Tại sao trời có thể nóng đến ngạt thở?
Tại sao trời có thể nóng đến ngạt thở?
Vào những ngày nắng nóng, bạn cảm thấy làn da nhớp nháp và không khí dường như khiến bạn bị ngạt thở. Vậy thì nguyên nhân gì dẫn đến tình trạng khó chịu đó?
Câu trả lời chính là độ ẩm cao trong không khí có thể khiến con người cảm thấy nóng bức hơn những ngày khô ráo. Điều này do độ ẩm (tức hàm lượng hơi nước có trong không khí) có thể gây khó khăn cho cơ thể khi muốn tản nhiệt thông qua quá trình đổ mồ hôi, theo website weather.gov của Cơ quan Dự báo Thời tiết Quốc gia của Mỹ (NWS).
Thông thường, cơ chế đổ mồ hôi cho phép cơ thể thải sức nóng ra môi trường bên ngoài, từ đó làm dịu bề mặt da và giúp chúng ta cảm thấy mát mẻ hơn. Tuy nhiên, độ ẩm lại ngăn cản những giọt mồ hôi bốc hơi, vì không khí xung quanh đã “ngậm” quá nhiều hơi nước và không thể tiếp nhận thêm.
Khi cơ thể không thể tỏa nhiệt theo cách tự nhiên, con người sẽ cảm thấy càng nóng và vô cùng khó chịu vì mồ hôi cứ đọng bên trên bề mặt da.
Nhiệt độ cao làm tăng khả năng điều tiết nhiệt độ liên quan đến độ ẩm, vì không khí nóng có thể giữ nhiều hơi nước hơn không khí lạnh. Theo Trung tâm Thông tin Môi trường Quốc gia của Mỹ, nhiệt độ tăng 0,55 độ C thì hơi nước trong không khí tăng thêm 4%. Điều này giải thích tại sao độ ẩm vào mùa hè gây khó chịu hơn mùa đông, dù số liệu như nhau.
Còn cảm giác ngạt thở là do phân tử hơi nước thay thế một số lượng nhỏ khí nitơ và ô xy trong không khí, khiến không khí thiếu ô xy hơn so với điều kiện bình thường. Bên cạnh đó, cơ thể đang chống chọi trước cái nóng, khiến chúng ta cảm thấy chật vật hơn khi hít thở, theo báo The Washington Post.
Trong khi giới khoa học chưa đặt ra ngưỡng độ ẩm an toàn, Cơ quan quản lý đại dương và khí quyển quốc gia Mỹ (NOAA) xem độ ẩm tương đối từ 50% trở lên và nhiệt độ điểm sương trên 18 độ C là mức cao.
Tin tốt lành là cơ thể con người vẫn có thể thích ứng với mức nhiệt độ lẫn độ ẩm cao. “Cần trung bình từ 9 đến 14 ngày để cơ thể hoàn toàn thích nghi khi chuyển từ môi trường nhiệt độ thấp sang nhiệt độ cao, theo giáo sư Larry Kenney của Đại học bang Pennsylvania (Mỹ).
HOA GIẤY
TNO