23/01/2025

WHO: Hàng chục nước phải dừng tiêm vắc xin liều hai do thiếu nguồn cung

WHO: Hàng chục nước phải dừng tiêm vắc xin liều hai do thiếu nguồn cung

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 18-6 cho biết nhiều nước nghèo phải dừng tiêm liều vắc xin COVID-19 thứ hai do thiếu nguồn cung.

 

WHO: Hàng chục nước phải dừng tiêm vắc xin liều hai do thiếu nguồn cung - Ảnh 1.

Các nước láng giềng Ấn Độ như Nepal và Sri Lanka đang thiếu nguồn cung vắc xin nghiêm trọng – Ảnh: AFP

“Nếu tôi nhớ không nhầm, khoảng 30 hay 40 quốc gia có mục tiêu tiêm liều thứ hai của vắc xin AstraZeneca nhưng sẽ không thể đạt được điều đó” – ông Bruce Aylward, quan chức cấp cao WHO, nói.

Theo Hãng tin AFP, các quốc gia bị thiếu nguồn cung vắc xin trải rộng khắp tiểu lục địa Ấn Độ, khu vực châu Phi cận Sahara, Mỹ Latin và Trung Đông.

Trong đó, các nước láng giềng Ấn Độ như Nepal và Sri Lanka bị “ảnh hưởng đặc biệt nặng nề” và đang phải đối mặt với “một đợt bùng phát dịch bệnh nghiêm trọng”.

Viện Huyết thanh Ấn Độ (SII), nơi sản xuất vắc xin AstraZeneca, là xương sống chính trong chuỗi cung ứng vắc xin COVID-19 của chương trình COVAX do WHO điều phối.

Tuy nhiên, Ấn Độ đã hạn chế xuất khẩu vắc xin để ưu tiên thị trường trong nước trong lúc phải đối phó với sự bùng phát mạnh dịch bệnh COVID-19 ở nước này.

Ông Aylward cho biết WHO đang khẩn trương làm việc với AstraZeneca, cũng như SII, Chính phủ Ấn Độ để khởi động lại các lô hàng vắc xin nhằm phân phối những liều vắc xin thứ hai cho các quốc gia trong các khu vực bị ảnh hưởng nói trên.

Đầu tuần này, WHO cảnh báo virus corona đang lây lan nhanh hơn tốc độ phân phối vắc xin COVID-19. WHO cũng cho rằng cam kết viện trợ 1 tỉ liều vắc xin của các quốc gia G7 là không đủ.

Tính đến ngày 17-6, chương trình COVAX chỉ mới phân bổ được 88 triệu liều vắc xin cho hơn 131 quốc gia trên thế giới, thấp hơn nhiều so với kế hoạch ban đầu.

Theo Đài Al Jazeera, đầu tháng 2 năm nay, COVAX đã công bố kế hoạch phân phối vắc xin COVID-19 nửa đầu năm 2021. Theo đó, chương trình sẽ phân phối 337 triệu liều cho 145 quốc gia trong 6 tháng đầu năm với mục tiêu 3,3% dân số thế giới sẽ được tiêm chủng.

ANH THƯ
TTO