Chúa Nhật XII TN B 2021: Ngủ giữa cơn giông bão

Hình ảnh Chúa Giêsu bình thản nằm ngủ giữa cơn giông bão như mời gọi ta tin vào sự quan phòng của Chúa Cha. Hôm nay là Ngày của Người Cha, chúng ta cầu nguyện cho tất cả các người cha luôn biết yêu thương, chăm sóc và dạy dỗ con cái theo gương mẫu của Chúa Cha trên trời và thánh Giuse ở trần thế này.

Chúa Nhật XII TN B 2021

Ngủ giữa cơn giông bão

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, HKK

Lời mở

Hình ảnh Chúa Giêsu bình thản nằm ngủ giữa cơn giông bão như mời gọi ta tin vào sự quan phòng của Chúa Cha. Hôm nay là Ngày của Người Cha, chúng ta cầu nguyện cho tất cả các người cha luôn biết yêu thương, chăm sóc và dạy dỗ con cái theo gương mẫu của Chúa Cha trên trời và thánh Giuse ở trần thế này.

1. Những cơn giông bão trên biển đời

Theo số liệu công bố ngày 19/6/2021 (x. Báo Tuổi Trẻ, ngày 20/6/2021, tr.5), toàn cầu có 177,9 triệu bệnh nhân nhiễm virus SARS-CoV-2, hơn 4 triệu người chết, 163,2 triệu người hồi phục. Việt Nam có 12.620 người nhiễm, 5.054 người hồi phục, 64 người chết. Riêng TP.HCM đang phải chống dịch bằng “biện pháp đặc biệt” do số bệnh nhân tăng cao trong ít ngày gần đây. Hoạt động tôn giáo phải tạm ngưng. Các linh mục Công giáo trong tổng giáo phận được lệnh dâng lễ một mình.

Đứng trước dịch bệnh, nhiều người có những thái độ và phản ứng khác nhau, dù tất cả đều sợ hãi như các môn đệ của Chúa Giêsu trong cơn giông bão (x. Mc 4,35-41). Giông bão này tượng trưng cho những đau khổ, căng thẳng, thất bại, bệnh tật, bách hại, chết chóc, thậm chí phải đối mặt với cả quyền lực của bóng tối mà con người chúng ta gặp phải trên biển đời trôi nổi.

Một số người cho đó là hậu quả tất nhiên từ những hành động ác đức của con người theo luật nhân quả. Có những người theo thuyết định mệnh cho rằng Trời đã an bài, sắp đặt từ trước mọi biến cố xảy ra trong đời sống của mỗi người hay của toàn thế giới, nên con người phải cúi đầu chấp nhận số phận, có phản kháng cũng vô ích. Nhiều tín hữu Công giáo lại tin đó là sự quan phòng hay an bài của Thiên Chúa.

Nhưng không lẽ Chúa ác độc đến độ tạo nên cái chết và lại là cái chết cho hàng triệu con người, trong đó có cả những người vô tội, sống đạo đức tốt lành? Rồi lời kinh cầu nguyện trong cả năm trời, của Đức Giáo Hoàng và hàng triệu tín hữu, lại không đánh động được lòng thương xót của Chúa hay sao? Chúa quyền năng vô cùng, sao lại bất lực trước thảm hoạ thiên nhiên hay tội ác của con người? Nhiều người vì không tìm hiểu sâu xa nên đã bỏ cầu nguyện, bỏ dự lễ sau cơn dịch bệnh, không phải vì họ lười biếng, nhưng vì không giải toả được những câu hỏi về các thảm hoạ trong đời sống. Vì thế chúng ta cần tìm hiểu về sự quan phòng của Thiên Chúa.

2. Chúa quan phòng là ai?

Từ quan phòng bắt nguồn từ nguyên ngữ Latinh “Providentia”, tiếng Anh, tiếng Pháp là “Providence”, gồm động từ “Videre” có nghĩa là quan sát, và từ “Pro” có nghĩa là “hữu ích cho”. Từ điển tiếng Việt không biết đến từ này, nhưng có từ “an bài”. Từ điển tiếng Anh chuyển dịch thành “Ý Trời, ý Chúa, mệnh Trời, Thiên cơ”.

Từ điển Công giáo giải thích: “Quan phòng có nghĩa là chú ý nhìn xem và gìn giữ. Vì thế, tin vào sự quan phòng là tin vào việc Thiên Chúa lo liệu trong sự khôn ngoan và tình yêu của Ngài, để dẫn đưa mọi thụ tạo tới mục đích sau cùng là chính Ngài” (x. HĐGMVN, Từ điển Công giáo, 2019, mục từ Quan phòng; GLHTCG, số 321).

