23/12/2024

Thế giới lập ‘phòng chiến tranh’ chống Covid-19

Thế giới lập ‘phòng chiến tranh’ chống Covid-19

Nhóm chuyên trách gồm nhiều tổ chức quốc tế đưa ra nhiều cam kết trong cuộc họp lần đầu, tập trung thảo luận về vắc xin Covid-19.
Lô vắc xin Covid-19 Mexico viện trợ Guatemala /// Ảnh: Reuters
Lô vắc xin Covid-19 Mexico viện trợ Guatemala ẢNH: REUTERS
Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) hôm qua ra thông cáo chung nhằm đẩy mạnh cuộc chiến chống Covid-19 tại các nước đang phát triển.
Thông cáo được đưa ra sau cuộc họp đầu tiên của lực lượng chuyên trách chung của các tổ chức trên, diễn ra tại Washington (Mỹ) vào ngày 30.6 (giờ địa phương). “Chúng tôi đã thành lập lực lượng chuyên trách, như một phòng chiến tranh nhằm theo dõi, điều phối, thúc đẩy phân phối các công cụ y tế liên quan Covid-19 cho các nước đang phát triển và vận động các bên, lãnh đạo các quốc gia dỡ bỏ những rào cản nhằm hỗ trợ các mục tiêu đối phó Covid-19”, theo thông cáo.
AFP dẫn lời Chủ tịch WB David Malpass cam kết thúc đẩy quỹ mua vắc xin và đặt mục tiêu mới là 20 tỉ USD, so với 12 tỉ USD trước đó, do nhu cầu gia tăng tại các nước đang phát triển. WB đã cung cấp hơn 4 tỉ USD cho 51 nước đang phát triển mua, tiêm vắc xin và sẽ sớm bổ sung thêm nhiều tỉ USD cho 25 nước nữa. Thông cáo trên kêu gọi các nước G20 đảm bảo mục tiêu tiêm chủng ít nhất 40% dân số vào cuối năm nay và 60% trước thời điểm giữa năm tới. Bên cạnh đó, thông cáo kêu gọi các nền kinh tế G20 đặt mục tiêu chia sẻ ít nhất 1 tỉ liều vắc xin cho các nước đang phát triển trong năm nay, tăng hỗ trợ tài chính và dỡ bỏ rào cản thương mại trong chuỗi cung ứng vắc xin. Ông Malpass kêu gọi các nước thừa vắc xin nên hỗ trợ các nước đang phát triển và cho hay WB đang tiếp tục thúc đẩy các nước, các hãng dược minh bạch hơn trong hợp đồng, lựa chọn và thỏa thuận về vắc xin. “Chúng ta đang trong cuộc chiến về vắc xin. Covid-19 không sớm qua đi mà sẽ là cuộc chiến dài hạn”, ông Malpass nhấn mạnh.
Bên cạnh việc viện trợ vắc xin trực tiếp giữa các nước, cơ chế chia sẻ vắc xin COVAX do WHO dẫn đầu đến nay đã viện trợ hơn 91 triệu liều đến 133 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tuy nhiên, nguồn vắc xin của COVAX đã cạn kiệt trong tháng 6. Theo Bloomberg, hiện hơn 3,05 tỉ liều vắc xin đã được tiêm tại 180 quốc gia và vùng lãnh thổ cho 19,9% dân số toàn cầu, với các nước giàu có tiến độ nhanh hơn 30 lần so với các nước thu nhập thấp nhất.
KHÁNH AN
TNO