23/12/2024

Quốc tế hỗ trợ Việt Nam chống dịch

Quốc tế hỗ trợ Việt Nam chống dịch

Song song với các nỗ lực hỗ trợ vắc xin COVID-19 cho Việt Nam, bạn bè quốc tế đã thúc đẩy những sáng kiến hỗ trợ Việt Nam phòng dịch và phục hồi kinh tế.

 

Quốc tế hỗ trợ Việt Nam chống dịch - Ảnh 1.

Tổng lãnh sự Nhật Bản tại TP.HCM Nobuhiro Watanabe cùng các lãnh đạo của TP.HCM và Chính phủ chứng kiến mũi tiêm vắc xin cho nhân viên Tập đoàn FPT, đây là vắc xin AstraZeneca do Nhật Bản hỗ trợ Việt Nam – Ảnh: LINH LINH

Khoản tài trợ vắcxin COVID-19 lần này là minh chứng cho tình hữu nghị sâu sắc giữa Nhật Bản và Việt Nam, cho thấy sự đoàn kết cùng chung tay khắc phục khó khăn trong đại dịch đối với trong nước và cả thế giới.

Tổng lãnh sự Nhật Bản tại TP.HCM Nobuhiro Watanabe trả lời Tuổi Trẻ

Đêm 16-6, lễ tiếp nhận lô vắc xin gần 1 triệu liều phòng COVID-19 của Chính phủ Nhật Bản trao tặng Việt Nam đã diễn ra ở sân bay Nội Bài.

Đây là chuyến hàng “thần tốc”, cập bến Việt Nam chỉ một ngày sau khi Ngoại trưởng Nhật Bản Motegi Toshimitsu phát biểu về việc cung cấp vắc xin miễn phí cho Việt Nam.

Nhật xem xét cung cấp thêm vắc xin

Hành động kịp thời từ Nhật Bản thể hiện “tình hữu nghị sâu sắc giữa Nhật Bản và Việt Nam”, như nội dung thông điệp Thủ tướng Suga Yoshihide gửi Thủ tướng Phạm Minh Chính.

Trao đổi với Tuổi Trẻ hôm 19-6, Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam cho biết hiện nay Nhật Bản chưa có quyết định cụ thể về việc hỗ trợ tiếp tục cho Việt Nam thời gian tới, tuy nhiên như Ngoại trưởng Motegi đã nói, Tokyo sẽ xem xét cung cấp thêm vắc xin cho Việt Nam.

Hiện nay, Việt Nam đang đàm phán với nhiều bên nhằm đảm bảo số lượng cũng như đa dạng hóa nguồn cung vắc xin. Theo báo cáo gần đây của Bộ Y tế, nhiều khả năng Việt Nam sẽ đủ vắc xin tiêm cho 70% dân số vào cuối năm 2021. Để đạt mục tiêu này, Việt Nam cần khoảng 150 triệu liều, và sự hỗ trợ của các nước đang tiếp thêm sức mạnh cho chiến dịch này.

Thời gian qua, doanh nghiệp nước ngoài cũng ủng hộ Quỹ vắc xin do Thủ tướng Phạm Minh Chính thành lập, cũng như quỹ của các chính quyền địa phương.

Đơn cử, cùng với lô hàng vắc xin, doanh nghiệp Nhật Bản từ 3 chi hội của Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam và 36 doanh nghiệp là thành viên của các chi hội này đã quyên góp 39,2 tỉ đồng vào Quỹ vắc xin. “Trong tháng này, có thể sẽ có thêm nhiều doanh nghiệp quyên góp”, Đại sứ quán Nhật Bản thông tin với Tuổi Trẻ.

Trong khi đó, theo thông báo của Nhà Trắng đầu tháng 6, Chính phủ Mỹ đã công bố chiến lược chia sẻ ít nhất 80 triệu liều vắc xin COVID-19 cho toàn thế giới tính đến cuối tháng 6-2021, cũng như kế hoạch tặng 25 triệu liều vắc xin đầu tiên. Việt Nam nằm trong số nhóm quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á sẽ nhận vắc xin hỗ trợ từ Mỹ trong đợt này.

