Biến thể Delta lây nhanh hơn khi không đeo khẩu trang
Biến thể Delta lây nhanh hơn khi không đeo khẩu trang
Ghi nhận ở trung tâm thương mại tại Sydney (Úc) cho thấy 2 người bị nhiễm biến thể Delta phát hiện lần đầu tại Ấn Độ dù chỉ đi ngang qua nhau từ 5-10 giây. WHO nhận định virus có thể đã biến đổi, chỉ lượng nhỏ cũng đủ lây nhiễm.
Biến thể Delta (phát hiện lần đầu tại Ấn Độ) cho tới nay đã xuất hiện tại hơn 90 nước và đang khiến nhiều quốc gia lo lắng vì tốc độ lây lan.
Tại Anh, người mắc biến thể Delta chiếm tới 99% số ca mắc mới, tốc độ lây nhiễm nhanh hơn 60% so với biến thể Alpha, theo báo The Guardian.
Số ca mắc biến thể Delta phải nhập viện cũng cao hơn số ca mắc biến thể Alpha. Điều này khiến giới chức Anh cảnh báo người dân không được chủ quan, kể cả những người đã tiêm ít nhất 1 liều vắc xin.
Tại Úc, chính quyền bang New South Wales đã vô cùng lo lắng trước ổ dịch tại trung tâm mua sắm Bondi Junction Westfield ở thành phố Sydney.
Hình ảnh từ camera an ninh cho thấy 2 người xa lạ đi ngang qua nhau, không tiếp xúc với nhau trong trung tâm mua sắm.
Cả hai sau đó được xác định dương tính với biến thể Delta khiến giới y tế lo lắng về tốc độ lây lan “đáng sợ” của nó.
“Chúng tôi có đoạn video ghi lại khoảnh khắc đó. Họ đối mặt nhau, đúng kiểu hai người đi lướt qua nhau trong một khoảnh khắc ngắn ngủi” – bác sĩ Kerry Chant, quan chức y tế cấp cao của New South Wales, nói trên Đài ABC.
Sự việc xảy ra hôm 12 và 13-6, gần 2 tuần trước khi Sydney áp dụng lệnh phong tỏa khu trung tâm và 4 quận vùng ven để ngăn chặn biến thể Delta.
Lúc đó chính quyền Úc cũng chưa bắt buộc mọi người đeo khẩu trang, dù chưa tới 5% dân số đã được tiêm đủ 2 liều vắc xin.
Trao đổi với báo The Guardian ngày 27-6, giáo sư Catherine Noakes thuộc Đại học Leeds nhận định có 3 giả thuyết cho tình hình dịch bệnh hiện nay ở Úc.
Khả năng đầu tiên, có thể người bị bệnh và lây cho người khác có nồng độ virus trong người rất cao nên phát tán rộng ra môi trường xung quanh. Khả năng thứ hai là biến thể Delta mạnh hơn các biến thể trước, chỉ cần một lượng nhỏ cũng đủ gây bệnh.
Khả năng cuối cùng là biến thể Delta đã thay đổi khiến những người tiếp xúc một thời gian ngắn cũng bị bệnh.
Ông Mike Ryan, giám đốc chương trình y tế khẩn cấp của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), nhận định biến thể Delta đã biến đổi và “vượt trội so với các biến thể trước”.
“Loại biến thể này dường như đã thay đổi liều lượng lây nhiễm. Virus có thể xâm nhập tế bào người dễ hơn và chỉ cần một lượng virus ít hơn các biến thể trước để có thể gây bệnh”, ông Ryan nhận định.
Vị chuyên gia WHO cũng tỏ ra thận trọng cho rằng cần nghiên cứu thêm về biến thể Delta. Theo ông Ryan, hiện chưa có nghiên cứu đầy đủ về liều lượng gây bệnh của SARS-CoV-2 và các biến thể mới nhất.