23/01/2025

130 nước đạt thoả thuận mức thuế tối thiểu

130 nước đạt thoả thuận mức thuế tối thiểu

Đã có 130 nước ủng hộ đề xuất của Mỹ áp mức thuế toàn cầu tối thiểu 15% với doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có cả những nước trước đây không đồng ý như Ấn Độ, Trung Quốc và Nga.

 

130 nước đạt thỏa thuận mức thuế tối thiểu - Ảnh 1.

Một chiếc xe tải của những người biểu tình có sơn dòng khẩu hiệu “Hãy đánh thuế tôi nếu quý vị có thể” chạy qua tòa biệt thự của tỉ phú Jeff Bezos – ông chủ Công ty Amazon – tại Washington, Mỹ – Ảnh: REUTERS

Một loạt biện pháp về thuế mang tính lịch sử này sẽ đảm bảo việc các công ty đa quốc gia tầm cỡ phải nộp đúng phần thuế của họ ở mọi nơi.

Tổng thư ký Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) MATHIAS CORMANN

Thỏa thuận vừa được Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) công bố tại một cuộc họp trực tuyến ở Paris (Pháp) ngày 1-7. Thỏa thuận, xuất phát từ kế hoạch cải cách thuế tổng quát do Washington khởi xướng, được kỳ vọng sẽ thay đổi mức thuế toàn cầu quan trọng nhất trong một thế kỷ.

Thắng lợi của ông Biden

Theo báo Wall Street Journal (WSJ), thỏa thuận đạt được tại Paris là cột mốc quan trọng nhằm ngăn chặn tình trạng các nước đua nhau hạ thuế doanh nghiệp, qua đó giúp tăng nguồn ngân sách cho các chính phủ giai đoạn hậu đại dịch COVID-19.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen gọi đây là “ngày lịch sử của ngoại giao kinh tế”. Bà Janet Yellen bình luận: “Thỏa thuận hôm nay của 130 nước đại diện cho hơn 90% GDP toàn cầu là tín hiệu rõ ràng cho thấy cuộc đua tới đáy [về thuế doanh nghiệp] đang tiến gần thêm một bước tới điểm chấm dứt”.

Truyền thông Mỹ tiết lộ thỏa thuận đột phá đạt được nhờ những nỗ lực vận động hành lang rất tích cực của các nước lớn nhất trong G7. Thực tế, kế hoạch Mỹ đề xuất với quốc tế cũng là những điều chính quyền ông Joe Biden đang triển khai trong nước.

Ở trong nước, Washington kêu gọi nâng thuế doanh nghiệp từ 21% lên 28%, và nâng mức thuế tối thiểu áp với phần lợi nhuận ở nước ngoài của các công ty có trụ sở tại Mỹ từ 10,5% lên 21%, theo WSJ. Theo ông Biden, mức thuế đề xuất đó sẽ tạo sân chơi bình đẳng hơn và tăng tính cạnh tranh cho nước Mỹ.

Trong số 130 nước đồng thuận có toàn bộ các nước thuộc nhóm các nền kinh tế lớn nhất thế giới G20 và cả Trung Quốc, Ấn Độ – hai quốc gia trước đây còn chần chừ.

Sau khi đạt đồng thuận, các chính phủ sẽ phải thông qua các luật ở từng nước sở tại. Luật đó sẽ yêu cầu các công ty đặt trụ sở tại nước họ phải nộp thuế doanh nghiệp tối thiểu 15% ở những nước có hoạt động kinh doanh (bất kể có đặt trụ sở trên thực tế hay không).

OECD ước tính mỗi năm các chính phủ thất thoát ngân sách từ 100 – 240 tỉ USD vì tình trạng tránh/trốn thuế của doanh nghiệp.

Không thể nhanh

Thỏa thuận công bố ngày 1-7 lần đầu tiên bao gồm những điều khoản đánh thuế các công ty lớn của Mỹ như Google, Facebook và Amazon. Để đáp lại, các nước châu Âu cũng phải làm lại luật thuế phù hợp với thỏa thuận. Tuy nhiên, tuyên bố của OECD thiếu một khung thời gian cụ thể cho hành động, theo báo Washington Post.

Ngay cả khi đề xuất của Mỹ đi đến bước đồng thuận cuối cùng, vẫn còn vô số việc phải làm trước khi một mức thuế tối thiểu toàn cầu thành thực tế.

“Việc này đòi hỏi một mức độ hợp tác và phối hợp chưa từng có tiền lệ giữa các nước, không chỉ trong xây dựng các nguyên tắc thuế mà cả trong thực thi về lâu dài” – bà Barbara Angus, chuyên gia về chính sách thuế toàn cầu của Công ty Ernst & Young, nhận định.

Tại Mỹ, Đảng Cộng hòa phản đối tăng thuế doanh nghiệp. Một số nước châu Âu như Ireland, Hungary, Estonia cũng không đồng ý và cho rằng nó sẽ tước bỏ công cụ thu hút đầu tư nước ngoài. Ngoài ra, Nigeria – quốc gia đông dân nhất châu Phi, và Kenya, Peru, Sri Lanka cũng không đồng thuận.

Ireland, quốc gia được hầu hết các hãng công nghệ và dược phẩm lớn của Mỹ chọn đặt trụ sở tại châu Âu trong nửa thế kỷ qua, phản đối mức thuế tối thiểu 15%, cao hơn mức 12,5% của họ.

Các bên đàm phán hy vọng kế hoạch cải tổ thuế chi tiết sẽ nhận được ủng hộ của các nhà lãnh đạo G20 trong hội nghị thượng đỉnh vào tháng 10 năm nay tại Rome (Ý) và kỳ vọng có thể thực thi từ năm 2023.

Trên thực tế, những đàm phán về cải tổ thuế này đã có từ năm 2013 khi chính phủ nhiều nước nhận ra tình trạng nhiều hãng công nghệ không cần đặt trụ sở gần khách hàng cũng như có thể đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ ở bất cứ đâu.

Giới công nghệ ủng hộ

Các hãng công nghệ lớn đồng thuận với đề xuất cải cách thuế doanh nghiệp của Mỹ ngay cả khi phải trả thuế nhiều hơn vì điều đó sẽ giúp họ thoát khỏi nguy cơ bị đánh thuế chồng chéo.

“Vấn đề được nhận thức rộng rãi hiện nay là các luật thuế được thiết kế cho thế giới thực tế không còn phù hợp với một thế giới đang online ngày càng nhiều hơn” – ông Nick Clegg, phó chủ tịch phụ trách các vấn đề toàn cầu của Facebook, nói trong cuộc họp báo tháng 6 vừa qua.

D.KIM THOA
TTO