Không chỉ… vắc xin

Trên thực tế, vắc xin là nhu cầu cấp thiết và chưa phản ánh hết các nỗ lực song song từ cộng đồng quốc tế trong việc hỗ trợ Việt Nam ứng phó với đại dịch và tác động từ đại dịch này.

Ngoài chuyển vắc xin trực tiếp, Việt Nam cũng nhận hỗ trợ về nhiều mặt liên quan tới khâu tiếp cận, bảo quản và tiêm chủng.

Tính đến nay, Nhật Bản đã hỗ trợ 200 triệu yen cho Việt Nam (1,9 triệu USD thông qua Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc – UNICEF) nhằm cung cấp trang thiết bị và hỗ trợ nâng cao năng lực liên quan tới dây chuyền lạnh cần thiết trong việc bảo quản và vận chuyển vắc xin.

Bản thân Nhật Bản cũng thông báo đóng góp tổng cộng 200 triệu USD cho cơ chế tiếp cận công bằng với vắc xin COVID-19 trên toàn cầu, mà Việt Nam là một trong các quốc gia hưởng lợi.

Tương tự, hồi tháng 4 vừa qua, Úc và UNICEF cũng công bố chương trình đối tác trị giá 13,5 triệu đôla Úc (AUD, tương đương 10 triệu USD) nhằm hỗ trợ công tác chuẩn bị và thực hiện chương trình tiêm chủng COVID-19 của Việt Nam.

Vào cuối tháng 5, Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) đã cung cấp hơn 1.500 bộ sinh phẩm xét nghiệm RT PCR cho Bộ Y tế Việt Nam, nhằm hỗ trợ nỗ lực xét nghiệm khẩn cấp tại các điểm bùng phát dịch.

Những bộ sinh phẩm xét nghiệm này được sản xuất tại Việt Nam theo tiêu chuẩn kỹ thuật của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), và được mua sắm với nguồn kinh phí do Quỹ JSB của Nhật Bản và nhóm sản xuất Ghen CoVy tài trợ.

Về vấn đề xét nghiệm COVID-19 bằng công nghệ PCR cũng như điều trị bệnh này, Nhật Bản cũng là bên tiếp tục hỗ trợ Việt Nam bằng việc hợp tác kỹ thuật thông qua Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA).

Doanh nghiệp Nhật sát cánh với Việt Nam

Trao đổi với Tuổi Trẻ, Tổng lãnh sự Nhật Bản tại TP.HCM Nobuhiro Watanabe nhìn nhận vai trò của Việt Nam đang ngày càng trở nên quan trọng hơn đối với các doanh nghiệp Nhật Bản, cũng như gắn bó sâu hơn với các chuỗi cung ứng trong nền kinh tế toàn cầu.

Ông Nobuhiro khẳng định “ngay cả trong bối cảnh bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, doanh nghiệp Nhật vẫn tiếp tục dành sự quan tâm cao đến Việt Nam và sẵn sàng đầu tư”.

Với tình hình dịch bệnh ở TP.HCM vẫn tiềm ẩn nguy cơ và đã lây lan sang các khu công nghiệp cả ở TP.HCM và các tỉnh lân cận, ông Watanabe cho biết hoạt động của các công ty Nhật Bản cũng bị ảnh hưởng và gặp nhiều khó khăn khác nhau, cụ thể như việc hạn chế đi lại của nhân viên và tạm ngừng hoạt động trong trường hợp phát hiện ca nhiễm.

“Các doanh nghiệp Nhật Bản rất mong muốn dịch COVID-19 sẽ được kiểm soát để các hoạt động kinh doanh trở lại bình thường trong thời gian sớm nhất. Trong bối cảnh như trên, doanh nghiệp Nhật Bản cũng đã tích cực tham gia quyên góp cho Quỹ vắcxin Việt Nam để cùng chung tay vượt qua đại dịch”, ông Watanabe chia sẻ.

NGUYÊN HẠNH

NHẬT ĐĂNG
TTO