“Thiên Chúa không dựng nên mọi sự rồi bỏ mặc chúng, nhưng quan tâm, bảo tồn, chăm sóc và hướng dẫn chúng theo ý định muôn thuở của Ngài. Mọi thụ tạo được dựng nên đều tốt lành và hoàn hảo nhưng chưa tuyệt đối. Chúng đang tiến đến sự hoàn hảo tối hậu do Thiên Chúa định sẵn. Sự quan phòng chính là đường lối Ngài sắp đặt để đưa vạn vật tới sự trọn hảo đó (x. GLHTCG, số 301-302). Thiên Chúa cũng ban cho con người khả năng tham dự vào sự quan phòng của Ngài qua việc làm chủ trái đất (x. số 307)”.

Nhưng, Thiên Chúa cũng đặt con người sống giữa những đau khổ, buồn phiền, thất bại, bệnh tật, chết chóc, không phải như một định mệnh an bài tự nhiên của kiếp người. Chúng bắt nguồn từ việc con người tự do cắt đứt mối hiệp thông với Thiên Chúa. Thiên Chúa không dựng nên những thứ tiêu cực đó. Chúng xuất hiện do tội lỗi của con người đã làm xáo trộn vạn vật. Trong sự khôn ngoan, Ngài thấy rõ tất cả, biết trước tất cả, nên khi con người phải chịu đựng chúng, Chúa vẫn ở bên và nâng đỡ họ với quyền năng quan phòng của Ngài như Đức Giêsu trong con thuyền hôm nay.

Thứ Ba tuần 13 Thường niên (+video)

Có những người giống như các bạn của ông Gióp: muốn kết tội những nạn nhân, buộc họ phải nhận rằng mình đã phạm tội, nên đáng phải chịu những hình khổ đó. Tuy nhiên, có những tín hữu như ông Gióp xác định rằng mình đã ăn ở liêm chính, còn đau khổ hoạn nạn bắt nguồn từ những thử thách Chúa gửi đến, mà không rõ nguyên nhân. Bài đọc I hôm nay (x. G 38,1.8-11) như muốn xác định điều đó: Thiên Chúa không hề giải thích tại sao một người công chính, tốt lành như ông Gióp lại phải chịu bao tai ương, dịch bệnh, con cái chết hết, tài sản tiêu tan, người vợ khinh thường, bạn bè xa lánh.

Hành động của Thiên Chúa vượt quá khả năng hiểu biết và phán đoán của con người. Những đau khổ, mà con người trải qua như ông Gióp, có là gì so với những diễn biến trong vũ trụ này theo một trật tự mà chỉ có một mình Thiên Chúa biết. Vì thế, con người bé nhỏ hãy tin vào sự quan phòng của Ngài như ông Gióp (G 40,4-5), họ sẽ được bình an và sẽ được phục hồi gấp đôi những gì họ phải chịu đựng và mất mát. Còn những người đã chết, không phải là họ biến mất vào cõi hư không, nhưng là về với Chúa là cha của mình.

3. Thái độ an bình của Chúa Giêsu

Chúa Giêsu mời gọi tín hữu hãy phó thác vào sự quan phòng của Cha Trên Trời với tình con thảo (x. Mt 6,31-33; 10,29-31).

Đối mặt với dịch bệnh Covid-19, con người muốn tìm ra sự thật: các virus SARS-CoV-2 bắt nguồn từ đâu? Từ các con dơi trong thiên nhiên hay từ sự rò rỉ vô tình của con người trong phòng thí nghiệm ở Vũ Hán, Trung Quốc hoặc sự cố tình tạo ra các biến thể từ virus tự nhiên để chiếm ưu thế về quân sự như một loại vũ khí sinh học. Tổ chức Y tế Thế giới WHO đã hai lần gửi phái đoàn các nhà khoa học sang Trung Quốc vào năm 2020, nhưng không được tiếp cận đầy đủ các dữ liệu, khiến thế giới Âu Mỹ nghi ngờ Trung Quốc che giấu sự thật. Chính phủ Úc khi yêu cầu phải nghiên cứu sự thật về dịch bệnh ở Vũ Hán đã gặp phản ứng mạnh mẽ của Trung Quốc và sự trả đũa bằng cách áp thuế nặng trên rượu vang của Úc. Ngày 20/5/2021, Tổng thống Mỹ Biden đã ra lệnh cho các cơ quan tình báo trong vòng 90 ngày phải tìm ra nguồn gốc Virus SARS-CoV-2 và ngày 13/6/2021, các nước G7 cũng đòi hỏi Trung Quốc phải minh bạch về nguồn gốc Covid-19 (x. Tuoitre.vn, nguồn gốc covid-19) và Trung Quốc đã phản đối mạnh mẽ.

