23/11/2024

Lo ngại về cuộc chiến giá dầu nếu UAE rút khỏi OPEC

Lo ngại về cuộc chiến giá dầu nếu UAE rút khỏi OPEC

Chưa có thỏa thuận nào về sản lượng khi tổ chức OPEC+ kết thúc cuộc họp ngày 2.7 do bất đồng quan điểm giữa các thành viên. Dự kiến, nhóm sẽ họp tiếp vào ngày 5.7.
6 tháng đầu năm, nhập khẩu xăng dầu tuy giảm hơn 7%, nhưng trị giá tăng đến 23% /// Ảnh: Ngọc Dương
6 tháng đầu năm, nhập khẩu xăng dầu tuy giảm hơn 7%, nhưng trị giá tăng đến 23% ẢNH: NGỌC DƯƠNG

Thị trường “nín thở” chờ cuộc họp đầu tuần

Thế nên, giá dầu phiên cuối tuần đảo chiều nhẹ sau cuộc họp nói trên. Ngày 4.7, cả hai hợp đồng dầu thô đều giảm nhẹ, dầu thô ngọt nhẹ WTI đóng phiên cuối tuần ở mức 75,19 USD/thùng, dầu Brent ở mức 75,97 USD/thùng. Như vậy, trong tuần qua, dầu WTI tăng 1,3% và dầu Brent đã mất khoảng 0,5%.
Theo Reuters, phần lớn các nước trong Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh, gọi chung là OPEC+ đồng ý tăng sản lượng dần và gia hạn thỏa thuận cho tới cuối năm 2022. Tuy nhiên, Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) thuộc OPEC đã lên tiếng phản đối đẩy cuộc họp rơi vào thế bế tắc.
UAE cho biết việc gia hạn là điều kiện để điều chỉnh sản lượng cơ sở của quốc gia này. Trong tuần, ngày 1.7, cả 2 hợp đồng dầu đều tăng mạnh sau khi các nguồn tin cho hay, OPEC+ tính tăng sản lượng thấp hơn dự báo và đã rút lui khi UAE phản đối các đề xuất, bao gồm việc gia hạn thỏa thuận sản lượng vào cuối năm 2022. Thực tế, căng thẳng giữa UAE và các thành viên khác của OPEC theo một nhà quan sát là “đã được nhen nhóm trong một khoảng thời gian”, nên việc bất đồng quan điểm tại cuộc họp vừa qua là điều có thể xảy ra.
Trên Reuters, chuyên gia phân tích thị trường dầu tại Rystad Energy nhấn mạnh, nếu có sự rạn nứt về quan điểm của các bên, thị trường dầu có thể rơi vào một đợt giảm giá tương tự như khi chứng kiến Nga rời OPEC+ tại cuộc họp hồi tháng 3.2020 và sau đó là cuộc chiến giá dầu. Tuy nhiên, nhóm các nhà phân tích tại Eurasia Group tin rằng các nước sản xuất dầu vẫn có thể tiến tới thỏa thuận vào đầu tuần tới. Có lẽ UAE sẽ thương lượng, nhưng không đủ can đảm để mạo hiểm tất cả. Trong trường hợp xấu nhất, vẫn tiếp tục bất đồng quan điểm, các vị này cũng dự báo “điều đó sẽ khiến thị trường chấn động”.

Nhập khẩu trong nước xăng dầu giảm hơn 28%

Trong khi đó, trong nước, nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu có giảm do bịch bùng phát, nhập khẩu xăng dầu các của Việt Nam trong tháng 6 giảm đến 28% so với tháng trước và tính luôn 6 tháng đầu năm, nhập khẩu xăng dầu giảm 7,2%. Trên thế giới, trong tháng 6, giá dầu thô tăng từ 8-10% so với tháng trước.
Số liệu cập nhật mới nhất từ Tổng cục Hải quan, nhập khẩu xăng dầu các loại trong tháng 6 ước đạt 500.000 tấn, giảm 28% so với tháng 5 và trị giá là 286 triệu USD, giảm 28,1% so với tháng trước. Tính lũy kế 6 tháng đầu năm, lượng xăng dầu nhập khẩu của cả nước ước đạt 3,9 triệu tấn với tổng trị giá lên đến 2,1 tỉ USD, giảm 7,2% về lượng và tăng gần 23% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái.
Ở chiều ngược lại, xuất khẩu dầu thô trong tháng 6 ước thu về khoảng 117 triệu USD, giảm 10,3% so với tháng trước. Lũy kế nửa đầu năm, xuất khẩu mặt hàng dầu thô đạt 1,545 triệu tấn, trị giá ước đạt 739 triệu USD, giảm gần 38% về lượng và giảm gần 10% về trị giá so với cùng kỳ năm trước.
Thông tin tại buổi làm việc mới đây với Bộ Công thương, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) cho biết, nhu cầu tiêu thụ xăng dầu một năm tại thị trường Việt Nam khoảng 20 – 21 triệu m3/tấn và thị phần của Petrolimex chiếm khoảng 48%. Theo thống kê của Petrolimex, hiện nay thị trường xăng dầu Việt Nam có trên 17.000 điểm bán xăng, trong đó tập đoàn có 5.041 điểm bán xăng dầu, chiếm 30% và phủ rộng trên toàn quốc.
Petrolimex cũng là doanh nghiệp có hệ thống tuyến ống vận chuyển xăng dầu duy nhất đảm bảo nguồn cho khu vực phía bắc với tổng chiều dài trên 500 km từ cảng dầu Bãi Cháy (Quảng Ninh) về các địa bàn Hải Phòng, Hải Dương, Hà Nội, Hà Tây, Hà Nam. Tập đoàn có 36 kho chứa xăng dầu và 8 điểm kho phối trộn nhiên liệu sinh học (xăng E5 RON92) phân bổ đều trên toàn quốc. Tổng dự trữ xăng dầu của tập đoàn là 251.000 m3 chiếm 12% tổng dung tích sức chứa.
Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) là một tổ chức liên chính phủ được thành lập tại Hội nghị Baghdad năm 1960.
5 nước thành viên sáng lập của OPEC là Iran, Iraq, Kuwait, Ả Rập Xê Út và Venezuela. Các thành viên khác tham gia vào các năm sau đó: Qatar (1961), Libya (1962), UAE (1967), Algérie (1969) và Nigeria (1971).
Ngoài ra, Ecuador tham gia vào OPEC năm 1973 và rời 1992, Indonesia (1962-2008) và Gabon (1975-1994).
Trong 5 năm đầu tiên trụ sở của OPEC đặt ở Genève, Thụy Sĩ, sau đấy chuyển về Viên, Áo từ tháng 9.1965.
Các nước thành viên OPEC khai thác vào khoảng 40% tổng sản lượng dầu lửa thế giới và nắm giữ khoảng 75% trữ lượng dầu thế giới.
NGUYÊN NGA
TNO