24/12/2024

Thượng đỉnh lịch sử Nga – Mỹ

Thượng đỉnh lịch sử Nga – Mỹ

Tổng thống Mỹ Joe Biden và người đồng cấp Nga Vladimir Putin hôm qua mặt đối mặt giữa lúc quan hệ song phương ở mức xấu nhất kể từ thời Chiến tranh lạnh.
Hai nhà lãnh đạo Nga - Mỹ đã có cuộc gặp đầu tiên ở Thụy Sĩ /// Ảnh: AFP
Hai nhà lãnh đạo Nga – Mỹ đã có cuộc gặp đầu tiên ở Thụy Sĩ ẢNH: AFP
Biệt thự La Grange nằm bên hồ Geneva (Thụy Sĩ) là nơi chứng kiến sự kiện lịch sử khi Tổng thống Mỹ Joe Biden tối qua 16.6 có cuộc gặp trực tiếp đầu tiên với người đồng cấp Nga Vladimir Putin kể từ khi Nhà Trắng đổi chủ hồi tháng 1. Đây cũng là chặng cuối trong chuyến công du đầu tiên của ông Biden đến châu Âu với lịch trình dày đặc. Giới quan sát cho rằng những sự kiện trước đó cũng là bước tham vấn quan trọng từ các đồng minh và đối tác đối với Tổng thống Biden trước cuộc gặp thượng đỉnh với nhà lãnh đạo Nga.

Ổn định chiến lược

Tuyên bố chung của Thượng đỉnh G7 vài ngày trước đó chỉ trích Nga chứa chấp các phần tử tấn công mạng, còn tuyên bố chung của NATO bày tỏ quan ngại về các hoạt động quân sự của Nga, lên án “các chiến dịch làm sai lệch thông tin” và cáo buộc Nga can thiệp vào bầu cử tại các nước thành viên NATO. Mối quan hệ giữa Mỹ và Nga xấu dần trong nhiều năm qua, với hàng loạt cáo buộc và nghi ngại lẫn nhau. Chính Tổng thống Putin ngay trước thềm cuộc gặp này đã thừa nhận mối quan hệ song phương đang ở mức thấp nhất.
Theo Đài NPR, cuộc gặp thượng đỉnh hôm qua diễn ra liên tục mà không có thời gian nghỉ giải lao để dùng thức ăn nhẹ. Hai Tổng thống Biden và Putin đã có buổi thảo luận với sự tham gia của Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cùng thông dịch viên 2 bên, trước khi tham dự cuộc họp mở rộng. Sau cuộc gặp, 2 nhà lãnh đạo tổ chức họp báo riêng.
Nhằm đảm bảo an ninh, cơ quan chức năng Thụy Sĩ tạm cấm các máy bay hoạt động trên không phận gần khu vực hội nghị và điều động đến 3.000 binh sĩ, cảnh sát làm nhiệm vụ. Trong số đó có 900 cảnh sát được điều động từ các khu vực khác của Thụy Sĩ nhằm đảm bảo an ninh, nhất là khi 2 nhà lãnh đạo tổ chức họp báo bên ngoài tại địa điểm tổ chức hội nghị. Công viên La Grange và công viên Haut Vives gần đó được rào bằng lưới kim loại có dây thép gai, còn xe hơi bị cấm đậu gần các khu vực này.
H.G

Cuộc gặp thượng đỉnh Nga – Mỹ đã diễn ra trong bối cảnh hai cường quốc hạt nhân cần sự ổn định chiến lược, bên cạnh nhu cầu hợp tác đối phó đại dịch Covid-19 và các vấn đề an ninh khu vực cũng như quốc tế. Ngoài an ninh mạng, hai nước hiện cần giải pháp cho hàng loạt vấn đề như Ukraine, Syria, Afghanistan, Libya, bán đảo Triều Tiên, chương trình hạt nhân của Iran, căng thẳng giữa Armenia – Azerbaijan, tình hình Belarus và nhiều vấn đề khác.

Hai nhà lãnh đạo cũng gặp nhau giữa lúc Nga và Trung Quốc có thể củng cố mối quan hệ, gia tăng thách thức đối với Mỹ. Một quan chức cấp cao tại Nhà Trắng cho biết mối quan hệ Nga – Trung Quốc gần đây dường như đã trở nên bền vững và chiến lược hơn. Quan chức này cho hay Tổng thống Biden đã được báo cáo về điều đó và đã xem xét các thông tin tình báo liên quan. Tuy nhiên, ở giai đoạn đầu nhiệm kỳ của chính quyền mới, nhiều quan điểm trọng yếu vẫn đang định hình và Nhà Trắng đang theo dõi sát sao về diễn tiến của mối quan hệ giữa Nga và Trung Quốc. Hiện mối lo ngại lớn nhất của Mỹ đối với vấn đề này được cho là đang tập trung vào hợp tác quân sự và công nghệ gia tăng giữa Nga và Trung Quốc.

Kết quả đột phá ?

Tờ The New York Times dẫn lời nhà báo Vladimir Frolov chuyên viết về quan hệ đối ngoại của Nga cho rằng cuộc gặp hôm qua là một thành công đối với tổng thống Putin, khi ông đã gặp tổng thống Mỹ thứ 5 kể từ khi nắm quyền. “Mục tiêu của ông Putin là chuyển biến thành mối quan hệ đương đầu có sự tôn trọng, thay vì thiếu tôn trọng như trước. Dường như điều đó cũng phù hợp với mục tiêu của ông Biden về mối quan hệ có thể đoán trước và ổn định với Nga”, ông Frolov nhận định.
Giới quan sát cho rằng Tổng thống Biden đã “chìa củ cà rốt” cho ông Putin khi cuộc gặp thể hiện sự tôn trọng đối với Moscow, và phía Nga đã tận dụng tối đa cơ hội này. Ngược lại, Mỹ cũng tận dụng cuộc gặp để giải quyết một số vấn đề, ít nhất là đạt lợi ích ngắn hạn, theo Đài CNN dẫn bình luận của bà Evelyn Farkas, cựu phó trợ lý ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề về Nga, Ukraine và khu vực Âu – Á.
Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov cũng cho rằng hôm qua là một ngày “cực kỳ quan trọng” và phía Nga trước đó đã chuẩn bị tối đa vì kết quả tích cực, tránh làm mối quan hệ song phương trở nên xấu hơn. Ông Sean O’Keefe, người từng phục vụ trong chính quyền của các cựu Tổng thống George H.W.Bush và George W.Bush, cho rằng điều quan trọng từ cuộc gặp là hai bên tận dụng cơ hội để giảm căng thẳng. “Điều đó mở ra việc tìm kiếm những quan điểm chung và là điều khiến hai bên có thể lạc quan”, ông nhận định.
Cả ông Putin và ông Biden đều không đặt mục tiêu có đột phá lớn nhưng hai nhà lãnh đạo đều hy vọng có thể tạo tiền đề để phát triển quan hệ ổn định.
KHÁNH AN
TNO