12/2024

Người dân Nam kỳ thập niên 1890 từng tiêm chủng phòng dịch bệnh ra sao?

Người dân Nam kỳ thập niên 1890 từng tiêm chủng phòng dịch bệnh ra sao?

Sau khi biến Nam kỳ thành xứ thuộc địa, người Pháp xây dựng nhiều công trình vệ sinh, cống rãnh, lấp đầm lầy, làm đường, đào kênh… Dù tình trạng vệ sinh được cải thiện đáng kể, xong dịch bệnh không vì thế thôi hoành hành.
Một buổi tiêm chủng ở Nam kỳ vào thập niên 1890 /// Ảnh: J.C. Baurac
Một buổi tiêm chủng ở Nam kỳ vào thập niên 1890 ẢNH: J.C. BAURAC
Bác sĩ J.C. Baurac sống ở Nam kỳ 8 năm trong vai trò người chịu trách nhiệm tổ chức tiêm chủng ở các tỉnh miền Đông Nam bộ. Ông có điều kiện đi tới những vùng khó khăn để thực hiện các đợt tiêm vắc-xin. Baurac là một phượt thủ siêu hạng và với tư duy khoa học của người châu Âu (nguyên là bác sĩ dịch tễ), ông đã gần như ghi chép lại mọi thứ về Nam kỳ thuở ấy.
Những ghi chép của ông trong khoảng thời gian này được in thành hai cuốn sách Nam kỳ và cư dân miền Tây (La Cochinchine et ses habitants Provinces de l’Ouest, 1894), Nam kỳ và cư dân miền Đông (La Cochinchine et ses habitants Provinces de l’Est, 1899), trong đó có một phần thông tin liên quan đến những tiến bộ của việc tiêm chủng vắc-xin – một vấn đề thực sự quan trọng ở Nam kỳ thập niên 1890.
Người dân Nam kỳ thập niên 1890 từng tiêm chủng phòng dịch bệnh ra sao? - ảnh 1

Tàu hơi nước Vaïco phục vụ cho việc tiêm chủng ở miền Đông Nam bộ ẢNH: J.C. BAURAC

Nhiều dịch bệnh hoành hành ở Nam Kỳ

Ở Nam kỳ bấy giờ, bệnh sốt rét gây nguy hại đặc biệt cho người Pháp, còn dịch tả, kiết lị và đậu mùa là những bệnh phổ biến thường gây tử vong đối với người dân bản xứ.
Tác hại của bệnh đậu mùa ở Nam kỳ có thể hình dung qua báo cáo từ năm 1880 của bác sĩ Vantalon được viết trong sách Nam kỳ và cư dân miền Đông: “Bệnh đậu mùa đã gây ra cho người dân An Nam sự hủy diệt khủng khiếp. Bệnh lan truyền ở khắp xứ, […] sự lây nhiễm có điều kiện kết hợp thuận lợi để phát triển nhờ sự hỗn tạp trong phong tục [trong quan niệm của người bản xứ thì bệnh đậu mùa bị gán do tác động của ‘con ma đậu’] và sự thiếu hiểu biết về luật vệ sinh tối thiểu của người dân bản xứ. Vì vậy, trong thời gian diễn ra dịch bệnh, tỷ lệ tử vong đạt đến mức đáng sợ. Nếu tin vào những hương chức ở các tỉnh khác nhau đã trả lời về vấn đề này, thì tỷ lệ tử vong sẽ vượt quá 50%”.
Những người đứng đầu cơ quan y tế ở Nam kỳ và chính quyền thuộc địa hành động thông qua các chiến dịch tiêm chủng ngừa bệnh đậu mùa. Cụ thể từ ngày 8.9.1879 đến 5.2.1881, bác sĩ Vantalon đã tiêm phòng đậu mùa cho 59.774 trẻ em. Năm 1881-1890, số người được tiêm phòng trung bình mỗi năm khoảng 60.000, con số này đến năm 1894 là 120.000.
Người dân Nam kỳ thập niên 1890 từng tiêm chủng phòng dịch bệnh ra sao? - ảnh 2

Tiêm phòng ở Chợ Lớn, thập niên 1890 ẢNH: BỘ SƯU TẬP CỦA TERRY BENNETT

Và cứ thế Nam Kỳ thực hiện tiêm chủng định kỳ 6 tháng một lần để phòng dịch bệnh. Đối với việc thăm khám, chính quyền thuộc địa bấy giờ cung cấp cho các bác sĩ phương tiện vận chuyển vắc-xin và đi lại là hai tàu hơi nước Vaïco và Bassac để họ tiếp cận nhanh chóng các trung tâm y tế. Chiếc Vaïco phục vụ tiêm chủng cho các tỉnh miền Đông Nam bộ, chiếc Bassac cho các tỉnh miền Tây.
Thập niên 1890, các buổi tiêm chủng ở Nam kỳ được thực hiện 6 tháng một lần tại các trung tâm đông dân và chợ chính ở mỗi hạt. Việc tiêm chủng được Baurac miêu tả khá chi tiết trong sách đã dẫn: “Một lần tới ngôi làng […], tôi nhờ các chức sắc đưa tất cả trẻ con vùng lân cận tới để tiêm vắc-xin. Chính quyền bản xứ lập tức tiến hành, 300 đứa trẻ được cha mẹ đưa tới hoặc được mẹ ẵm tới nhà việc chung của tổng. Trước sự khẩn khoản của tôi, một cuộc kêu gọi lần hai đã kéo thêm 100 đứa trẻ khác tới…” (Còn tiếp)
NGUYỄN QUANG DIỆU
TNO