Quả thật, đối mặt với sự thật bi thảm với hàng trăm triệu người nhiễm và 4 triệu người chết, thế giới bị chia rẽ và giải thích bằng đủ thứ lý do. Dù sao, con người cũng quyết tâm tìm ra sự thật, vì chỉ có sự thật mới giải thoát con người, mới giúp con người chiến thắng mau chóng và an toàn với những đại dịch khác (x. vov.vn, 18:30, ngày 9/6/2021).

Tuy nhiên, sự thật không phải chỉ là cái có thật, cái có trong thực tế. Nó cũng không phải là chân lý, là lẽ thật, vốn có một cách khách quan mà người ta phải nhìn nhận nó, hay là “sự tương hợp giữa thực tại và trí khôn” theo định nghĩa của thánh Thomas d’Aquino. Sự thật này là một con người, là chính Đức Giêsu, đến để giải thoát thật sự con người (x. Ga 8,31-32) và đã chứng minh sự giải thoát bằng lời giảng dạy đầy uy quyền, bằng đời sống, bằng những phép lạ chữa lành bệnh tật, xua trừ ma quỷ, bằng cái chết cứu độ và sự sống lại của Người.

Đứng trước thảm trạng về sự thật khi bao con người đang lừa dối nhau, đang bị chia rẽ bởi những hệ tư tưởng khác biệt, bị tham vọng dục vọng che mờ tâm trí và lương tâm khiến người ta không dám đón nhận sự thật, Chúa Giêsu mời gọi con người hãy yêu thương nhau vì Thiên Chúa là tình yêu. Chỉ có tình yêu mới giúp cho con người vượt qua những sự thật khắc nghiệt và lạnh lùng. ĐGH Bênêđictô XVI đã viết điều này trong Thông điệp Caritas in Veritate (Tình yêu trong Sự thật), công bố năm 2009.

Đối mặt với thực tế khắc nghiệt là những cơn sóng dữ và bão tố, tượng trưng cho quyền lực của bóng tối và sự dữ, Đức Giêsu vẫn bình thản dựa đầu vào chiếc gối mà ngủ. Không phải là Người “vô tư” không cần biết gì đến những sợ hãi, lo lắng của các môn đệ đang hoảng loạn. Người chỉ muốn chứng tỏ cho các môn đệ bài học tin vào tình yêu của Chúa Cha: “Vậy anh em đừng lo lắng về ngày mai, ngày mai cứ để ngày mai lo. Ngày nào có cái khổ của ngày ấy” (Mt 6,32-34). Cha Trên Trời yêu chúng ta đến nỗi không tiếc ban Con Một Ngài, thì có gì mà Ngài không bảo vệ và gìn giữ chúng ta! Vì thế, Đức Giêsu trách chúng ta: “Sao nhát thế? Anh em vẫn chưa có lòng tin sao?”.

Tuy nhiên, không phải tin vào tình yêu Thiên Chúa cách mù quáng, để nghĩ rằng Cha Trên Trời sẽ bảo vệ mình, rồi không làm gì hết: không chống đỡ với gió biển, không cẩn thận canh phòng trước sức tấn công, cám dỗ của quỷ ma. Chúng ta phải bảo vệ sự thật, vì nếu không dựa trên sự thật, tình yêu chỉ là một thứ tình cảm uỷ mị, trở thành một cái vỏ trống rỗng được lấp đầy một cách tuỳ tiện, giống như ta giúp tiền cho mấy em nghiện ma tuý để mua thuốc chơi cho qua cơn đau (Caritas in Veritate, số 3).

Do đó, thánh Phaolô nhắc nhở chúng ta hôm nay hãy để cho “tình yêu Đức Kitô thôi thúc chúng ta để chúng ta không còn sống cho chính mình nữa, mà sống cho Đấng đã chết và sống lại vì mình” (2Cr 5,14-17).

Lời kết

Khi sống như thế ta mới thật sự là một thụ tạo mới, tràn đầy quyền năng của Đức Giêsu và ân sủng của Thánh Thần để có thể bình tâm và an lạc giữa cơn bão tố cuộc đời.

 

HKK